Được ông nội đặt cho cái tên "chẳng giống ai", từ nhỏ cô gái Hải Phòng đã gặp vô số chuyện phiền toái, luôn cảm thấy tự ti mỗi khi ai đó nhắc tới. Khi trưởng thành, hiểu được ý nghĩa và tấm lòng của ông nội, cô cảm thấy có lỗi và ngày càng trân trọng cái tên của mình.
Ngoài những cái tên mỹ miều chứa đựng bao ý nghĩa sâu sắc thì đâu đó vẫn có những trường hợp sở hữu tên độc lạ dẫn tới nhiều phiền toái, khiến họ luôn cảm thấy tự ti mỗi khi được nhắc đến. Điển hình như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Xiêm (35 tuổi, quê ở Hải Phòng, hiện sống và làm việc tại Hà Nội).
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như tên của chị không được ghép cùng với tên bố mình. Theo đó, bố của chị tên là Hồng, đặt tên chị là Xiêm.
Khi được hỏi về nguồn gốc tên gọi, chị Xiêm khẳng định đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Chị chia sẻ: "Ngày ấy, ông nội của tôi tên là Lạc nên đặt tên bố của tôi là Hồng, ghép lại thành Lạc Hồng. Tâm nguyện của ông là mong muốn về sau dù có ra sao, dòng máu lạc hồng ấy sẽ không bao giờ thay đổi. Rồi bố tôi lập gia đình, ngày ông nội biết con dâu sắp sinh cháu gái đầu lòng nên mừng lắm.
Đến khi tôi chào đời, gia đình tôi còn làm hẳn mấy mâm cơm để tiếp đãi họ hàng, lối xóm. Tại bữa tiệc, ông nội quả quyết bảo rằng, bố là Nguyễn Văn Hồng thì con gái sẽ tên là Nguyễn Thị Xiêm, ghép lại là Hồng Xiêm. Ý của ông là mong muốn tình cảm của hai bố con tôi sẽ gắn kết, ấm áp tới hết cuộc đời này, ngọt ngào như trái hồng xiêm vậy”.
Chị Xiêm chia sẻ, thời con đi học chị thường bị bạn bè trêu chọc và luôn cảm thấy tự ti mỗi khi ai đó nhắc tới tên gọi của mình
Cũng bởi nguồn gốc tên gọi đặc biệt như vậy mà suốt từ thời đi học, chị Xiêm nhiều lần đối mặt với những tình huống đầy éo le. Chị quả quyết, khắp trường học đến toàn bộ khu vực sinh sống cũng không có ai mang cái tên độc lạ như mình. "Tôi cảm thấy ngại lắm, nhất là khi bạn bè trêu đùa gọi cả tên tôi lẫn tên bố. Chưa kể, nhiều bạn còn biến tấu tên của tôi thành vịt Xiêm, xiêm y,..”, chị Xiêm nhớ lại.
Tới lúc đi học, cũng vì cái tên có phần lạc lõng so với bạn bè đồng trang lứa mà chị Xiêm thường xuyên bị thầy cô gọi lên trả bài.
Rồi tới tuổi yêu đương, những khi làm quen chị Xiêm cảm thấy rất ngại ngùng, tự ti khi bị các chàng trai hỏi "Em tên là gì?". Đã có lần chị phải nói dối về tên của mình. Hay lúc đi làm căn cước công dân, các cán bộ cũng hỏi đi hỏi lại tên là Siêm hay Xiêm khiến chị không khỏi bối rối.
Tự ý thức được tên của mình "không đẹp" nên ngay từ ngày còn nhỏ, chị Xiêm luôn cảm thấy tự ti, phiền lòng. Nhiều lần chị từng nghĩ tới chuyện đổi sang tên mới. Thế nhưng hiện đã trưởng thành và lập gia đình, chị Xiêm lại nghĩ khác. "Tôi cảm thấy tên của mình rất hay, ý nghĩa. Nó thể hiện sự gắn kết, không thể tách rời với bố tôi. Ông nội từng bảo, quả hồng xiêm khi xanh thường có vị chát, khó ăn nhưng từ từ sẽ chín mềm, vừa thơm vừa ngọt. Cuộc sống cũng vậy! Ban đầu có thể khó khăn, thách thức nhưng rồi mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp, trọn vẹn”, chị Xiêm bộc bạch. Hiểu được ý nghĩa và tấm lòng của ông nội, chị càng thêm trân trọng cái tên của mình.
Khi trưởng thành, chị thấy cái tên này rất hay, vô cùng ý nghĩa và cũng giúp chị có nhiều thuận lợi trong công việc
Hiện tại, chị Xiêm đang kinh doanh ngành ẩm thực. Những ngày đầu khởi nghiệp, vợ chồng chị cũng gặp muôn vàn khó khăn. Thậm chí có lúc, hai vợ chồng còn bị lừa dẫn đến vỡ nợ, mất sạch tiền bạc nhưng cả hai quyết tâm không từ bỏ, kiên nhẫn bắt đầu lại từ đầu.
Chị Xiêm kể thêm, trong suốt quá trình làm nghề, nhiều lần khách hàng cũng có thắc mắc về ý nghĩa tên gọi của mình. "Dần dần tôi nghĩ, tên của mình bỗng trở thành một thương hiệu riêng. Chỉ cần nhắc tới tên Xiêm thôi, khách hàng lập tức nhớ ngay tới cửa hàng của tôi rồi. Nhờ vậy, công việc của tôi cũng gặp nhiều thuận lợi hơn", chị Xiêm cho hay.
Trong gia đình, các bác ruột của chị Xiêm cũng được ông nội đặt cho cái tên hết sức đặc biệt, lần lượt là: Nguyễn Văn Là, Nguyễn Văn Ì, Nguyễn Văn Vang, Nguyễn Văn Bùng và Nguyễn Văn Thình.