Câu hỏi đang được nhiều người quan tâm nhất 2 ngày nay chính là “Vợ lấy thẻ ATM của chồng liệu có phải là hành vi bạo lực gia đình?”. Liệu phản ứng của chính những người trong cuộc ra sao?.
Trong các cuộc hôn nhân, chuyện ai là người nắm tài chính trong nhà vốn rất quan trọng, thậm chí nó còn quyết định đến hạnh phúc gia đình. Mặc dù “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng đa phần vợ sẽ là người giữ tiền. Có lẽ nguyên nhân đến từ việc người phụ nữ luôn biết cách vun vén, chi tiêu cho các sinh hoạt trong nhà hơn đàn ông.
Nhiều người vẫn hay nói vui rằng sau khi kết hôn, đàn ông thường sẽ “phải” đưa hết tiền cho vợ. Tuy nhiên, bên cạnh sự tự nguyện thì có không ít ông chồng cảm thấy “không phục” khi phải đưa hết tiền cho vợ nắm. Thậm chí, mới đây câu hỏi về việc “Vợ lấy thẻ ATM của chồng có là bạo lực gia đình” còn được đưa vào thảo luận cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Cụ thể vào sáng 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường bày tỏ băn khoăn về điều định nghĩa hành vi bạo lực gia đình. Ông lấy dẫn chứng, ở Việt Nam vợ chồng có tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn ATM của chồng có phải bạo lực gia đình không?.
Trả lời về điều này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình hay không là điều rất khó.
Vợ lấy thẻ ATM của chồng có phải là hành vi bạo lực gia đình?
Chị Đặng Mỹ Linh (24 tuổi, đã lập gia đình) cho rằng việc vợ kiểm soát lương của chồng chưa thể coi là bạo lực gia đình nếu người chồng đồng ý, cho phép vợ làm như vậy.
“Khi đã chung sống dưới một mái nhà, lương của hai vợ chồng đều là tài sản chung, không phải của riêng ai, nên việc chia sẻ tiền lương cho nhau là chuyện bình thường. Còn nếu trong trường hợp người chồng không đồng ý, thì chắc chẳng người vợ nào lấy thẻ ATM được. Không có mật khẩu thì sao rút tiền được đúng không nào” - Chị Đặng Mỹ Linh chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, chị Ninh Khánh (27 tuổi, đã lập gia đình) cho hay hiện tại chị vẫn đang dùng thẻ của chồng và điều này hoàn toàn bình thường khi chồng tự nguyện: "Vấn đề nằm ở mối quan hệ của 2 vợ chồng như thế nào. Nếu nghĩ cho nhau, mình có chi tiêu gì cũng là để tốt cho hạnh phúc, cuộc sống gia đình được thoải mái hơn".
Trong khi đó anh Nguyễn Hiền (28 tuổi, đã lập gia đình) bày tỏ anh cũng là người đưa tiền lương cho vợ vì biết vợ phải lo liệu nhiều điều trong cuộc sống gia đình hằng ngày, chăm con, ăn uống, tiền sinh hoạt, cưới hỏi...Bên cạnh đó vẫn có giữ lại cho mình một khoản để chủ động trong các công việc cá nhân, gặp gỡ đồng nghiệp, đối tác, bạn bè.
Theo chị Ninh Khánh, chuyện chồng đưa thẻ ATM hay tiền lương cho vợ là điều nên xuất phát từ sự tự nguyện và tôn trọng lẫn nhau
Câu chuyện này sau khi được chia sẻ lên các diễn đàn mạng xã hội nhận về nhiều bàn luận từ cư dân mạng, trong đó có không ít ý kiến từ những người đang trong hôn nhân và hiểu rõ việc gia đình ai nên quản lý tài chính. Đa phần đều cho rằng trong nhà ai cầm tiền cũng được nhưng phải biết dùng số tiền đó để chăm lo cho cuộc sống gia đình, con cái, họ hàng 2 bên…Với phụ nữ họ sẽ kĩ càng và chu toàn hơn nên thường chồng sẽ đưa tiền cho vợ giữ, điều này xuất phát từ sự tự nguyện, không ép buộc. Bên cạnh đó, có những người vợ cho rằng họ không muốn nắm hết tiền của chồng vì dù sao đó cũng là công sức chồng đi làm và còn những mối quan hệ xã hội cần duy trì, không lẽ mỗi lần đi đâu đều phải xin lại tiền từ vợ.
Bạn Đạt HT hài hước chia sẻ: “Mình thấy bình thường mà, tiền của vợ cũng như của chồng thôi. Mình được cầm thẻ ATM vì đến tháng là chuyển hết tiền sang cho vợ, chứ vợ mình không cầm thẻ”.
Trong khi đó bạn Đinh Huyền Trang lại bày tỏ: “Không biết mọi người thế nào chứ mình không thích cầm hết tiền của chồng. Chồng mình cũng vất vả đi làm mà, cũng cần có những khoản để chi tiêu. Mình có người bạn cầm hết tiền của chồng, nên chồng luôn mặc định vợ phải tự lo liệu. Vợ chồng nên có khoản chi tiêu chung cho gia đình là hợp lý nhất”.
“Mình là phụ nữ nhưng ủng hộ quan điểm này, thay vì kiểm soát chặt chẽ chồng thì trước hôn nhân nên tìm hiểu kĩ về đối phương, đồng thời cả hai cần có trách nhiệm với cuộc sống chung. Hãy cho nhau sự tự do trong khuôn khổ chứ đừng áp bức nhau quá cả về tài chính lẫn tinh thần” - Bạn Nguyễn Hoà chia sẻ.
Bạn Nhật Đinh khẳng định: “Đưa tiền cho vợ, chăm sóc bố mẹ, lo nhà cửa để cuộc sống tốt lên là điều thiêng liêng của người đàn ông chân chính”.
Dân mạng bàn luận về việc liệu vợ lấy thẻ ATM của chồng có là bạo hành gia đình?
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.
Điều 43 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng".
Theo Điều trên, tiền của chồng có thể được coi là tài sản riêng của chồng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của bản thân.
Theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi bạo lực về kinh tế trong gia đình:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Việc vợ lấy tiền của chồng có thể bị coi là hành vi chiếm đoạt tài sản, nhưng muốn xử phạt người vợ thì phải có đơn tố cáo của người chồng.
Trên thực tế, trong cuộc sống vợ chồng, dù là phụ nữ hay đàn ông nắm tài chính hoặc đôi bên tiền ai nấy giữ đều phải tôn trọng và hiểu nhau. Phụ nữ quản lý tiền bạc dựa trên sự tin tưởng, ủng hộ của chồng. Đồng thời việc đưa tiền cho vợ giữ cũng thể hiện tình yêu mà người chồng dành cho vợ.