Cuộc sống bị xáo trộn, bị ngăn cách với bên ngoài, nhưng đối với chị Trần Thị Hằng, cảm giác những ngày sống trong cảnh phong tỏa không hề đáng sợ như chị từng nghĩ.
Chị Trần Thị Hằng (27 tuổi, cư dân sinh sống lại Block A3, Chung cư Ehome 3, quận Bình Tân, TP.HCM) đã có những chia sẻ về cuộc sống bên trong căn hộ bị phong tỏa. Chị Hằng cho biết, tối 5/6, khi chị vừa nấu cơm xong, vừa dọn lên, chưa kịp ăn uống thì vợ chồng chị nghe tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi khiến chị cảm nhận có việc không hay sắp đến.
“Nghe tiếng còi cấp cứu, tim tôi cứ đập liên hồi, lát sau chung cư phát loa cho biết ở Block A3 nơi chúng tôi sinh sống có 1 ca nhiễm bệnh, họ ở tầng 9 còn chúng tôi ở tầng 2. Suốt đêm hôm đó, tiếng gõ cửa, tiếng loa đọc liên tục, vợ chồng tôi và con gái phải xuống dưới sảnh lấy mẫu xét nghiệm”, chị Hằng kể.
9 giờ tối, tiếng gõ cửa dồn dập, nhân viên y tế đến mỗi căn hộ để yêu cầu khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày hôm sau (6/6), cả nhà chị Hằng thức dậy, nhìn qua cửa sổ thấy khung cảnh bên dưới sân chung cư vắng tanh. Trên nhóm cộng đồng cư dân, chị nhận được nhiều sự động viên của bà con ở những Block lân cận.
"Gian hàng 0 đồng" hỗ trợ cư dân Block A3, A4 Chung cư Ehome 3 trong thời gian bị phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19.
“Sáng ngày 6/6, chúng tôi nhận được bánh, sữa và thực phẩm. Có người hàng xóm ở Block lân cận còn xung phong đi mua đồ giúp và đặt dưới sảnh để chúng tôi xuống dưới lấy mang lên. Nếu như đêm đầu tiên còn hồi hộp, lo lắng, sợ đủ các thứ thì qua một ngày cách ly, nhờ mọi người quan tâm, giúp đỡ nhiều nên tâm lý chúng tôi đã ổn định, cảm thấy yên tâm ở nhà để phòng dịch bệnh”, chị Hằng cho hay.
Cũng theo chị Hằng, các ngày sau đó, những người hàng xóm ở các Block lân cận đã thay phiên nhau gửi lương thực, nào là gạo, sữa, mì, khẩu trang, cam, bánh mì, xôi,... Ngày ngày đều động viên nhau trên nhóm cộng đồng khiến chị cảm thấy ấm áp vô cùng.
Những cái thau, chiếc rổ được đặt ngay hàng thẳng lối phía trước những căn hộ chung nơi chị Hằng sinh sống.
Đến sáng ngày thứ 5 thực hiện phong tỏa, gia đình chị Hằng nhận được thông tin ở cùng tầng 2 – nơi gia đình chị sinh sống có ca nghi nhiễm. “Sáng ngày thứ 5 nghe loa ở chung cư báo lầu 2 Block A3 tạm thời không ra khỏi nhà vì có ca nghi nhiễm. Do đã nghe thông tin từ trước nên lần này tôi không còn bị sốc nữa, thay vào đó, tôi nhẹ nhàng dậy khỏi giường, bê cái thau ra để trước cửa. Gia đình tôi bắt đầu cuộc sống nhờ sự giúp đỡ của các anh, chị tình nguyện viên cũng là cư dân trong Block bị phong tỏa. Các anh chị đã bỏ qua sự nguy hiểm về sức khoẻ mà mang đồ lên cho các tầng có nguy cơ cao, 2 tầng (2 và 9) gần 100 căn hộ nên cũng rất cực nhọc", chị Hằng chia sẻ.
Những tình nguyện viên cũng là cư dân trong Block bị phong tỏa. Trước khi mang lương thực, thực phẩm đến tầng 2 và tầng 9 cho các hộ thực hiện phong tỏa tại nhà, các tình nguyện viên đều được phun xịt khử khuẩn.
Chị Hằng cho biết: "Các anh chị tình nguyện viên đã bỏ qua sự nguy hiểm về sức khoẻ mà mang đồ lên cho các tầng có nguy cơ cao, 2 tầng (2 và 9) gần 100 căn hộ nên cũng rất cực".
“Những chiếc thau, cái rổ ở trước cửa là nơi chúng tôi nhận sự chăm sóc của mọi người", chị Hằng chia sẻ.
"Buổi chiều nghe tiếng gõ cửa “cốc cốc”, mở cửa mới thấy có bịch xôi trong thau. Nhận gói xôi, tôi thầm cảm ơn những người hàng xóm tốt bụng ở các Block lân cận", chị Hằng tâm sự.
Những phần ăn sáng, ăn chiều được cư dân ở Block lân cận sẻ chia với những người hàng xóm đang thực hiện phong tỏa và cách ly tại nhà.
Chị Hằng tâm sự: “Những chiếc thau, cái rổ ở trước cửa là nơi chúng tôi nhận sự chăm sóc của mọi người. Khi thì quà bánh, khi thì lương thực, đôi lúc là phần ăn sáng, gói xôi, tất cả đều quá đỗi ấm ấm áp và tạo cho tôi cảm thấy gia đình mình không bị bỏ lại, vẫn còn cộng đồng luôn quan tâm giúp đỡ”.