Vừa chào đời, cô con gái nhỏ của bà Út đã làm bạn với bệnh viện. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm của hai vợ chồng cũng bay mất theo những đợt điều trị bệnh.
Cuộc đời lam lũ của người đàn bà nghèo
Chúng tôi ngồi cùng bà Nguyễn Thị Út (66 tuổi, ngụ Bình Dương) vào một buổi chiều mưa đầu tháng 7 tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Tâm sự về cuộc đời mình, chốc chốc bà Út lại ghé mắt vào bên trong khe hở cửa sổ - nơi ở đó, chị Nguyễn Thị Như Tâm, con gái bà đang khẽ nhăn mặt vì đau khi những mũi kim đầu tiên cắm vào da, bắt đầu một buổi chạy thận.
Chầm chậm cất giọng kể, như một cuốn phim buồn quay ngược lại thời gian, bà Út cho biết tuổi thơ của mình là những tháng ngày rong ruổi theo cha trên chiếc ghe nhỏ, xuôi dòng khắp các con rạch ở Miền Tây. Một này nọ, con sóng xô đẩy đưa chiếc ghe của cha con bà và một người đàn ông đơn độc chạm vào nhau. “Thương nhau từ cái nhìn đầu tiên, xin phép cha mẹ hai bên, chúng tôi nên nghĩa vợ chồng. Còn nhỏ thì rong ruổi theo cha, lớn lên thì rong ruổi theo chồng. Đời tôi gắn liền với sông nước. Ghe đi đến đâu, tôi cập bến bày bán hàng ở đó”, bà Út kể.
Trong thời gian chờ con chạy thận, bà Út tranh thủ nhặt ve chai, bán vé số kiếm thêm tiền.
Hai đứa trẻ 1 trai 1 gái ra đời trong cảnh nhà nghèo khó, đứa con gái của bà sinh ra lại chỉ có một quả thận. Cái nghèo đeo đẳng cuộc đời của những đứa trẻ hệt cha mẹ chúng ngày xưa. Gia đình khó khăn phải chạy ăn từng bữa nên đứa con trai đầu của bà Út bỏ học giữa chừng. Thương con, bà bàn với chồng gom góp hết vốn liếng dành dụm để lên bờ, dựng tạm căn nhà nhỏ có chỗ che mưa nắng rồi quyết tâm đưa con gái đến trường.
“Lúc đó tôi chỉ cố làm sao để con có cái chữ mới mong thoát nghèo. Con bé dù bệnh tật ốm tong teo nhưng lại rất ham học. Năm nó đang học lớp 5 thì té xỉu, đưa vô bệnh viện bác sĩ bảo bị bệnh thận. Từ đó bao nhiêu tiền bạc trong nhà cũng không cánh mà bay theo những lần vào ra bệnh viện. Nhiều khi người ta thấy tôi khổ quá, xúi tôi dẫn con đi chỗ lạ mà bỏ. Nhưng máu mủ của mình, mình tạo ra, làm sao mà nỡ”, bà Út thuật lại.
"Tôi chỉ sợ một mai lỡ mình qua đời thì không biết ai lo cho con..."
28 tuổi, gần một phần hai quãng thời gian có măt trên cuộc đời, chị Tâm đã phải làm bạn với chiếc máy chạy thận. Đều đặn 3 ngày mỗi tuần vào tờ mờ sớm, người ta lại thấy hình ảnh người mẹ già đẩy xe lăn đưa con ròng rã qua 2 chuyến xe buýt từ Bình Dương lên Sài Gòn chạy thận. “Sức khỏe nó yếu nên nhiều khi đang chạy thận thì ngất xỉu, nhìn con mà tôi đau lòng lắm. Có khi tôi chắp tay vái trời để tôi gánh vác hết bệnh tật cho con. Nó còn trẻ, tương lai còn dài…”, bỏ giữa chừng câu nói, bà Út bật khóc.
