"Giờ tôi đã nhớ được tên nó rồi! Nó là Lê Minh Quân. Có lẽ chỉ vài năm nữa, tôi sẽ đãng trí, chẳng nhớ nổi nhiều thứ. Tôi hi vọng rằng nó sẽ mãi khỏe mạnh, gặp may mắn trong cuộc sống”, bà Hai nói.
Ghé hẻm nhỏ tại quận 8 (TP.HCM) hỏi thăm bà Mai (75 tuổi, hay còn gọi là bà Hai) ai cũng hay biết, họ có thể kể tường tỏ về hoàn cảnh cũng như cuộc sống khốn khổ của bà cùng đứa cháu nhỏ vừa tròn 16 tháng. “Chiều nào tôi cũng thấy bà ấy đẩy chiếc xe đi nhặt ve chai, bên trong là bé trai vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu.
Thoạt đầu tôi không hiểu hoàn cảnh, cứ nghĩ bà ấy “mượn” đứa trẻ để người ta thương tình, cho nhiều sắt vụn, đồ đồng nát. Ngờ đâu cả hai đều cực khổ, không có chỗ ăn lẫn công việc tử tế đành phải dắt díu nhau bươn chải”, chị Hồng – một người dân sống ngay Bệnh viện Phục hồi chức năng ở quận 8 cho biết.
Nói rồi, người phụ nữ chỉ về hướng đường dưới: “Kìa! 2 bà cháu của bà Hai đó. Chiều tối nào họ cũng đi qua đây, có người thương lại cho thằng nhỏ chút tiền mua sữa hoặc bịch cháo, hộp cơm từ thiện. Chúng tôi chỉ mong 2 bà cháu có cuộc sống ổn định, được các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ”.
Bé trai 16 tháng tuổi theo bà đi nhặt - thu mua ve chai.
Bà Hai vốn có 3 người con: 1 trai và 2 gái. Song các con của bà đều khó khăn, chẳng thể giúp đỡ được gì nên bà đành tự lao động kiếm sống, nuôi nấng đứa trẻ 16 tháng tuổi mồ côi cha mẹ. Bà tâm sự: “Trước đây, tôi cùng thằng bé ở chung cư với con trai – con dâu. Sau đó tôi quyết định dọn ra ở riêng vì không có ai trông nom thằng bé.
Tôi có nói với nhỏ em rằng muốn ra ngoài. Nó bảo 2 bà cháu tôi về nhà nó ở, có gì ăn nấy. Hơn cả, tôi và nó sẽ thay phiên nhau trông coi thằng bé.
Thế là, ngày nó bán chè thì tôi ở nhà trông cháu, còn ngày nó nghỉ thì tôi đi thu mua ve chai. Cuộc sống của chúng tôi cứ thế trôi đi dù còn muôn vàn khó khăn”.
Nhắc đến chuyện bé trai tên gì, người phụ nữ đầu 2 thứ tóc trầm ngầm hồi lâu. Sau đó bà bộc bạch: “Tôi chẳng nhớ nữa! Già cả nên trí nhớ lúc này lúc kia. Song ai hỏi về gia cảnh của nó, tôi đều nhớ cả bởi quá tang thương.
Nó được 3-4 tháng, mẹ nó bỗng dưng ngã bệnh, kêu đau dạ dày hoài. Tôi giục con bé đi khám mà không chịu, muốn dành dụm tiền mua sữa mua bỉm cho con.
Khi con bé không chịu được mới vô bệnh viện cấp cứu rồi chết ở đó. Còn bố nó vì một số chuyện mà bị đi tù. Nó tự nhiên thành trẻ mồ côi khi còn đỏ hỏn. Tôi thương cháu nên nuôi nấng từ đó đến tận bây giờ”, bà Hai bật khóc.
Bà Hai tâm sự về hoàn cảnh.
Mỗi tuần, bà Hai và em gái ngoài 60 tuổi “phân chia” nhau lịch trông bé trai. Theo đó, bà sẽ đi nhặt ve trai 3 buổi/tuần, còn lại sẽ ở nhà chăm nom cháu ngoại. Thi thoảng bà sẽ cho cháu đi cùng với hi vọng người ta thương sẽ cho nhiều ve chai hơn.
Bà Hai nói: “Đợt này nó lớn và biết nhiều hơn, tôi mới dám cho đi làm cùng. Nó trộm vía ngoan ngoãn lắm, biết bà cực khổ nên chẳng thấy khóc than gì cả. Thậm chí nó đói cũng cố chịu nhịn, không hờn dỗi như con nhà người ta.
Tôi vẫn nói với hàng xóm rằng, nó nhỏ nhưng thấu hiểu hoàn cảnh mồ côi cha mẹ để bà tập trung tần tảo kiếm sống. Tôi mừng và thấy được an ủi phần nào”.
Công việc nhặt ve chai của bà Hai vô cùng bấp bênh. Bà bảo hôm nào “bội thu” sẽ kiếm hơn trăm nghìn đồng, đủ để mua sữa và tã bỉm cho cháu. Còn bữa “ế” chỉ được vài chục nghìn đồng, bà đã bật khóc vì mệt và chán nản. Song bà chưa bao giờ có ý định buông bỏ cuộc sống cũng như vứt bỏ đứa cháu tội nghiệp.
Người đàn bà già yêu chăm sóc đứa trẻ vô cùng chu đáo.
“Người ta cứ khuyên tôi già yếu, nên cho người khác nhận thằng bé làm con nuôi. Khi ấy nó sẽ có một cuộc sống đủ đầy. Cũng có người hỏi tôi xin nhận nuôi nó, sẵn sàng làm giấy tờ và cho tôi đến thăm thường xuyên.
Tôi không đồng ý. Tôi làm sao có thể vứt bỏ máu mủ của mình chứ. Tôi tâm nguyện rằng khi nào còn sống còn phải nuôi dưỡng. Nếu tôi chết, bố nó có thể nuôi hoặc cho ai cũng được vì khi đó còn biết gì nữa đâu”, bà Hai rơi lệ.
Bà Hai tiết lộ thêm, con gái lấy chồng dưới Bến Tre có ngỏ lời đón bà về phụng dưỡng. Bà không đồng ý vì biết con gái con rể cũng khó khăn, không đủ tài chính để nuôi thêm bà và đứa trẻ. Hơn cả bà sợ về dưới đó không có việc làm, không tiền đỡ đần các con.
“Chúng nó có thể nuôi được tôi, chứ thêm thằng nhỏ thì gánh nặng quá! Tôi chấp nhận ở với nó, cứ lay lắt như vậy cũng được.
Giờ tôi đã nhớ được tên nó rồi! Nó là Lê Minh Quân. Có lẽ chỉ vài năm nữa, tôi sẽ đãng trí, chẳng nhớ nổi nhiều thứ. Tôi hi vọng rằng nó sẽ mãi khỏe mạnh, gặp may mắn trong cuộc sống”, bà Hai nói.