Bản tin tiêu dùng: Chị em “canh cánh” nỗi lo thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ngày giáp Tết

Ngày 20/01/2020 12:30 PM (GMT+7)

Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm nhưng trước sự tinh vi của các đối tượng, người tiêu dùng vẫn canh cánh nỗi lo về thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc khi Tết đang đến rất gần.

Chị em “canh cánh” nỗi lo thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ngày giáp Tết

Sự ảnh hưởng của đại dịch tả lợn châu Phi không những khiến giá cả mặt hàng thịt lợn tăng cao mà giá của các mặt hàng thực phẩm khác cũng bị "kéo" theo. Khi Tết cận kề, vấn đề khiến chị quan tâm hàng đầu không chỉ giá thực phẩm, mà là cả vấn đề chất lượng.

Chị Nguyễn Anh Thư (35 tuổi, Thanh Xuân) cho biết: "Vấn đề lo ngại nhất là thực phẩm đông lạnh, nhất là mặt hàng thực phẩm xông khói và có xuất xứ nước ngoài. Gia đình tôi có thói quen dùng thực phẩm xông khói với rượu vang trong ngày Tết nên tôi đặt quan tâm hàng đầu đến mặt hàng này".

Phát hoảng giá Tết, chỉ lau cái tủ lạnh chém 1 triệu đồng

Năm nay, vì bận chăm con nhỏ mới hơn 6 tháng tuổi, lại không có người thân hỗ trợ, chị Phạm Trúc Linh, kế toán một công ty ở Cầu Giấy, Hà Nội quyết định thuê người về dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết Canh Tý.

Thế nhưng, khi lên những diễn đàn tìm người giúp việc theo tiếng, chị Linh giật mình vì chi phí thuê quá cao. Giá thuê người dọn nhà theo tiếng hiện tại trung bình cũng phải 100.000-150.000 đồng/tiếng. Nhưng khoản phí khiến chị phát hoảng lại chính là giá giặt sofa: 650.000 đồng và dọn tủ lạnh: 900.000 đồng.

Chuyện lạ Hà thành, nhà giàu gom đồ “bỏ đi” làm mứt Tết đãi khách

Tết Nguyên đán, nhiều chị em lựa chọn tự tay vào bếp chuẩn bị các loại mứt làm từ nguyên liệu tưởng như bỏ đi như: vỏ dưa hấu, bưởi, cam,...

Dành cả ngày ngồi cạo lớp vỏ màu tím bên ngoài để lấy phần cùi trắng của vỏ chanh leo, chị Bích Hằng (Hoàng Mai) khoe: “Chỗ vỏ chanh leo này tôi dùng làm mứt đãi khách dịp Tết”.

Các công đoạn làm mứt khá đơn giản, sau khi lấy phần cùi trắng, chị đem thái mỏng rồi ngâm vào nước muối. Lúc sau bỏ ra luộc lên, xả nước lạnh, ướp với đường cùng chút cốt chanh leo tạo mùi. Sên đến khi cạn thì thu thành phẩm.

Kiếm bộn tiền nhờ bán sỉ, lẻ bánh chưng gù, bánh chưng vuông ngày giáp Tết

Những ngày này, nhà chị Hà Trịnh ở Hồ Tùng Mậu, Hà Nội tấp nập khách vào ra đặt mua sỉ, lẻ bánh chưng gù, chưng xanh ăn Tết. Chị Hà chia sẻ, cứ bắt đầu từ rằm tháng Chạp trở đi, nhà chị lúc nào cũng nhận được rất nhiều đơn đặt. Khách đặt bánh chưng chủ yếu là các hộ dân sống ở quanh đây và những khách online từ mọi miền đất nước.

Chị cho biết, giá thịt lợn leo thang nên năm nay, giá bánh chưng cũng nhỉnh hơn năm trước một chút. Giá bánh chưng gù gần 4 lạng được bán với giá 25 ngàn/chiếc; bánh chưng vuông nặng 1,2kg bán với giá 70 ngàn/chiếc.

Kỳ lạ cặp chân gà Đông Tảo nở như súp lơ, được rao bán giá hơn 10 triệu đồng

Tại hội chợ ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), Chủ HTX Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo (Hưng Yên) đang rao bán con gà Đông Tảo có cặp chân khủng, xù xì với giá 10 triệu đồng.

Gà có cặp chân khổng lồ, to như cánh tay người lớn. Con gà trống được giới thiệu là gà Đông Tảo thuần chủng, hơn 1 năm tuổi. Hiện tại con gà có trọng lượng khoảng 6kg. Tuy nhiên, gà có thể đạt trọng lượng lớn hơn, đẹp hơn, hoàn thiện hơn nếu nuôi đến 2 năm tuổi.

Đối với gà Đông Tảo bình thường, giá bán gà thương phẩm chỉ dao động khoảng 240.000-350.000 đồng/kg.

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán