Từ món ăn dân dã vùng Tây Bắc, sâu tre thành đặc sản được thực khách từ Bắc chí Nam tìm mua dù giá thành không hề rẻ.
Tây Bắc nổi tiếng với nhiều loại đặc sản vừa ngon vừa lạ, trong đó phải kể tới sâu tre, loài nhung nhúc đáng sợ nhưng được "săn lùng" khắp nơi với giá vô cùng đắt đỏ.
Theo tìm hiểu, sâu tre còn có tên gọi khác là sâu măng. Đây là loài côn trùng sống ký sinh trong thân cây tre, có ở nhiều nơi nhưng thường xuất hiện ở một số tỉnh vùng núi Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hay huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Sâu tre thường sinh sống ở những cây tre non, cây nứa non có biểu hiện héo ngọn, đốt tre bị co rúm, ngắn lại khác thường.
Con sâu tre có kích thước nhỏ, dài gần hai đốt ngón tay, màu trắng muốt. Nhìn bề ngoài trông nó nhung nhúc đáng sợ, nhiều người chạy khiếp vía, thế nhưng ít ai biết được rằng oài này là nguyên liệu làm nên nhiều món khoái khẩu "được lòng" giới sành ăn.
Khoảng từ tháng 9 - tháng 11 âm lịch là thời điểm sâu sinh sôi nảy nở, phát triển nhiều và béo ngậy nhất. Vào lúc này, người dân các tỉnh Tây Bắc lại vào rằng săn sâu tre về chế biến món ngon hoặc án cho thương lái. Sâu này khá hiếm, không phải cây tre nào cũng có. "Để phát hiện ra sâu tre, tôi thường tìm những cây tre non, nứa có biểu hiện héo ngọn, đốt tre bị co rúm, ngắn lại khác thường thì chặt những đốt đó xuống, kiểu gì cũng thấy những con sâu tre ngoe nguẩy màu trắng bò lúc nhúc bên trong. Sâu tre gần giống với sâu chít, nhưng sâu chít người dân chúng tôi thường để ngâm rượu, còn sâu tre mọi người thường đem về chế biến thành món ăn cho gia đình”, anh Bính - một người dân chia sẻ.
Đặc sản sâu tre được đồng bào dân tộc Thái chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như: Sâu tre xào măng chua, sâu tre chiên giòn, sâu tre hấp, sâu tre đồ, sâu tre rang lá chanh… nhưng ngon nhất và phổ biến nhất là món sâu tre rang cùng với lá chanh. Bởi không chỉ đơn giản trong quá trình chế biến mà khi rang lên còn có mùi thơm phức khá độc đáo, khi ăn thì giòn tan trong miệng.
Chị Phương - người bán sâu tre ở Sơn La cho biết sâu tre là đặc sản rừng ở Sơn La, có màu trắng, thân to bằng đầu đũa, dài bằng 2 đốt ngón tay, khá giống sâu chít. Tuy nhiên, sâu chít dân mua về để ngâm rượu, còn sâu tre để xào nấu ăn như các loại thực phẩm khác. Món phổ biến nhất là sâu tre rang lá chanh, làm nộm hoa chuối. Khi ăn sẽ thấy sâu thơm ngon, béo ngậy.
“Sâu tre được khai thác hoàn toàn tự nhiên tại các khu rừng tre ở Sơn La, không phải là hàng nuôi trồng nên rất sạch. Song giá loại sâu này tương đối đắt đỏ. 1 kg sâu tre hàng cấp đông có giá 550.000 đồng, hàng tươi giá 600.000 đồng”, chị nói.
Loại sâu này sống trong thân cây tre. Mùa này người dân trong vùng thường vào các rừng tre đẽo thân lấy sâu về ăn hoặc đem bán. Hàng ngày, chị gom mua sâu của người dân khai thác được về sơ chế, cho vào luộc chín rồi đóng túi nhỏ đem cấp đông.