Các công nghệ làm bẩn, làm giả ngày càng tinh vi đưa người tiêu dùng vào “mê cung” của thị trường thật - giả lẫn lộn.
"Đặc sản" từ thịt thối, chất tẩy rửa độc hại
Càng gần Tết, thị trường thực phẩm càng trở nên sôi động và đây cũng là thời điểm các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm quá hạn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trà trộn, tung ra thị trường tiêu thụ.
Giò chả, thịt bò, thịt lợn... là những món "đặc sản" không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng không phải ai cũng có thể mua được hàng đảm bảo chất lượng. Khi nhu cầu sử dụng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán đang tăng cao, số lượng thực phẩm bẩn cũng đang có chiều hướng gia tăng. Điều đặc biệt là các cơ sở sản xuất có vô số chiêu "bẩn", phù phép trộn thịt thối, ngâm tẩm hóa chất thành đặc sản, người tiêu dùng khó có thể phân biệt thật giả.
Mấy hôm nay, thông tin giò sử dụng hàn the hiện đang được bày bán ngập thị trường làm nhiều người lo lắng. Anh Tuấn, người chuyên làm giò, chả tại Dương Nội – Hoài Đức (Hà Nội) tiết lộ: Muốn cho chả ngon phải cho vào xay chung với thịt một lượng mỡ heo tới 40%, rồi trộn đường, bột ngọt, hàn the, bột nở, hương nước mắm và hương thịt, muối đỏ để tạo màu hồng tự nhiên cho chả.
Còn một chuyên gia làm giò chả tại Bắc Binh đem ra chợ Sài Đồng (Gia Lâm, HN) bán thì cũng cho biết: "Hương thịt và hàn the chiếm một vị trí quan trọng bởi nếu thiếu hoặc ít, chả sẽ kém ngon hơn rất nhiều và nhanh hư. Anh này cũng cho hay, đơn vị tính số hàn the cho vào giò chả mà người sản xuất sử dụng không phải tính bằng đơn vị gram, mà là bằng thìa cà phê, bằng muôi. Bởi chất tăng độ giòn của giò chả chỉ đạt được độ giòn cao khi cho thêm phụ gia hàn the bổ sung...
Không chỉ hàn the, các cơ sở sản xuất thực phẩm còn sử dụng oxy già và các chất tẩy rửa độc hại khác có nguồn gốc Trung Quốc. Theo quy định của Bộ Y tế, oxy già không được phép cho vào thực phẩm. Có thể dùng chất tẩy trắng trong thực phẩm nhưng phải theo các tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Các loại tạp chất chứa nhiều tạp chất, độc chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Bì lợn tẩy bằng oxy già khiến người tiêu dùng khiếp vía.
Mới đây, người tiêu dùng hoang mang với thông tin phát hiện một cơ sở chế biến bóng bì lợn sử dụng nguyên liệu ôi thiu, oxy già để tẩy.
Một nam thanh niên làm thuê cho cơ sở sản xuất bóng bì này tiết lộ: những thùng dung dịch ô xy già khi mới nhập về từ Lạng Sơn thì còn có nguyên nhãn chữ Trung Quốc trên vỏ thùng, nhưng sau đó bị bóc đi. Một lít ô xy già mua ở Lạng Sơn có giá 15.000 đồng và có thể tẩy trắng tới hơn 3 tạ bì lợn. “Nhìn miếng bì lợn được tẩy trắng thì thích thật, nhưng lại khổ cho bọn tôi, vì cứ mỗi lẫn tiếp xúc với ô xy già là y như rằng đôi bàn tay lại ngứa ngáy hết cả”, nam thanh niên làm thuê kể.
Theo PGS-TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội): “Lo lắng nhất là việc người làm bóng bì mua phải những loại ô xy già trôi nổi không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm bị ngâm tẩm với những hóa chất có trong ô xy già, dễ dẫn đến các chứng như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận trên cơ thể người”.
Kẹo Tết, mứt Tết, măng miến... đều được "tẩm độc"
Hiện nay trên thị trường, các loại bánh kẹo, mứt Tết, măng miến.... siêu bẩn, không rõ nguồn gốc, không hạn sử dụng đang được bày bán tràn lan, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên Đán đang đến gần, nhu cầu mua sắm của chị lên đẩy lên cao. Người mua không chỉ không thể biết được cơ sở sản xuất các loại thực phẩm này mà ngay cả ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng không hề ghi nên việc sản phẩm có đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm hay không, có dùng hàn the, chất bảo quản,... hay không càng là điều người tiêu dùng không thể nào biết được.
