Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho rằng thông tin Bộ Y tế nhập 68 tấn sabutamol là không chính xác, từ đầu năm đến nay ngành dược Việt Nam mới nhập 3,5 tấn phục vụ đúng nhu cầu điều trị.
Liên quan đến thông tin Bộ Y tế nhập 68 tấn sabutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi), TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có thông tin chính thức về vấn đề này.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, thông tin Bộ Y tế nhập 68 tấn sabutamol là không chính xác. “Từ đầu năm đến nay, ngành dược Việt Nam mới chỉ nhập 3,5 tấn sabutamol theo đúng nhu cầu điều trị, còn thông tin nhập 68 tấn là không chính xác”, ông Phong nói.
Theo TS Phong, sabutamol là chất không thể thiếu trong việc điều trị bệnh cho người, đây là chất thường được dùng trong điều trị các bệnh phế quản, phế viêm, đặc biệt là những trường hợp người bệnh bị các bệnh hen cấp tính.
Riêng vấn đề sabutamol có trong thức ăn chăn nuôi, ông Phong cho biết cần phải kiểm tra rất kỹ và không thể nói ngành y tế quản lý chất này mà lại có hiện tượng tuồn ra ngoài.
Đồng thời, ông Phong cho biết thêm, trong chăn nuôi các hộ lợi dụng chất này vì đây là chất thuộc nhóm B-agonist giúp làm tiêu mỡ, tạo nạc trong chăn nuôi, đây là sản phẩm ngành chăn nuôi cấm sử dụng.
Lạm dụng chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)
“Việc lạm dụng sabutamol sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường và đặc biệt là phụ nữ mang thai và cho con bú”, TS Phong cảnh báo.
Cũng liên quan đến chất tạo nạc trong chăn nuôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, các chất tạo nạc cho lợn thường có nguồn gốc từ nhóm B-agonist là Salbutamol, Chlebutarol. Đây là nhóm chất độc hại mà Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay.
Nói về tác hại của chất tạo nạc Salbutamol, PGS Thịnh cho rằng, đây là chất được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu.
Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.