Các doanh nghiệp cũng rất biết cách tung ra các chiêu trò để “móc túi” người tiêu dùng. Trong một năm nhiều biến động vì dịch bệnh như thế này, hãy nhớ kiểm soát đồng tiền thật tốt để không phải hối hận vì đã vung tay quá trán.
Đã thành thông lệ, bắt đầu từ tháng 12 dương lịch trở đi, thị trường mua sắm cuối năm lại trở nên náo nhiệt. Cơn bão shopping sẽ càn quét khắp các “mặt trận” từ thời trang, ẩm thực, hàng hóa tiêu dùng tới đồ trang trí và vô vàn các mặt hàng khác. Trước thêm năm mới, ai ai cũng tranh thủ "tậu" những thứ mình cần để trang hoàng nhà cửa hay làm đẹp cho bản thân và đặc biệt, đây là dịp để mua những thứ mình thích với giá hời.
Cũng chính bởi vậy mà nhiều người rơi vào tình cảnh lạm phát chi tiêu do mua sắm quá đà. Các doanh nghiệp cũng rất biết cách tung ra các chiêu trò để “móc túi” người tiêu dùng. Trong một năm nhiều biến động vì dịch bệnh như thế này, hãy nhớ kiểm soát đồng tiền thật tốt trước muôn vàn cám dỗ để không phải hối hận vì đã "vung tay quá trán".
Dưới đây là những “chiêu” mà các cửa hàng, doanh nghiệp thường áp dụng để khiến chị em rơi vào bẫy mua sắm:
Cám dỗ mua hàng theo trào lưu
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tốn kém mà nhiều chị em phụ nữ hay mắc phải. Rất nhiều loại mặt hàng như giày dép, túi xách, quần áo, đồ dùng gia đình… trở thành xu hướng. Ở một thời điểm nhất định nào đó bạn bắt gặp rất nhiều người cùng mua những mặt hàng như thế. Do đó, bạn sẽ nảy sinh tâm lý đám đông, muốn chạy theo mốt, theo trào lưu mà không tính tới việc mình có thực sự cần thiết không, có phù hợp với bản thân mình không.
Cuối năm, thị trường mua sắm trở nên sôi động hơn bao giờ hết với những chương trình giảm giá cực sốc (Ảnh minh họa)
Đã có không ít chị em phụ nữ than phiền rằng họ bước vào cửa hàng và rồi nhìn thấy một món đồ mà cô bạn thân, người đồng nghiệp, cô em hàng xóm… đều có và thế là họ quyết lấy một cái “cho bằng bạn bằng bè”. Kết quả là bạn nhanh bị chán, bởi nó không phải là thứ phù hợp với mình, lại không phải là đồ mình thực sự cần thiết, họ nhanh chóng bỏ xó nó. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn, nhất là những mặt hàng có giá thành không hề rẻ.
Bởi thế, trong mùa bão sale cuối năm như thế này, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng: Chỉ mua thứ mình cần, không mua thứ mà nhiều người đang có! Tốt nhất trước khi đi mua hàng, bạn nên soạn ra một danh sách những thứ mình cần và đi một lượt để sắm đúng những thứ có trong danh sách đó, tránh việc la cà rồi bị hấp dẫn bởi những mặt hàng không cần thiết.
Cám dỗ hàng giảm giá sốc, giảm đến 70-80%
Chắc chắn, vào dịp sale cuối năm, bạn sẽ liên tục bắt gặp những tấm biển treo mức giá giảm tới 50, thậm chí là 7-80% hoặc bán hàng giá gốc bởi đây là dịp để các cửa hàng tăng doanh số và đẩy hàng tồn. Con số này quả thật quá hấp dẫn nhưng hãy cảnh giác vì rất có thể nó sẽ khiến bạn phải hối hận.
Đừng chỉ bận tâm tới giá thành của sản phẩm, hãy cân nhắc về chất liệu, nguồn gốc, xuất xứ để xem giá thành và giá trị thực sự của sản phẩm của tương xứng hay không (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân là bởi đúng là các nhà sản xuất, cửa hàng, doanh nghiệp có bán mức giá thấp thật sự nhưng vấn đề đó đa phần là sản phẩm tồn kho, hàng đời lâu, công nghệ cũ… Đối với thời trang thì có thể là mặt hàng đã lỗi mốt, đối với thực phẩm có thể là hàng cận date, với công nghệ có thể là các dòng hàng tồn kho, đời quá sâu, công nghệ kém… Như thế rõ ràng bạn đang bỏ tiền ra để mua một sản phẩm mà chức năng, công dụng và tính hiệu quả của nó không còn cao. Đó là chưa kể với công nghệ sản xuất hiện đại như bây giờ, cùng mức giá đó bạn vẫn có thể mua được những sản phẩm có chức năng tương tự mà đời mới hơn.
Do đó, khi đi mua hàng, đừng chỉ nhìn chằm chằm vào mức giá mà cần phải tìm hiểu các thông số kĩ thuật trên sản phẩm để đánh giá đúng giá trị thật của sản phẩm. Thêm vào đó, ngay cả khi nó là một mặt hàng đủ tốt thì hãy tính toán tới việc bạn có thật sự cần nó hay không, nếu không cần thiết thì dù bạn bỏ ra một số tiền không quá nhiều nhưng rước về 1 sản phẩm không có tính hữu dụng nhiều với gia đình mình cũng là một sự lãng phí.
“Thỏi nam châm” hút khách: Mua 1 tặng 1
Đây vốn dĩ chẳng phải là chiêu kích cầu mới, nó được áp dụng nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ hết tác dụng. Nó đánh vào tâm lý ham lợi, ham lời của khách hàng. Rõ ràng chỉ bỏ 1 lần tiền mà nhận về gấp đôi là một bài toán mà nhiều khách hàng nghĩ mình quá hời.
Chỉ bỏ 1 lần tiền mà nhận về gấp đôi là một bài toán mà nhiều khách hàng nghĩ mình quá hời. (Ảnh minh họa)
Có một thực tế là rất nhiều người chỉ vì nhìn thấy món đồ khuyến mại đi kèm thích quá mà quyết định mua mặt hàng đó mặc dù ban đầu không hề có ý định mua. Và đó là lí do họ bỏ tiền ra để có được sản phẩm mà chỉ thực sự 1 trong 2 thứ có giá trị và cần.
Vì thế hãy luôn răn mình bằng việc trước khi mua hàng, hãy tự hỏi bản thân xem có thự sự cần hay không để khi ra về không có một chiếc túi rỗng tiền và tạo áp lực về kinh tế.