Đại gia Phương Hằng nói Thủy Tiên "tạm khóa báo có, tiền treo lơ lửng": Dân ngân hàng lý giải

K.T - Ngày 20/09/2021 12:10 PM (GMT+7)

Sau buổi livestream tối qua của bà Phương Hằng, dân mạng bất ngờ tìm hiểu về nghiệp vụ ngân hàng với từ khóa “tạm khóa báo có”. Họ muốn biết liệu “tạm khóa báo có” có phải giống như những gì nữ streamer đại gia giải thích hay không.

Tối qua (19/9), nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Đại Nam đã phát sóng trực tiếp, trò chuyện với người hâm mộ cũng như cộng đồng mạng. Bà tuyên bố vụ sao kê của nữ ca sĩ Thủy Tiên sử dụng "thủ thuật", chưa minh bạch hoàn toàn.

Cụ thể, bà Hằng nhắc đến trong văn bản xác nhận tổng tiền mà ngân hàng gửi cho Thủy Tiên có 4 từ “tạm khóa báo có”. Bà giải thích đó không phải là đóng tài khoản hoàn toàn. Bởi trong lúc chủ tài khoản sử dụng lệnh này, người khác vẫn có thể chuyển tiền vào tài khoản bình thường. Nhưng số tiền được chuyển sẽ “treo lơ lửng” cho đến khi lệnh “tạm khóa báo có” được chủ tài khoản gỡ bỏ.

Nữ đại gia Phương Hằng trong buổi livestream tối qua (19/9).

Nữ đại gia Phương Hằng trong buổi livestream tối qua (19/9).

Đáng chú ý, nữ đại gia còn đưa ra văn bản được cho là xác nhận của ngân hàng gửi cho Thủy Tiên, trong đó có nhắc đến trạng thái tài khoản từng được “tạm khóa báo có” vào 15h15 ngày 2/11/2020 cho đến hiện tại. Tổng số tiền báo có vào tài khoản từ ngày 13/10/2020 đến lúc “tạm khóa báo có” là hơn 177,5 tỷ đồng.

Sau đó bà Hằng đặt ra câu hỏi: Liệu nữ ca sĩ đã gỡ lệnh “tạm khóa báo có” hay chưa? Họ cần phải đưa giấy tờ, sao kê chứng minh có tiền đổ vào tài khoản sau khi gỡ lệnh này? “Tại thời điểm này, chúng ta cần một xác nhận của ngân hàng về việc trạng thái tài khoản của Thủy Tiên đã được báo có vào tài khoản chưa? 

Nếu Thủy Tiên không cung cấp xác nhận được tài khoản của mình đã báo có thì dù có yêu cầu ngân hàng sao kê bao nhiêu năm vẫn không có phát sinh. 

Số tiền mạnh thường quân chuyển vào vẫn có thể treo trên hệ thống của ngân hàng, còn Thủy Tiên vẫn có thể sở hữu hợp pháp số tiền này. Đó là thủ thuật của những người biết cách ém tiền trên không gian đó quý vị. 

Ví dụ văn bản xác nhận tạm khoá báo có của ngân hàng.

Ví dụ văn bản xác nhận tạm khoá báo có của ngân hàng.

Để làm rõ vấn đề này, Thủy Tiên cần yêu cầu ngân hàng cung cấp văn bản xác nhận trạng thái tài khoản hiện tại có hạn chế gì hay không? Và trong thời gian tạm khóa báo có phát sinh dòng tiền chuyển đến tạm treo hay không? Nếu có thì sẽ xử lý thế nào? Ngân hàng có quyền đơn phương hoàn trả số tiền chuyển đến trong thời gian tài khoản tạm khóa hay phải thực hiện theo yêu cầu của Thủy Tiên?

Câu chuyện lúc này đã đi quá xa với câu chuyện sao kê vì xuất hiện hiện tượng đánh tráo khái niệm nhưng bản chất thì chưa rõ”, nữ đại gia nói trong livestream.

Sau buổi phát sóng của bà Hằng, dư luận bất ngờ tìm hiểu về nghiệp vụ ngân hàng với từ khóa “tạm khóa báo có”. Họ muốn biết "tạm khóa báo có” là gì, có phải giống như những gì nữ đại gia giải thích hay không?

Trên fanpage của cộng đồng giới ngân hàng Bankers có gì vui ? tối qua đăng bài nhắc đến tạm khóa báo có. (Ảnh chụp màn hình)

Trên fanpage của cộng đồng giới ngân hàng "Bankers có gì vui ?" tối qua đăng bài nhắc đến "tạm khóa báo có". (Ảnh chụp màn hình)

Theo tìm hiểu, “tạm khóa báo có” là nghiệp vụ tạm khóa tài khoản một chiều, có nghĩa là chủ tài khoản sẽ tạm thời không nhận được tiền chuyển đến nhưng vẫn có thể thực hiện chuyển tiền đi và các dịch vụ khác. Khi tài khoản đang trong trạng thái “tạm khóa báo có”, người chuyển tiền vào tài khoản này sẽ không ghi có vào tài khoản mà bị treo lên và sẽ được hoàn về tài khoản người chuyển trong ngày hoặc tùy thuộc vào từng ngân hàng nếu chủ tài khoản không đồng ý nhận. Song, nếu chủ tài khoản đồng ý nhận thì có thể mở khóa ra để nhận.

Trao đổi về nghiệp vụ này, N.B – một nhân viên ngân hàng V. làm việc tại chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội cho biết: “Báo có (hay ghi có) tức là tiền chuyển vào tài khoản. Khóa báo có tức là đóng chiều nhận tiền, không cho tiền vào tài khoản.

Ví dụ, A chuyển tiền cho B nhưng B đóng báo có. Khi ấy phía ngân hàng sẽ tìm hiểu xem vì sao B đóng báo có hoặc tra soát để trả lại tiền cho A, chứ không phải “treo tiền lơ lửng” mãi chờ B mở lại tài khoản để chuyển vào cho B.

Mỗi ngân hàng có quy định khác nhau, có nơi còn trả lại ngay lập tức cho A vì chủ ý của B là đóng báo có: không muốn nhận tiền”.

N.B cũng nói thêm, trong lĩnh vực ngân hàng còn có một nghiệp vụ khác là “tạm khóa tài khoản” – tài khoản tạm khóa cả 2 chiều nhận tiền và chuyển tiền. Việc “tạm khóa báo có” hoặc “tạm khóa tài khoản” được thực hiện khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hay người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Được biết, từ tối qua đến sáng hôm nay, trên fanpage của Vietcombank, cộng đồng mạng đã để lại hàng nghìn bình luận “hỏi thăm” xem “tạm khóa báo có” là gì.

Con trai nữ đại gia Phương Hằng sinh nhật 9 tuổi, CĐM tò mò bởi chiếc bánh kem đặc biệt
Dù không hoành tráng như những lần sinh nhật trước đó, song bữa tiệc này vẫn thể hiện đầy đủ tình cảm, sự ấm áp mà mọi người dành cho cậu bé tỷ phú...

Đại gia Phương Hằng

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thủy Tiên