Ngày đưa mẹ từ quê lên Sài Gòn để thực hiện ý nguyện hiến xác sau khi qua đời, cô gái trẻ khóc đến cạn cả nước mắt.
Lời đồn... bán xác mẹ
Là một trong những thân nhân đầu tiên bước vào phòng lưu giữ thi hài tại bộ môn giải phẫu học, ĐH Y dược TPHCM, cô gái Trần Kim Phượng (sinh năm 1992, quê Sóc Trăng) đứng tần ngần nhìn mãi vào một thi hài nữ. Hỏi ra mới biết, người phụ nữ ấy chính là mẹ của cô.
Phượng kể 28 năm qua, chưa một lúc nào cô xa mẹ. Ngày con gái lên Sài Gòn học Đại học, cô Nguyễn Thị Chín (sinh năm 1958) cũng khăn gói từ Sóc Trăng theo con lên chốn đô thành. Từ làm tạp vụ đến phục vụ quán ăn, người phụ nữ ấy chấp nhận mọi vất vả để có tiền nuôi con gái ăn học. “Sáng mẹ đạp xe đạp đi làm, chiều về lại chuẩn bị cơm nước cho con, tối mẹ con thủ thỉ cùng nhau đủ thứ chuyện. Với tôi khi ấy, cuộc sống chỉ cần có mẹ!”, Phượng nói.
Đột ngột, sinh mệnh của người mà Phượng yêu thương nhất trên đời bỗng mong manh như ngọn đèn trước gió
Rồi một buổi chiều tan làm, trong bữa cơm, cô gái giật mình muốn buông cả đũa khi nghe mẹ tuyên bố: “Sẽ đi đăng kí hiến xác!”. Phượng bảo lúc ấy khi nghe con gái phản đối, mẹ cô chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng lùa vội chén cơm. Vài ngày sau, bà Chín bẽn lẽn đưa con gái coi tờ đăng kí của mình và hào hứng kể: “Sáng mẹ bắt xe ôm qua đấy đăng kí. Mẹ thương con đơn chiếc, lỡ mẹ có mệnh hệ gì… Thôi kệ, mẹ đăng kí rồi, mày đừng ý kiến nữa nhen!”.
Biến cố gia đình xảy ra, bà Chín phải về quê lo liệu. Con gái ở lại Sài Gòn tiếp tục mưu sinh vẫn yên lòng về mẹ. “Khi ấy tôi cứ đinh ninh nghĩ rằng giải quyết xong việc, mẹ sẽ lại trở lên…Thế nhưng…”, Phượng bỏ dở câu nói giữa chừng, cô nhẹ nhàng nhặt đóa hoa cúc, cẩn thận đặt trên ngực mẹ.
Tiếp lời, Phượng nói một ngày đang trong ca làm việc, cô nhận được cuộc gọi bảo về gấp, bà Chín ở quê bị tai biến mạch máu não. Phượng một mình chăm mẹ trong bệnh viện, vài tháng sau, bà mất.
Phượng nhẹ nhàng nhặt đóa hoa cúc, cẩn thận đặt trên ngực mẹ.
“Cả đời này tôi có lẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đứng bên ngoài hành lang, hai chân sắp khuỵu ngã khi bác sĩ thông báo mẹ không còn hi vọng. Tôi không biết tận cùng của nỗi đau là gì, nhưng khi ấy, bầu trời dường như sắp đổ sụp, mọi thứ quay cuồng. Tự dưng, tôi nhớ về bữa cơm ngày nào với mẹ, nhớ về tờ giấy hiến xác mà mẹ phải bắt xe ôm giấu con đi đăng kí”, Phượng kể.
Cuộc điện thoại thông báo cho ĐH Y Dược TP.HCM về tình hình của mẹ, chuyến xe đưa thi hài mẹ đến nơi đây, chỉ mình cô gái nhỏ lo liệu. Dù đã cố gồng mình đảm đương nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng khi đằng trước, đằng sau đều là những lời xì xầm to nhỏ của bà con lối xóm, của cô bác trong gia đình: “Hiến xác mẹ mày, họ cho mày bao nhiêu?”, Phượng rưng rưng nước mắt thuật lại.
