Cháu tìm cậu ruột suốt 70 năm, khóc nghẹn ngày đoàn tụ khi chỉ nhìn được cậu qua tấm ảnh cũ...

Thảo Anh - Ngày 13/07/2024 16:30 PM (GMT+7)

Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly tập 178 đã chứng kiến ngày đoàn tụ đẫm nước mắt của gia đình ông Nguyễn Văn Ngó và những người ruột thịt sinh sống ở Bình Thuận, xưa nay chưa một lần gặp mặt. 

Ông Nguyễn Văn Ngó (SN 1941, là người ở thôn Đông Viên, xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội) đã viết thư lên chương trình để tìm người cậu của mình là cụ Vũ Văn Bốn, lạc gia đình từ năm 1954 đến nay đã tròn 70 năm. Với mái tóc bạc và bộ quân phục gắn đầy huy chương, ông Ngó xuất hiện trong chương trình chỉ với mong muốn có thể tìm lại cậu và gia đình.

84 tuổi vẫn cố gắng tìm lại người thân, mong muốn gia đình đoàn tụ  

Dù tuổi đã cao nhưng ông Ngó vẫn còn rất minh mẫn. Những ký ức của ông về ngày thơ bé, về người cậu năm xưa như còn nguyên vẹn. Ông kể: “Hồi đó cậu Bốn hoạt động cách mạng rồi bị bắt vào năm 1952, sau 2 năm di chuyển hết trại giam này đến trại giam khác, cậu xuống tàu ở Hải Phòng rồi vào Nam. Từ đó, gia đình chẳng còn liên lạc được với cậu nữa”. 

Cháu tìm cậu ruột suốt 70 năm, khóc nghẹn ngày đoàn tụ khi chỉ nhìn được cậu qua tấm ảnh cũ... - 1

Ông Ngó chia sẻ, làng xóm và những người đồng đội khi đó của cụ Bốn đều nói rằng cụ là người rất gan dạ, thân thiện nên ai cũng yêu quý cụ. “Cậu tôi mặt trái xoan, người cao cao, có thể nói là điển trai nhất trong các cậu. Cậu Năm mất rồi, còn cậu Sáu hiện tại trông cũng tựa tựa”, ông Ngó cho biết thêm. 

Cụ Vũ Văn Bốn là người con thứ 4 trong đại gia đình 6 người con của cụ ông Vũ Văn Thai và cụ bà Phan Thị Quýp. Ông Ngó là con trai của người con gái cả, chị gái cụ Bốn. Hiện tại, hàng trên của đại gia đình chỉ còn cụ Vũ Văn Sáu, năm nay đã 90 tuổi.

Theo lời kể của cụ Vũ Văn Sáu - em trai cụ Bốn, thì cụ Bốn là người rất dũng cảm. Ngày đó cụ bị bắt, mẹ cụ đã khóc hết nước mắt, đến năm 1967 thì mẹ mất. Cụ Bốn lúc đó ở trong Nam cũng chẳng hay biết, chỉ còn nhớ ngày giỗ bố vào 27/5 âm lịch. Và có ai ngờ suốt 70 năm qua, một ngày giỗ phải chia đôi, cách xa gần 2.000km. 

Chương trình đưa hình ảnh cụ Bốn lúc đã già cho cụ Sáu nhìn, cụ cười cười, hỏi có phải đây là anh trai của mình không: “Nhìn ảnh là nhớ đấy. Nhớ anh em lắm nhưng làm thế nào được. Bây giờ tôi chỉ muốn biết ông còn sống hay mất rồi, nếu mất rồi thì còn đứa con nào không, vợ ông còn không, giờ gia đình tôi chỉ muốn thế thôi…”.

70 năm dài hơn một đời người, liệu ai còn, ai đã mất? 

Mọi người đều thắc mắc không biết cụ Bốn đi tàu cảng từ Hải Phòng vào Nam đã dừng lại tại những nơi nào? Trong những năm đầu tiên kể từ năm 1954 đó, cụ đã làm gì để sống? 

