Bản tin tiêu dùng: Tiểu thương tiết lộ lý do bào ngư giá rẻ chưa từng thấy, chỉ 33.000 đồng/con

KHAI TÂM - Ngày 07/09/2020 12:15 PM (GMT+7)

Theo chị Quyên, trên thị trường Việt Nam thời gian gần đây có quá nhiều người bán bào ngư với đủ các giá khác nhau, hàng kém chất lượng cũng trà trộn vào nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp nhập khẩu uy tín.

Tiểu thương tiết lộ lý do bào ngư giá rẻ chưa từng thấy, chỉ 33.000 đồng/con

Bào ngư được coi là loại hải sản “nhà giàu” bởi mỗi kg có giá hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đồng. Thế nhưng thời gian gần đây, tại các cửa hàng hải sản hay trên chợ online, bào ngư được rao bán tràn lan với giá rẻ chưa từng có. Loại bào ngư nhập khẩu từ Hàn Quốc về và vẫn còn sống, với giá 33.000 đồng/con size 17-18 con/kg thì 1kg bào ngư sống chỉ có giá chưa đến 600.000 đồng.

Bản tin tiêu dùng: Tiểu thương tiết lộ lý do bào ngư giá rẻ chưa từng thấy, chỉ 33.000 đồng/con - 1

Bào ngư giá rẻ rao bán tràn lan. (Ảnh minh họa)

Trên chợ online, bào ngư được rao bán rầm rộ với đủ các chủng loại và giá cả chỉ từ 199.000 đồng/kg đối với bào ngư đông lạnh size 12-15 con/kg, thậm chí được quảng cáo có giá sỉ hấp dẫn khi lấy đầu tạ, đầu tấn trở lên.

Làm tại một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối bào ngư Hàn Quốc tại Việt Nam, chị Nguyễn Quyên (trú tại Hàm Nghi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bào ngư có phần bị ảnh hưởng nên nhiều người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận mua với giá rẻ.

Tuy nhiên, theo chị Quyên, trên thị trường Việt Nam thời gian gần đây có quá nhiều người bán bào ngư với đủ các giá khác nhau, hàng kém chất lượng cũng trà trộn vào nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp nhập khẩu uy tín.

“Họ lấy hình ảnh bào ngư Hàn Quốc đăng bán nhưng khách nhận về lại là loại bào ngư khác. Thậm chí họ rao bán bào ngư giá rẻ nhưng không nói rõ là hàng đông lạnh hay hàng tươi sống, bán theo con nhưng không nói rõ size bao nhiêu con/kg. Vì vậy, người tiêu dùng phải hết sức cẩn thận để không mua phải hàng kém chất lượng hay không rõ nguồn gốc xuất xứ”, chị Quyên cho hay.

Tôm hùm rớt giá chưa từng có

Ghi nhận của phóng viên, tại chợ Xóm Mới (TP Nha Trang, Khánh Hòa), giá tôm hùm xanh tươi sống loại 3 con/kg là 520.000 đồng; loại 4-5 con/kg 450.000 đồng; tôm hùm bông loại 2 con/1,5kg là 750.000 đồng, loại 1 con/kg giá 1,1 triệu đồng. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Theo bà Bảy (chuyên bán tôm hùm), trước đây tôm hùm tươi sống chỉ nhập cho các nhà hàng, khách sạn, ít khi bán ở chợ bởi giá cao từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh và 1,5 – 1,8 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông. Nhưng nay, sau 2 lần dịch Covid-19 bùng phát, lượng tôm xuất khẩu ngày càng giảm nên phải đẩy mạnh thị trường nội địa với giá vừa phải. "Giá tôm hùm hiện nay phù hợp với thu nhập của nhiều người. Chỉ riêng tôm hùm bông, khách vẫn phải đặt trước tôi mới lấy về bán vì loại tôm này giá thành còn cao, khó bán", bà Bảy cho hay.

Bản tin tiêu dùng: Tiểu thương tiết lộ lý do bào ngư giá rẻ chưa từng thấy, chỉ 33.000 đồng/con - 2

Tôm hùm giảm giá.

Tại TP HCM, tôm hùm Việt Nam cũng đang có giá bán thấp chưa từng có, nguồn hàng được nhập từ nhiều tỉnh thành. Các hệ thống chuyên hải sản cao cấp cũng đang chạy chương trình bán hàng không lợi nhuận, giảm lượng nhập khẩu để tập trung "giải cứu" tôm hùm trong nước.

Tại một vựa hải sản chuyên bán online trên đường Đỗ Bí (quận Tân Phú), tôm hùm cốm (còn gọi tôm 2 da tức tôm đang thay vỏ) không còn sống (tôm ngộp) có giá chỉ 380.000 đồng/kg (mỗi kg từ 4-5 con). Với loại lớn hơn thì giá 420.000 đồng/kg (loại mỗi kg 3 con) và 500.000 đồng/kg (loại mỗi kg có 2 con). Nhân viên cửa hàng cho biết loại tôm hùm này số lượng không nhiều nên người mua nên tranh thủ.

Còn tôm hùm xanh còn sống có giá từ 550.000 - 650.000 đồng/kg tùy kích cỡ, thấp hơn cả đợt "giải cứu" hồi đầu năm.

