Khi chờ đợi người thân trong phòng mổ, nhiều người chỉ biết viết lên tâm tư của mình lên bức tường vô tri, vô giác. Họ chỉ mong ước ca mổ sớm hoàn thành và người thân sớm được trở về.
Video người thân chia sẻ và những bút tích phía ngoài phòng mổ, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E.
10 giờ sáng, tiếng lạch cạch cửa phòng mổ (Trung tâm Tim Mạch, Bệnh viện E) hé mở, những người đang nằm dài phía ngoài cầu thang bộ bỗng bật dậy rất nhanh. Mọi người thấp thỏm chờ đợi, không biết bác sĩ gọi tên ai, thông báo việc gì. “Người nhà bệnh nhân T. đâu! Ca mổ thành công, bệnh nhân được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực rồi nhé”.
Nghe tiếng cửa mở ra, nhiều người thân bật dậy và chạy thân nhanh khi bác sĩ gọi tên.
Bác sĩ vừa nói xong, cánh cửa phòng mổ nơi hành lang khép lại. Anh Tùng (con trai bệnh nhân) vội vàng chạy lên xuống tầng 2, cố nhoài người nhìn qua ô cửa kính mà chẳng thấy người thân đâu. Anh Tùng cho biết tới tận 6 giờ chiều anh mới được vào thăm, đó là quy định của bệnh viện và mỗi lần chỉ được gặp vài phút vì sợ bệnh nhân dễ nhiễm khuẩn sau mổ.
Không được vào gặp người thân, anh Tùng quay về trước cửa phòng mổ, dọn dẹp đồ đạc để “chuyển khẩu” xuống trước cửa khoa hồi sức ở giáp cầu thang bộ và tiếp tục hành trình cùng người thân chiến đấu với bệnh tật.
Khu vực cầu thang tầng 2 và tầng 3 phía ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức tích cực có lẽ là nơi đặc biệt nhất ở Trung tâm Tim mạch, cũng như Bệnh viện E. Nơi mà nhiều người thân bệnh nhân coi như là “nhà trọ”. Có người đã ở đây ròng rã suốt 2 tháng trời.
Nhiều người thân bệnh nhân coi khu cầu thang này như "nhà trọ".
Thời điểm có mặt tại khu cầu thang này, hơn 10 người đang ngóng chờ thông tin người thân ở phía trong. Họ chia sẻ dù bệnh viện có phòng lưu trú và họ cũng đủ khả năng để thuê một phòng trọ ở gần bệnh viện nhưng vì sốt ruột khi người thân đang trong phòng mổ, phòng hồi sức nên họ không muốn đi đâu.
Coi cầu thang này như “nhà trọ” nên mọi người ai cũng có ý thức giữ vệ sinh chung. Để đi từ tầng 2 lên tầng 3, dù không có biển báo nào nhưng bất kể ai qua đây cũng đều tự giác để dép ở phía dưới, giống như việc bước vào một ngôi nhà được lát đá hoa sạch sẽ.
Những tâm tư của người thân bệnh nhân được gửi gắm lên bức tường nơi cầu thang ngoài phòng mổ.
Dù được vệ sinh sạch sẽ, nhưng đây chưa phải là điểm nhấn ở khu vực cầu thang này. Đập vào mắt những người mới đặt chân đến đây chính là bức tường dài khoảng 10 mét, loang lổ những nét chữ ngang dọc.
Có dòng chữ được viết nắn nót cẩn thận, nhưng cũng có dòng chữ viết vội, nguệch ngoạc trên tường với nhiều nội dung khác nhau. Đó là tâm tư của những người bố, người mẹ, người con gửi gắm tới người thân đang nằm trong phòng bệnh với hy vọng ca mổ sớm thành công và sớm được trở về gia đình.
Những người mới đến khi bước qua cầu thang ai cũng nán lại một chút để đọc những dòng tâm sự trên tường.
“Nghĩa à! Cố lên con trai, bố mẹ luôn mong con khỏe mạnh để gia đình mình được đoàn tụ với nhau. Bố mẹ đặt hết mọi hy vọng ở con đấy. Giá như bố mẹ có thể giúp con gánh một phần nào đó bệnh tật thì tốt quá. Bố mẹ yêu con nhiều lắm”.
“Minh Quân cố gắng lên con nhé, bố mẹ biết con mạnh mẽ lắm, cố gắng lên con để về chơi với anh Huy, anh ấy đang chờ con ở nhà. Bố mẹ tin ở con, con sẽ làm được mà”. “Vậy là 4 lần mẹ phải ở đây để chờ con rồi Linh Chi ơi”, đó là một vài dòng tâm sự để lại trên bức tường ngoài phòng mổ.
Mong ước chung của tất cả mọi người là mong sao các con được bình an, sớm về nhà.
Vợ chồng anh Đỗ Xuân Hưởng (ở Bắc Ninh) đã có 3 ngày chờ đợi khi bố đang chuẩn bị mổ tim ở phía trong. May mắn hơn những gia đình khác, khi ở viện anh Hưởng có cả 2 vợ chồng, những lúc nóng ruột, lo lắng hai vợ chồng lại nói chuyện chia sẻ với nhau để “giết” thời gian.
“Những bút tích trên tường đều là tâm tư của những ai có người thân trong phòng mổ. Tôi hiểu cảm giác đó, dù ca mổ chỉ diễn ra vài tiếng nhưng nó dài như hàng thế kỷ vậy”, anh Hưởng chia sẻ.
Vợ chồng anh Hưởng đang nóng lòng chờ người thân trong phòng mổ.
Con gái 8 tháng tuổi dù đã được mổ xong, nhưng chị Lê Thị Thu Thảo (SN 1994) vẫn chưa hết lo lắng khi con vẫn phải nằm trong phòng hồi sức. Khi mỏi mòn chờ đợi đến giờ được vào thăm con, chị Thảo viết lên bức tường họ tên con, cùng lời nhắn: “Đỗ Tùng Lâm! Bình an con yêu nhé, bố mẹ chờ con, cố lên”.
Bút tích của chị Thảo khi đợi con ở ngoài phòng hồi sức.
Khi chờ con ngoài cầu thang bệnh viện, chị Thảo cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Sau hơn 20 ngày chờ đợi, chị chỉ biết gửi gắm những suy nghĩ, mong ước của mình lên bức tường vô tri, hy vọng con sẽ mạnh mẽ và sớm vượt qua khó khăn này.
Đọc hết những tâm tư trên tường, chúng tôi hiểu được rằng có rất nhiều số phận khác nhau. Họ cố bám trụ ở khoảng không chật hẹp này với hy vọng sẽ nghe được tin tốt lành về người thân của mình đang nằm trong phòng bệnh.