Mặc dù có thể uốn dẻo người và chân từ nhỏ song phải 6 tháng trở lại đây, Đức mới phát hiện ngón tay của mình có thể bẻ cong.
Tại một chung cư ở Bình Chánh (TP.HCM) có anh chàng bảo vệ được bao cư dân quý mến bởi tính hiền lành, thật thà và thường hay giúp đỡ mọi người. Đặc biệt, cậu sở hữu một biệt tài vô cùng lạ kỳ, hiếm có ai tại Việt Nam có thể làm được.
“Thằng bé còn trẻ tuổi, mới vào đây làm bảo vệ được gần tháng thôi! Nó ngoan ngoãn, hiền lành và dễ thương lắm. Hơn cả, nó có chân tay kỳ lạ, có thể uốn nắn vòng tròn mà không hề đau đớn gì cả”, chị Sang – một người làm việc tại chung cư cho biết.
Sau đó một người phụ nữ khác đã dành cho chàng trai lời khen có cánh: “Nó trạc tuổi con trai tôi, nhìn dễ mến lắm! Ban đầu tôi cứ ngỡ nó có bệnh gì mà trông người ốm (tức gầy – PV) lắm! Ngờ đâu hỏi ra mới biết, nó ốm do tạng người như thế. Đặc biệt nó sở hữu biệt tài chẳng ai có thể làm được – uốn dẻo cơ thể”.
Đức (20 tuổi, quê Nghệ An) có khả năng uốn dẻo cơ thể.
Chàng trai mà hai người phụ nữ trên nhắc đến tên Đức (20 tuổi, quê Nghệ An). Cậu mới vào làm bảo vệ chung cư được gần một tháng trời! “Em mới từ ngoài quê vô đây rồi xin làm bảo vệ ở chung cư này. Công việc của em cũng không vất vả là mấy, nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh cho toà nhà cũng như giúp đỡ các cư dân. Thi thoảng rảnh rỗi, em lại thể hiện khả năng uốn dẻo cơ thể cho mọi người chiêm ngưỡng. Em không nghĩ việc làm đó lại nhận được sự tò mò và ủng hộ của mọi người như thế”, chàng trai trẻ tuổi tâm sự.
Đức có thể bẻ cong ngón tay theo đủ mọi chiều hướng mà không hề cảm thấy đau đớn. Ngoài ra, cậu còn có thể uốn dẻo người, chân và mọi thứ đặc biệt trên cơ thể. Thậm chí cậu có thể uốn người trên cây theo nhiều vòng khác nhau khiến người xem cảm giác cơ thể không hề có xương.
Đức có thể bẻ cong mọi thứ trên cơ thể theo đủ mọi chiều hướng mà không hề cảm thấy đau đớn.
Kể về biệt tài ấy, Đức nói: “Từ nhỏ, cơ thể của em đã như vậy rồi, chứ không hề luyện tập gì cả. Hồi lớp 3, em tham gia đá bóng cùng lũ bạn trong xóm và làm thủ môn. Tình cờ thế nào em đã nằm bắt bóng với hình dạng cơ thể uống tròn lại. Từ đó em phát hiện mình có khả năng uốn được cả người lẫn chân theo nhiều tư thế khác nhau”.
Gia đình Đức tại thời điểm đó không đủ điều kiện để đưa cậu đi bệnh viện thăm khám và kiểm tra. Hơn nữa bản thân cậu cảm thấy việc uốn dẻo người không hề ảnh hưởng gì tới sức khoẻ, ngược lại vô cùng khoẻ khoắn. Vì thế cậu cứ mặc kệ khả năng ấy, thi thoảng lại “biểu diễn” cho bạn bè hoặc người xa lạ “thưởng thức”.
Mặc dù có thể uốn dẻo người và chân từ nhỏ song phải 6 tháng trở lại đây, Đức mới phát hiện ngón tay của mình có thể bẻ cong. Cậu tâm sự: “Hôm đó, em ngồi chơi không nên bẻ hết ngón tay này đến ngón tay khác. Tình cờ em phát hiện ngón tay cái của cánh tay phải có thể bẻ cong theo mọi hướng mà không đau đớn gì cả. Em cảm giác ngón tay đó không xương cụt, chỉ có thịt.
Đức thể hiện tài năng uốn chân của bản thân.
Bàn tay bàn chân của em còn có một điều đặc biệt hơn cả - đó là các móng trông rất to lớn và màu sắc thay đổi theo thời gian. Sáng sớm, móng tay móng chân sẽ có màu trắng, dần dần chuyển qua màu tím và khi đêm khuya là màu đỏ. Nó trông kỳ cục nhưng em nghĩ có thể do cơ địa của em như thế nên mới có chuyện đó xảy ra”.
Mặc dù cơ thể không hề bị ảnh hưởng do biệt tài dị biệt, nhưng Đức dự định sau này có tiền sẽ đến bệnh viện kiểm tra tổng quát. Cậu tò mò không biết bản thân có mắc căn bệnh kỳ lạ gì hay không.
“Suốt nhiều năm, thi thoảng em lại tự hỏi vì sao cơ thể mình lại dẻo dai như không xương đến thế? Và rồi em lại bỏ ngỏ, không tìm ra câu trả lời! Một số người bảo em rằng, em mắc hội chứng người dẻo do thay đổi trong gen cấu trúc. Em tìm hiểu mà không hiểu nó là gì cả”, chàng trai xứ Nghệ tâm sự.
Hội chứng người dẻo là tình trạng mà tất cả các khớp có thể uốn dẻo, kéo dài hơn bình thường. Ví dụ, một số người có thể uốn ngón tay về sau cổ tay hoặc cong đầu gối phía sau đầu. Hội chứng người dẻo xảy ra khi các mô giữ khớp không chắc chắn. Trẻ nhỏ là đối tượng mắc bệnh nhiều nhất vì các mô giữ khớp chưa hoàn thiện. Hầu hết hội chứng người dẻo không nghiêm trọng và không cần phải điều trị bệnh. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp bệnh nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời. Bởi nếu để lâu bệnh có thể gây đau khớp và làm suy giảm chức năng vận động. |