Hiện nhiều gia đình đều cúng tất niên trước ngày 30 là không đúng với bản chất và phong tục xưa, các chuyên gia cho rằng đã là tất niên thì phải cúng trong ngày cuối cùng của năm cũ.
Cúng tất niên là tục lệ đã có từ rất lâu đời, đây là dịp để gia đình, con cháu chuẩn bị mâm cơm dâng lên thần linh, tổ tiên nhằm báo cáo tới các đấng bề trên về những việc đã làm được và chưa làm được trong suốt một năm qua.
Ông Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho biết, hiện có rất nhiều quan điểm về việc làm tất niên và cúng tất niên trong nhân dân. Theo đó, có người cho rằng đó là bữa cơm cuối năm phải làm linh đình, thể hiện rằng một năm làm ăn phát đạt. Nhưng có người thì lại không quá coi trọng mà làm qua loa, cúng đơn giản. Ông Tuệ cho rằng, tất niên tốt nhất không nên làm quá cầu kỳ, khoa trương, nhưng vẫn phải đủ lễ nghi thể hiện sự tôn trọng, tôn kính với đấng bề trên.
Theo ông Tuệ, hiện rất nhiều gia đình tiện ngày nào làm mâm cơm tất niên ngày đó, điều này có thể phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng không đúng với phong tục cổ xưa. Ông lý giải, tất niên có nghĩa là hết hoàn thành, kết thúc. Như vậy, mâm cơm cúng tất niên phải được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ, nếu làm trước thì chưa gọi là tất niên.
Ông Nguyễn Trọng Tuệ cho rằng không nên cúng tất niên trước ngày 30 Tết hoặc phải cúng vào ngày cuối cùng của năm cũ (nếu thiếu ngày 30).
“Theo phong tục, bữa cơm tất niên thực hiện vào tối 30 Tết, tuy nhiên do điều kiện đi lại thì có thể làm trưa hoặc chiều 30 Tết. Không nên làm trước ngày 30 Tết”, ông Tuệ chia sẻ.
Đối với lễ vật cúng tất niên, vị chuyên gia này cho rằng tùy điều kiện gia đình sẽ chuẩn bị làm sao cho thật thành tâm để dâng lên các đấng thần linh, tổ tiên. Mâm cơm cúng thường chỉ là những gì hàng ngày gia đình ăn uống, khi chuẩn bị cần đầy đủ hơn để tỏ lòng thành, dâng kính tổ tiên. Không cần thiết phải chuẩn bị lễ vật đắt tiền, xa hoa, phi thực tế để dâng cúng.
Một vấn đề nữa cần phải chú ý đó là bắt buộc phải cúng lễ xong mới được thực hiện ăn cơm tất niên. Hiện không ít gia đình vì “chiều khác” nên vừa thắp hương ở trên ban thờ, dưới đã dọn ra ăn là không được. Khi làm lễ, các thành viên phải tề tựu đông đủ, ăn mặc chỉnh tề để trình diện trước bàn thờ gia tiên. Theo quan niệm xưa, nếu không thực hiện đúng nghi thức sẽ dễ dẫn đến lục đục trong gia đình trong năm mới, tài lộc hạn hẹp.
Mâm cúng tất niên chỉ cần chuẩn bị những món đơn giản như trong gia đình nhưng cần làm trang trọng, đầy đặn.
Ngoài ra, quá trình cúng tuyệt đối không cười đùa, nói chuyện, nói tục nói bậy... bởi như thế là bất kính với tổ tiên. Theo quan niệm xưa, trong lúc cúng, cần kiêng gọi tên trẻ nhỏ.
Khi cúng tất niên, mọi người cũng cần phải để ý kỹ lưỡng trên ban thờ cúng, vì có thể sẽ có những đồ giả như hoa quả xanh, hoa quả nhựa để trên đó. Điều này là tối kỵ, vì như vậy không chứng tỏ lòng thành. Như đã nói trên, đồ cúng không cần xa hoa nhưng phải là đồ thật, hoa tươi, trái ngọt và là đồ dùng được.
Cuối cùng, người thực hiện nghi lễ cúng cần ăn mặc lịch sự, trang trọng, nếu phụ nữ đang đến tháng cần tránh việc cúng lễ. Văn khấn cúng lễ tất niên tại gia được thực hiện như sau:
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.
Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ: .................
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm: ..............
Tín chủ (chúng) con là:..................................................................................
Ngụ tại:........................................................................................................
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Hôm nay là ngày 30 tết chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên địa Tôn thần, phụng hiến tổ tiên, truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuệ trừ cáo tế cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận.
Nam mô a di Đà Phật! (cúi lậy)
Nam mô a di Đà Phật! (cúi lậy)
Nam mô a di Đà Phật! (cúi lậy)
* Nội dung bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia và mang tính tham khảo!