Lợn hơi “rơi” sát ngưỡng 70.000 đồng/kg, giá thịt bán lẻ vẫn đắt gấp đôi

Tại chợ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), giá thịt lợn bán lẻ dao động khoảng 130-170 nghìn đồng/kg, chỉ giảm khoảng 20-30 nghìn đồng/kg so với thời điểm giá lợn hơi đạt đỉnh 115 nghìn đồng/kg (cao hơn hiện tại khoảng 30-35 nghìn đồng/kg). Cụ thể, giá thịt lợn ba chỉ, nạc vai 150-160 nghìn đồng/kg; Thịt mông 130-140 nghìn đồng/kg; Sườn thăn 160-170 nghìn đồng/kg; Sụn non 170 nghìn đồng/kg…

Chị Hằng, một tiểu thương chợ Ngọc Khánh cho biết, mặc dù giá lợn hơi có giảm mạnh, nhưng giá thịt móc hàm chỉ giảm khoảng hơn 10 nghìn đồng/kg nên giá bán lẻ cũng giảm tương xứng theo thịt móc hàm. Hơn nữa, chị Hằng cho rằng, mức giảm giá thịt lợn bán lẻ không thể cân đối theo giá lợn hơi bởi còn phải qua nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng.

Bản tin tiêu dùng: Tiểu thương tiết lộ lý do bào ngư giá rẻ chưa từng thấy, chỉ 33.000 đồng/con - 3

Tại chợ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), giá thịt lợn bán lẻ dao động khoảng 130-170 nghìn đồng/kg, chỉ giảm khoảng 20-30 nghìn đồng/kg so với thời điểm giá lợn hơi đạt đỉnh 115 nghìn đồng/kg (cao hơn hiện tại khoảng 30-35 nghìn đồng/kg).

Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), mức giá giao dịch cũng phổ biến ngưỡng 130-170 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 10-20 nghìn đồng/kg so với mức đỉnh. “Những loại thịt được ưa chuộng như ba chỉ, sườn thăn và sườn non có mức giảm thấp hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg do số lượng khách mua chỉ còn chưa đến 50% so với trước nên phải “gánh” các loại thịt còn lại”, Chị Liễu, một tiểu thương cho biết.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục trong 2 năm qua

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã sang tuần thứ hai giữ được mức cao kỷ lục ngưỡng 480-492USD/tấn.

"Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục cao trong nhiều tuần tới bởi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc khi đất nước này đang đối mặt với lũ lụt nặng nề", Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định.

Theo báo cáo từ VFA, Philippines đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với gần 37% thị phần. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu gạo có giá trị tăng mạnh nhất là Senegal (gấp 19,6 lần, đạt 41.100 tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần, đạt 45.200 tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9%, đạt 457.600 tấn).

Do đó, giá gạo trong nước cũng có mức giá nhỉnh hơn so với trước. Cụ thể, giá gạo NL IR 504 dao động ở mức 8.900-9.000 đồng/kg; Gạo NL OM 5451 ở mức 9.100 đồng/kg; Gạo OM 18 ở mức 9.400 đồng/kg; gạo Đài Thơm 8 ở mức 9.500 đồng/kg; Gạo TP IR 504 10.550 đồng/kg...

Các hãng hàng không khôi phục chuyến bay đi - đến Đà Nẵng

Theo đó, hãng hàng không Vietnam Airlines thực hiện bay mỗi ngày 1 chuyến khứ hồi trên đường bay Hà Nội/TPHCM – Đà Nẵng trong giai đoạn từ 7-10/9. Lịch bay sau ngày 11/9 hãng sẽ cập nhật sau theo diễn biến của dịch bệnh.

Tương tự, trong giai đoạn đầu, Vietjet cũng nối lại đường bay Hà Nội/TPHCM – Đà Nẵng từ ngày 8/9, với tần suất mỗi ngày 1 chuyến khứ hồi/đường bay.

Dù vậy, các hãng cũng khuyến cáo, lịch khai thác trên có thể điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh, yêu cầu của nhà chức trách. Trong trường hợp lịch bay thay đổi, hành khách sẽ được thông báo trước và hỗ trợ theo quy định hiện hành của hãng.

Bản tin tiêu dùng: Tiểu thương tiết lộ lý do bào ngư giá rẻ chưa từng thấy, chỉ 33.000 đồng/con - 4

Các hãng rục rịch nối lại đường bay đi/đến Đà Nẵng sau hơn 1 tháng tạm dừng vì dịch COVID-19.

Trong thời gian này, các chuyến bay từ Đà Nẵng đi, các hãng sẽ thực hiện các yêu cầu về phòng chống dịch, như thực hiện giãn cách ghế ngồi, toàn bộ hành khách phải đeo khẩu trang, khái báo y tế, khử khuẩn…

Trước đó, chiều tối 6/9, Bộ GTVT đã có văn bản cho phép khôi phục toàn bộ hoạt động vận tải đưa đón khách đi/đến TP.Đà Nẵng từ 0h ngày 7/9, gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không.

Do Đà Nẵng bùng phát dịch COVID-19, từ 0h ngày 28/7, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đi/đến Đà Nẵng đã tạm dừng toàn bộ tới nay.

6 loại rau rừng ở Việt Nam giá đắt vẫn được lùng tìm, có tiền chưa chắc đã mua được
Đây đều là những loại rau mọc hoang trong rừng nhưng được bán trên thị trường với giá khá đắt đỏ, có loại lên tới cả triệu đồng 1kg.
KHAI TÂM (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sản phẩm tiêu dùng