Nhìn cảnh mẹ già nhưng vẫn phải chạy vạy khắp nơi mà lo lắng cho con rồi nhìn lại mình, nhiều lần chị Tâm nghĩ quẩn tìm đến sự giải thoát cuối cùng là tự tử. Bao nhiêu lần giành giật mạng sống của con trước tay tử thần khi con gái thắt dây treo cổ, nhào ra xe ô tô... là bấy nhiêu lần bà Út nấc nghẹn.
“Gần hết đời người, tôi không có gì trong tay cả, gia tài quý giá nhất là đứa con gái ngoan ngoãn, hiền lành nhưng bất hạnh. Tôi chỉ sợ một mai lỡ mình qua đời thì không biết ai lo cho con, chứ còn khỏe ngày nào, tôi vẫn sẽ hết mình chăm sóc cho con ngày đó. Lo cho nó đến hơi thở cuối cùng. Vì con là con mẹ, hết cuộc đời này mẹ vẫn ở bên con”, ngước nhìn về phía phòng bệnh, bà Út trầm ngâm.
Dù vất vả, khó khăn nhưng chưa một lần bà Út có ý định bỏ cuộc.
Với một người phụ nữ nhà quê ít học, bà Út không biết bệnh thận mãn tính là gì, thế nên ai bày gì ở đâu bà cũng cố mà thực hiện theo với ước mong con mình hết bệnh. “Nghe người ta bảo tôi có thể hiến thận cho con, tôi lật đật đi hỏi bác sĩ. Thế nhưng, bác sĩ lắc đầu và bảo do tôi không tương thích nên không thể hiến được. Trong một lần đi xe buýt từ bệnh viện về nhà, có người giới thiệu bảo chỉ cần đưa tiền họ sẽ dẫn đi ghép thận cho con tôi. Tin lời, tôi về nhà sang lại sạp trái cây lấy tiền đưa cho họ.Thế nhưng sau đó họ trốn mất tăm”, người đàn bà tội nghiệp kể lại.
Mất hết tiền bạc, nhưng chưa một lần bà Út từ bỏ ý định tiếp tục chạy chữa cho con. Không tiền, bà nhận cắt chỉ quần áo, bán vé số, nhặt ve chai… vất vả mấy bà cũng làm chỉ mong đủ tiền cho con chạy thận mỗi tháng. “Những hôm đợi con chạy thận tôi tranh thủ đi xung quanh vừa bán vé số, nhặt ve chai, ngày nào kiếm được nhiều thì khoảng 100 nghìn. Cố gắng chắt góp, nhặt nhạnh mong sao đủ 2 triệu 800 nghìn mỗi tháng để cho con gái trị bệnh”, với tay khoe bọc ve chai vừa nhặt được, bà Út cười cho biết.
66 tuổi, độ tuổi đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời, người đàn bà lam lũ ấy vẫn ngày ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh để kiếm tiền níu giữ sự sống cho con.
68 tuổi, đi qua hầu hết những đắng cay, nếm vừa cạn những thất vọng, tủi hờn, người mẹ với tình thương bao la ấy vẫn ngày ngày đi bên cạnh bảo bọc và vỗ về bằng tất cả sự dành dụm và chắt chiu yêu thương qua năm tháng.
Nếu một nửa quãng thời gian có mặt trên cuộc đời, con gái bà phải vật lộn với bệnh tật thì với người mẹ già tội nghiệp kia, hơn 2/3 cuộc đời mình, bà chọn sống hi sinh. Khi được hỏi liệu quãng đường dài đằng đẵng ấy, có bao giờ bà thấy mỏi mệt và nghĩ đến chuyện buông xuôi. “Yêu thương thì có bao giờ biết mệt!”, bà Út trả lời.
Độc giả muốn ủng hộ cho hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Như Tâm vui lòng liên hệ Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy. Địa chỉ: Số 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM. SĐT: 028.3855.2486. Hoặc gửi về tài khoản: Bệnh viện Chợ Rẫy STK: 0071000077458 Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh quận 5, TP.HCM (Ghi rõ giúp đỡ bệnh nhân Nguyễn Thị Như Tâm- khoa Thận nhân tạo). |