Gạt nước mắt, Phượng bước lên chuyến xe, quyết định thực hiện di nguyện cuối cùng của đời mẹ, bỏ lại sau lưng là những ánh mắt ngờ vực, những lời đàm tiếu, chỉ trích thậm tệ của mọi người. Phượng bảo lúc đó chỉ nghĩ duy nhất đến một điều làm sao thực hiện được di nguyện của mẹ.
Gạt nỗi đau, Phượng cố gắng thực hiện di nguyện của mẹ
Chuyến xe băng băng trên đường, từng vòng xe như xoáy sâu vào trái tim đang rỉ máu của một người con mất mẹ. “Lúc ấy tôi nhìn mẹ và tự hỏi rằng vì sao 28 năm bên con, đến cuối cùng mẹ lại lựa chọn cách ra đi xa con như vậy", cô gái trẻ nói.
Bây giờ con biết vì sao…
“Đến với chúng tôi là những người từ trẻ trung vui tươi đến những mái tóc điểm bạc với những vết nhăn in dấu thời gian. Tất cả đều có cùng suy nghĩ, trăn trở, muốn gửi gắm, trao tặng những gì có thể cho sự nghiệp đào tạo y khoa. Họ đã coi di hài của họ như một món quà dành tặng cho cuộc sống. Đó xứng đáng là những người thầy im lặng, những đóa hoa bất tử đối với chúng tôi…”, TS Nguyễn Hoàng Vũ, trưởng bộ môn Giải phẫu học, ĐH Y Dược TP.HCM phát biểu trên bục của buổi lễ tôn vinh những người tình nguyện hiến thi hài cho Y học vào chiều ngày 16/1.
Bên dưới, có một cô gái ngồi ở trong cùng bật khóc: “Hôm mẹ ra đi là vào ngày 20/11”.
Đứng lặng im bên thi hài của mẹ, Phượng bảo hơn 1 năm từ ngày đưa mẹ đến đây, chưa một lần cô dám trở lại thăm mẹ. Có những hôm đi đến nửa đường, Phượng lại bật khóc, quay xe trở về. “Đâu phải vì không nhớ, không thương, càng đâu phải vì không muốn nhìn mặt mẹ. Con chỉ sợ đến đây, không cầm được nước mắt, con khóc, mẹ lại bận lòng”, ghé gần vào tai mẹ, Phượng thủ thỉ.
Buổi lễ tôn vinh những người tình nguyện hiến thi hài cho y học vào chiều ngày 16/1
Nhìn làn da sạm đi của mẹ, khẽ chạm tay vào cơ thể mẹ, mọi cảm xúc dường như không còn điều khiển được nữa, bao nhiêu uất ức, bao nhiêu tủi hờn, đau đớn suốt 1 năm qua bất chợt ùa về. Tận sâu bên trong gương mặt kiên nghị, mạnh mẽ của một cô gái 27 tuổi phải chịu quá nhiều đớn đau, có lẽ, đứng trước mẹ, Phượng chỉ là một đứa trẻ ngày nào vẫn hay thút thít mè nheo, vẫn là một đứa con thèm khát hơi ấm từ bàn tay mẹ, và rồi, Phượng bật khóc: “Bây giờ con biết vì sao…”
“Sự cống hiến và hi sinh của các bạn âm thầm, lặng lẽ, không có tượng đồng, bia đá nhưng trong trái tim của thầy trò chúng tôi, các bạn mãi mãi là những người bất tử”, câu nói của TS Nguyễn Hoàng Vũ phát biểu trong lễ tri ân như đang vọng về thay cho nén hương, lòng tri ân những người bình thường nhưng không tầm thường, những tấm lòng dung dị mà quá đỗi lớn lao.
“Mẹ ơi, mẹ cũng là người bất tử!”, nhìn mẹ, Phượng khẽ mỉm cười.