8 năm ròng, bàn chân mẹ và con in dấu khắp các hành lang bệnh viện. Ai bày thuốc gì, ở đâu, chị cũng mang con tới, làm hết thảy mọi việc để có thể chạy chữa cho con.
“Ước gì mẹ bệnh thay con”
8 năm trước, trong một cơn sốt siêu vi kéo dài gần một tháng, bé Vương Anh Thư (12 tuổi, ngụ Quận 9, TP.HCM) bất ngờ được phát hiện có dấu hiệu xuất huyết giảm tiểu cầu. “Người con bé nổi đầy những chấm đỏ li ti, lúc đầu tôi cứ nghĩ bị sốt xuất huyết nên cho nằm viện theo dõi. Đến khi bác sĩ kêu vào phòng và thông báo con bé bị suy tủy, tôi chết lặng, không còn tin vào những gì mình nghe nữa. Từ đó mỗi tháng tôi đều phải đưa con lên bệnh viện lấy máu xét nghiệm", chị Trịnh Thị Hiền (40 tuổi, mẹ bé Thư) nói.
Bé Vương Anh Thư.
Trái tim người mẹ chưa kịp định hình sau cú giáng trời đánh về bệnh tình của con thì 2 tháng sau, chị và chồng ly dị. Chỗ dựa tinh thần mất đi, chị phải gồng mình tự dặn bản thân mạnh mẽ làm chỗ dựa cho con trong cảnh bệnh tật ngặt nghèo.
Đứa con gái nhỏ tội nghiệp về ở với mẹ, con trai đầu khi ấy đang học lớp 4 thì theo cha. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm mười mấy năm cũng “không cánh mà bay” theo những đợt truyền máu tại bệnh viện. Vay mượn khắp nơi, bán hết đất đai, nhà cửa, 2 mẹ con dắt díu nhau đi ở nhà thuê, ai bày đâu chị cũng đến, vái lạy khắp nơi mong phép màu sẽ đến với đứa con nhỏ tội nghiệp của mình.
“Mấy năm đầu lúc Thư mới phát bệnh, tôi vẫn còn cố gắng kinh doanh cà phê, cầm cự qua ngày để có tiền lo bệnh tật cho con. 4 năm trở lại đây, mẹ con vào ra bệnh viện như cơm bữa. Không đi làm, không có tiền, đành cầu cứu gia đình và bạn bè. Bà ngoại bé thương cháu, bán gần hết đất đai ở Đồng Nai để phụ lo nhưng giờ đây cũng kiệt sức. Nhiều lúc chắp tay vái trời, tôi ước gì mình có thể gánh hết bệnh tật cho con”, chị Hiền bật khóc.
12 tuổi nhưng bé Thư có 8 năm vào ra bệnh viện đến cả bảo vệ, hộ lý cũng nhớ tên. 2/3 quãng thời gian có mặt trên cuộc đời của cô bé đã gắn liền với những cơn đau buốt từ trong xương tủy.
Nhìn hình ảnh môi, mặt và da con tái mét vì thiếu máu, cảnh bác sĩ luồn kim qua tận xương của con mình để chọc tủy kiểm tra, nhìn bàn tay yếu ớt của đứa con gái nhỏ khẽ chạm vào người mẹ rồi miệng mấp máy thì thào,... trái tim người mẹ tội nghiệp lặng thầm nấc tên từng đợt.
Những giây phút nghỉ ngơi ít ỏi dưới gầm giường bệnh mỗi khi con chợp mắt là những giấc ngủ không trọn vẹn của chị Hiền. Chị bảo 8 năm qua chưa một lần ngủ ngon. "Ngon sao được khi căn bệnh oan nghiệt vẫn từng giây từng phút tàn phá dần cơ thể con và vô tình gặm nhắm luôn cả những hi vọng nhỏ nhoi cuối cùng của người làm mẹ như tôi", chị Hiền nói.
Bao năm gồng gánh lo toan vất vả trên đôi vai gầy, chị Hiền không dám và cũng chưa một lần trình bày hoàn cảnh của gia đình với mọi người nhờ giúp đỡ. Thậm chí, thầy cô giáo ở trường cũng không hề biết về hoàn cảnh của Thư.