Vì chạy theo lợi nhuận mà các cơ sở kinh doanh sẵn sàng cho ra lò những sản phẩm siêu độc, siêu bẩn. Dừa phế thải trong các thùng rác, vương vãi ven lề đường được một số người thu gom bán cho các cơ sở chế biến mứt tết. Loại nguyên liệu bẩn này sau khi chế biến được đóng gói tung ra thị trường. Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện cơ sở sản xuất mứt dừa của bà Dung thu mua nguyên liệu phế thải. Nhiều trái dừa đã bốc mùi chua được bà Dung đổ thẳng từ bao thu gom xuống lề đường. Không ít trái dừa bị bể, cơm dừa dính đầy đất bụi được bà dùng giấy vệ sinh lau sơ sài. Nhiều trái dừa được bổ ra tách lấy cơm đã mốc, kiến bám đầy.
Tại cơ sở làm mứt ở thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên, nguyên liệu làm mứt là các loại hoa quả thối, dập nát, được rửa bằng chân, ngâm trong những thùng mật nổi váng, vẩn đục lẫn cả ruồi nhặng. Sau khi chế biến xong, mứt được đổ đống dưới nền nhà, phía dưới chỉ lót một tấm ni lông mỏng; Công nhân với bàn tay cáu bẩn, không đeo bao tay 'vô tư' đóng gói mứt…
Hãi hùng thùng nguyên liệu làm kẹo béo sau khi được khuấy đến độ sánh.
Còn ở “thiên đường bánh kẹo” như La Phù – Hoài Đức, HN, PV đã khám phá ra bí mật làm bánh kẹo giả, nhái từ phẩm màu, hương liệu, đường hóa học nằm trong những xưởng sản xuất cũ kỹ với các máy công nghiệp hoen gỉ, bốc mùi. Một công nhân nữ ở đây cho biết, nguyên - hương liệu làm kẹo đều là hàng của Trung Quốc. Hóa chất tất cả được nhập từ những mối hàng quen trên chợ Đồng Xuân, được đóng thành từng bao tải lớn màu trắng không nhãn mác địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng... hầu hết được vận chuyển về xưởng vào ban đêm.
Không chỉ bánh kẹo, mứt, trà Tết cũng không phải là ngoại lệ. Phần lớn hãng trà bày bán, đóng gói đều ghi chữ Hán, chỉ một số ít có ghi địa chỉ nhà sản xuất trong nước. Các sản phẩm này đều không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như thành phần...
Hiện tượng trà trộn phân lân, NPK, bột đá, bùn, chất thải… vào trà đang diễn ra rất phổ biến ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Văn Chấn (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên)… đã từng bị cơ quan chức năng phanh phui.
Mới đây tháng 12/2012, cơ quan quản lý đã thu hồi 400.000 hộp trà Ô Long sau khi kết quả kiểm tra tại chỗ cho thấy dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm này vượt giới hạn về an toàn thực phẩm ở Nhật.
Trước thực trạng như vây, người dân cần phải cảnh giác cao độ với những loại trà trong nước cũng như nhập khẩu, nhất là dịp gần Tết, lượng tiêu thụ trà tăng cao. Tuyệt đối không mua và sử dụng các loại trà không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. Bởi nếu sử dụng những loại trà nhiễm hóa chất, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ gây nên nhiều tác hại khi vào cơ thể.
Nhằm đối phó với hoạt động vận chuyển thực phẩm chưa qua kiểm dịch, các trạm kiểm dịch động vật tại thành phố đã có phương án lập “lá chắn thép”. Ngoài lực lượng trực liên tục 24/24 giờ tại điểm chốt, cán bộ, nhân viên trạm phải thường xuyên đi lại trên đường nhằm phát hiện những phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, lượng xe lưu thông vào thành phố trong những ngày giáp Tết rất lớn, trong khi nhân viên trạm kiểm dịch không nhiều, khiến công tác kiểm tra gặp không ít khó khăn. Mặt khác, các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm “bẩn” sẵn sàng đe dọa, hành hung nhân viên trạm. Ông Lê Trường Hải, Chánh thanh tra Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu không kiểm soát và ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn bán, vận chuyển các thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thì người dân rất dễ mua phải các loại thực phẩm trên thị trường. Đặc biệt là dịch cúm gà bên Cam-pu-chia và đã xuất hiện ở tỉnh Tây Ninh”. Theo ông Hải, để việc kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng gồm: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lực lượng cảnh sát giao thông. Theo đó, nhân viên trạm kiểm dịch động vật phải chú ý theo dõi và có kế hoạch phối hợp cụ thể các lực lượng chức năng khác trong việc kiểm tra, kiểm soát. Chánh thanh tra Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, các lực lượng chức năng sẽ cố gắng hết sức ngăn chặn tình trạng vận chuyển thực phẩm “bẩn” tuồn vào nội đô trong dịp Tết. |