Chương trình đã tìm được thông tin đầu tiên về cụ Bốn tại thị xã Phan Thiết (nay là TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Năm 1962, tức là 8 năm sau khi rời đất Bắc, cụ Bốn làm thợ mộc tại đây. Cũng ở nơi này, một mối nhân duyên đẹp đẽ nảy nở. Đúng vào năm 1962, cụ Bốn đã lấy vợ là cụ bà Nguyễn Thị Năm, người Phan Thiết. 

Cháu tìm cậu ruột suốt 70 năm, khóc nghẹn ngày đoàn tụ khi chỉ nhìn được cậu qua tấm ảnh cũ... - 2

Sau khi sinh con gái đầu lòng, cụ Bốn đi lính vào đóng quân ở Thủ Đức và sinh thêm 3 người con nữa. Khoảng 7 năm sau, cụ Bốn ra quân và đưa vợ con về Phan Thiết, tiếp tục sống bằng nghề thợ mộc. Sau khi đất nước thống nhất 2 năm, gia đình cụ đi kinh tế mới ở huyện Tánh Linh và lập nghiệp trên mảnh đất này đến ngày nay.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao cụ Bốn không chủ động về với gia đình dù đường về quê không hề có trở ngại sau ngày đất nước thống nhất? Theo lời ông Ngó kể, năm 1964 người nhà ở quê hương Đông Viên có nhận được lá thư rất ngắn của cụ Bốn, viết rằng cụ hiện ở Sài Gòn. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi, họ chẳng còn biết tin tức gì về cụ nữa. 

Cháu tìm cậu ruột suốt 70 năm, khóc nghẹn ngày đoàn tụ khi chỉ nhìn được cậu qua tấm ảnh cũ... - 3

Theo lý giải của vợ và con cụ Bốn thì do cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên cụ không đủ điều kiện để về quê. Bà Vũ Thị Hằng, con gái cụ Bốn nhớ lại: "Bố có nói đến chuyện về quê, nhưng nói đi lâu về quê phải có quà không thì họ hàng cười chê". Rồi bà kể bố mình thích đá bóng và vé số. Bố mua nhiều vé số, bảo nếu trúng số bố cho tiền các con, rồi bố dẫn về quê.

Và cuối cùng, người cậu thất lạc 70 năm của gia đình ông Nguyễn Văn Ngó đã được trở về với cội nguồn, chỉ tiếc là… cụ Bốn không còn nữa. Ngày đoàn tụ, ông Ngó ôm lấy các em, các cháu nghẹn ngào: “Đã 70 năm rồi các em ơi, 70 năm giờ mới được gặp nhau”.

Cháu tìm cậu ruột suốt 70 năm, khóc nghẹn ngày đoàn tụ khi chỉ nhìn được cậu qua tấm ảnh cũ... - 4

Ông Vũ Ngọc Minh, con trai cụ Bốn kể rằng, gia đình sống bằng nghề làm ruộng, làm vườn điều, tiêu cũng chỉ đủ ăn thôi. "Bố sống tội. Ngày bố mất chỉ có bên ngoại, nhà nội không có. Tội, có mình ổng. Bố thích về quê lắm chứ. Ông vô đây từ lúc trẻ, 88 tuổi mới mất mà", ông Minh xúc động nói.

Giờ đây, có lẽ cụ Bốn cũng mỉm cười nơi chín suối khi họ hàng bà con của cụ ở miền Bắc có thể đến mộ thắp cho cụ một nén nhang. Và cũng từ nay, ngày giỗ 27/5 âm lịch hằng năm, con cháu hai miền có thể tề tựu làm giỗ chung ở quê nhà. 

Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly.

Đinh ninh em gái đã mất bởi lá thư định mệnh, chị nghẹn ngào ngày gặp lại sau 51 năm xa cách
Cả hai chị em đều tưởng đôi bên đã mất và không còn cơ hội gặp lại nhau, nhưng tất cả chỉ là thử thách của ông trời. Họ đã đoàn tụ trong nước mắt sau...

Những câu chuyện cảm động

Theo Thảo Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động