“Với bản tính tự lập, lúc nào tôi cũng cố gồng mình để lo cho con. Ai chỉ gì cũng làm, bao nhiêu tiền đổ vào hết cho con trị bệnh. Đến lúc không còn cố gắng được nữa tôi mới đành nhờ hỗ trợ vì số tiền hiện tại để cứu con vượt ngoài khả năng của tôi. Bác sĩ bảo chưa phát hiện tế bào ác tính trong dịch tủy của Thư, tức là nếu ghép tủy thì khả năng bé phục hồi sẽ lên đến 70-80%, nhưng chi phí lên đến trên 1 tỷ, tôi đành bất lực”, chị Hiền tâm sự.
Những bức tranh bên giường bệnh
Cuộc gặp với chị Hiền và bé Thư diễn ra trong một căn nhà nhỏ trên đường 10 (phường Phước Bình, quận 9) - nơi chị và 2 con mới thuê được khoảng vài tháng nay với giá 7 triệu đồng. Dạo gần đây con trai lớn sắp ôn thi Đại học nên chuyển về ở cùng mẹ con chị Hiền. “Nhà 7 triệu mỗi tháng, mẹ con tôi thuê không nổi nên có cho 5 bạn sinh viên về ở ghép rồi mọi người cùng nhau chia tiền ra. Bé Thư vừa được về lại nhà sau một tuần nằm ở Bệnh viện truyền máu, cuối tháng này lại phải vào lại bệnh viện”, chị Hiền kể.
Khi được hỏi về chuyện học hành của Anh Thư, chị cho biết từ khi trình bày hoàn cảnh với nhà trường, thầy cô đã chuyển em từ chương trình học bình thường sang giảm học lực để khỏi áp lực. “Hồi trước mỗi đợt thi cử là nó đều nhập viện, có khi sáng thi xong là chiều đã vào bệnh viện cấp cứu. Bé ham học lắm, hát rất hay và vẽ rất đẹp, từng nhiều năm ở trong đội văn nghệ của trường. Có khi nó đang sốt bừng bừng nhưng vẫn năn nỉ mẹ cho con lên hát, hát xong là nhập viện”, người mẹ nhìn con rồi mỉm cười cho biết.
Chi phí lần xuất viện mới nhất của bé Thư.
Chỉ tay vào chiếc giỏ bằng vải để trên kệ tủ nơi góc phòng, chị Hiền bảo đó là “đồ nghề” của bé Thư. Mỗi khi chuẩn bị nhập viện là bé lại xách theo chiếc giỏ đựng bút, giấy và màu vẽ của mình. “Bé mê vẽ lắm, nằm bệnh viện là lại lôi giấy bút ra vẽ, có khi một tay truyền máu, tay kia vẫn cầm cọ tô màu. Con nói vẽ như vậy cho quên đau vì mỗi lần vẽ con lại thấy vui lắm. Khi nào mệt quá thì lại lăn đùng ra nằm trên chân mẹ rồi tỉ tê nhờ mẹ xoa bóp tay, lưng cho mình. Khi nào đi học lại, nó mang tranh vào lớp bán cho các bạn, mỗi bức 3- 5 nghìn đồng rồi về khoe các bạn thương nên ủng hộ con nhiều lắm”, chị Hiền thuật lại.
Những bức tranh được em bán cho bạn với giá 5 nghìn đồng.
Ánh mắt người phụ nữ tảo tần chỉ kịp ánh tên vài niềm vui nho nhỏ khi nhắc về con rồi lại tiếp tục thả trôi cùng với những nỗi buồn chất chứa. Quay sang vén gọn mấy lọn tóc ướt đẫm mồ hôi của con, chị rơi nước mắt: “Giờ càng nhìn con, tôi càng bất lực. Tôi không biết mẹ con mình còn gắng gượng được bao lâu nữa. Nỗi đau lớn nhất của người làm mẹ là khi bất lực, không thể làm bât cứ chuyện gì để cứu con”, nói đến đây, chị Hiền bật khóc.
Tay đeo kim, tay cầm cọ.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả đến hoàn cảnh của bé Vương Anh Thư xin liên hệ SĐT: 0901308789 (chị Hiền). Hoặc thông qua số tài khoản 101000876501, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh quận 9. Chủ tài khoản Trịnh Thị Hiền. Xin chân thành cảm ơn! |