Về cái huyệt được đào sẵn, ông Hiệp thở dài: “Đứa em tôi xây dựng cho tôi đó! Nó bảo bao giờ tôi chết sẽ làm ở đó, không cần quan tài vì bên trong đã được ốp đá".
Không giống như nông thôn Bắc bộ, ở vùng sông nước miền Tây, mộ - dành cho người khuất được chôn ngay trong vườn nhà, gần nơi ở của người sống! Đó là thói quen cố hữu của mỗi gia đình từ xa xưa dù hiện vùng nào cũng có nghĩa trang đàng hoàng.
Song họ lại kỵ nhất chuyện đào sẵn phần huyệt cho người còn sống ngay cạnh những phần mộ của người khuất. Vậy mà, người đàn ông tại Vĩnh Long dưới đây lại dám làm điều đó. Và khi biết lý do đằng sai, ai cũng phải thốt lên: “Thật xót xa!”.
Ông Hiệp (73 tuổi) sống trong khu đất chôn người chết trong dòng họ. Ông sống ngay cạnh ngôi mộ lớn, kế đó là phần huyệt của ông được anh em đào sẵn. Ông tâm sự: “Tôi có 2 đời vợ, 2 thằng con trai. Vợ cả qua đời từ lâu, sau đó tôi lên Sài Gòn làm ăn tình cờ gặp người phụ nữ quê Sóc Trăng rồi sống chung như vợ chồng.
Sau này tôi già yếu đành trở về quê, vợ 2 cũng về Sóc Trăng với gia đình. Chúng tôi không có con chung nên chẳng có gì ràng buộc cả”.
Nhắc đến chuyện vì sao không đưa vợ 2 về Vĩnh Long sinh sống, ông Hiệp thừa nhận bản thân nghèo khó, không có nổi mảnh đất dựng túp lều nhỏ. Ông lại không muốn ở rể thêm một lần nữa nên đành “chia xa”, mỗi người sống một nơi nhưng tình cảm vẫn không thay đổi.
“Tôi với bà ấy vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau, lúc ở dưới đó lúc tại trên này. Vài năm trở lại đây tôi già yếu không thể đi được, bà ấy tranh thủ rảnh rỗi lên thăm.
Bà ấy cũng biết tôi ở trong khuôn viên khu nhà mồ của dòng họ. Vì thế bà ấy hiểu và thông cảm vì sao tôi không dám ngỏ lời đưa về đây sinh sống”, người đàn ông nói.
2 con trai của ông Hiệp đã trưởng thành, có gia đình riêng từ lâu. Họ làm công nhân ở vùng bên cạnh, cuộc sống nghèo khó nên ông không muốn làm phiền ai cả. Ông chỉ cần họ thi thoảng ghé tới thăm nom xem cha còn khỏe hay không? Song vì mưu sinh, họ chẳng thể lui tới thường xuyên khiến ông khá buồn lòng.
“Có một thằng hay ghé tôi chơi, mua biếu cái này cái kia. Còn thằng kia ít qua lại lắm. Tôi chẳng biết mình có làm gì sai hoặc có lỗi với nó hay không?
Nhiều người hỏi tôi vì sao không sống dưới đó cho gần con gần cái. Tôi chỉ im lặng vì chẳng biết giải thích sao. Tôi ở dưới đó là ở rể, nhờ bên vợ cả. Tôi từng có ý định về đó nhưng đi thu gom phế liệu xa xôi.
Sau đó anh em bên nội rủ tôi về đây sinh sống, vừa gần họ hàng vừa thuận tiện cho công việc. Tôi không muốn ở nhờ ai cả nên xin dòng họ cho dựng túp lều ngay phần mộ của tổ tiên”, ông Hiệp tâm sự.
Ông Hiệp chấp nhận cuộc sống hiện tại vì chẳng thể thay đổi được.
Hằng ngày ông Hiệp vừa đi thu mua phế liệu của người dân trong xã, sau đó đem ra chợ gần nhà bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Ông bảo mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn đồng, đủ để mua gạo, mắm muối và ít thịt cá.
Lúc rảnh, ông Hiệp thường hương khói và quét dọn các phần mộ, nhặt cỏ trong khu đất. Ông thấy cuộc sống dù không sung túc nhưng tâm luôn an, nhẹ nhõm. “Tôi giờ già yếu lắm, chân tê cứng đi khó khăn. Bởi vậy tôi đâu có làm lụng được đâu.
Cuộc sống hiện tại dựa vào tình thương của họ hàng và người dân trong ấp. Thi thoảng tôi lại được mọi người cho cái này cái kia hoặc hết gạo lại sang hàng xóm xin vài ống”, người đàn ông chia sẻ.
Về cái huyệt được đào sẵn, ông Hiệp thở dài: “Đứa em tôi xây dựng cho tôi đó! Nó bảo bao giờ tôi chết sẽ làm ở đó, không cần quan tài vì bên trong đã được ốp đá. Nó sợ tôi không có ai lo tang cho nên chuẩn bị trước. Tôi thấy có lý nên đồng ý.
Người ta cũng nói kiêng kỵ chuyện đang sống lại đào sẵn mộ. Tôi thấy bình thường, thậm chí muốn đi nhanh nhanh để đỡ phải cực khổ”.