Vừa mới nói một câu là "Con chị đạt loại khá cũng tốt mà", thầy Thịnh liền bị phụ huynh này "nhảy chồm" ngay: "Tốt gì mà tốt, tối nay về tôi phải cho nó một trận, cái thằng mất nết".
Đừng để buổi họp phụ huynh chỉ nói về góp tiền
Phụ huynh đánh ghen với cô giáo ngay tại lớp
Cấm thi vào lớp 6: Phụ huynh hoang mang, nhà trường 'đau đầu'
Cuối năm là thời điểm các cuộc họp cha mẹ học sinh diễn ra. Mục đích cuộc họp cuối năm, ngoài các vấn đề muôn thuở: vận động tự nguyện đóng góp các khoản... thì có một tiết mục rất hấp dẫn là công bố kết quả học tập cả năm học của "bé học sinh" đến từng quý cha mẹ một cách tường tận.
Tâm trạng cha mẹ đi họp cũng từ đó mà cũng lắm kiểu: vui có, buồn có, xấu hổ và tự hào cũng có... Sau đây là câu chuyện được thầy giáo Phạm Phúc Thịnh góp nhặt từ một lần họp phụ huynh...hộ:
Chuyện thứ nhất: Trong một lớp thuộc bậc học trung học, kết quả học tập của lớp quá... siêu đẳng với 49 học sinh giỏi, 1 học sinh khá, không có học sinh trung bình hoặc yếu kém. Lớp này ở một trường đạt "chuẩn quốc gia" và nghe đâu chuẩn bị đón nhận "giấy chứng nhận kiểm định chất lượng".
Thầy Thịnh ngồi cạnh một phụ huynh A có con xếp hạng thứ 5 trong lớp. Phụ huynh A hỏi "con" thầy Thịnh xếp hạng mấy - Dạ hạng 49 ạ - Thế chú có cho con đi học thêm không ? - Dạ không ạ.
Phụ huynh A chỉ giáo ngay: "Thế là không được rồi, con bé nhà tôi đi học thêm quần quật cả ngày thế mà chỉ đạt hạng 5 thôi đấy.
Rồi phụ huynh A kể ra lịch học của con gái: Toán 2 thầy, Lý 2 thầy, Hóa 2 thầy, Anh văn 1 thầy, Sinh vật 1 thầy... suốt ngày bé chỉ phải học, không phải làm gì cả. Học thế mà chưa ăn thua gì, chú mà không cho con đi học thêm là không thể học giỏi được đâu?".
Thầy Thịnh tủm tỉm cười, không dám nói gì sợ bà mẹ kia sốc vì "thằng con" không học thêm bớt gì cả, học ở trường xong về nhà học lớt phớt tí ti rồi đi ngủ. Kết quả cuối năm chỉ xếp thứ... 1 thôi.
Bố mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con (Ảnh minh họa)
Chuyện thứ 2: Cuối buổi họp, thầy Thịnh lân la gặp một phụ huynh của học sinh xếp loại khá. Lúc này bộ dạng của người mẹ như có "mưa gió sấm sét". Quả thực, thầy chỉ mới nói một câu là "Con chị đạt loại khá cũng tốt mà", liền bị phụ huynh này "nhảy chồm" ngay: "Tốt gì mà tốt, tối nay về tôi phải cho nó một trận, cái thằng mất nết. Bao nhiêu tiền của cho nó đi học mà cuối năm kết quả thế này đây. Làm như thế hóa ra bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ...".
Thầy Thịnh chợt nhớ lại hồi đi học, được xếp loại khá là mừng quá rồi. Thầy dò hỏi :"Hè này chị định cho cháu học thế nào?".
"Còn thế nào nữa. Hè này dứt khoát không chơi bời gì cả. Phải học và học thôi", bà mẹ trả lời và tiếp tục kể ra một danh sách lò luyện Toán Văn Lý rồi cả khóa rèn luyện tư duy.
Câu chuyện 3: Trong một buổi họp phụ huynh khác cũng thuộc lớp trung học, sau khi nghe tin con đạt loại khá, một phụ huynh đứng phắt dậy phát biểu: "Đề nghị cô giáo xem lại có sai sót không. Con tôi không thể là học sinh khá được. Tôi tốn bao nhiêu tiền của để cho cháu đi học các lớp phát triển tư duy, học toán thông minh, học cách để trở thành học sinh giỏi toán... Con tôi không thể là học sinh khá được, dứt khoát phải là học sinh giỏi.
Hay là các thầy cô không đánh giá đúng năng lực con tôi. Ở các trung tâm, người ta test và đánh giá con tôi có năng lực học tập lắm mà".
Thực tế, học sinh này chỉ ở mức trung bình khá, đặc biệt là môn toán chỉ ở khả năng trung bình. Mỗi lần em mang điểm kiểm tra về nhà là một cực hình. Em đã từng nói với giáo viên chủ nhiệm rằng mình đã cố gắng hết sức rồi. Khổ nỗi, bố mẹ em không cho em là học sinh khá được vì ngày xưa họ đều là học sinh giỏi. Bố hiện giờ là giảng viên, mẹ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Kết: Theo số liệu trên báo Lao động, chỉ riêng tháng 4/2014, khoa Tâm lý thần kinh trẻ em - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã ghi nhận 18 trường hợp bệnh nhân là học sinh mắc rối loạn tâm thần, 45 em bị trầm cảm và 81 em bị chứng rối loạn lo âu.
Thầy Phạm Phúc Thịnh gửi lời nhắn nhủ: "Có khi nào bố mẹ cảm thấy hối hận nếu con mình đạt chuẩn "tay đếm lá, chân đá ống bơ" không? Nhưng lúc đó có hối thì cũng đã muộn. Bao giờ cho đến ngày xưa: Đi học về là đi bắt cá, là chơi đủ các trò của tuổi trẻ. Và bố mẹ chỉ yêu cầu mỗi một điều: Làm sao thì làm, cuối năm "ông" lên 1 lớp dùm tui là tốt rồi!!!.