Ở Sài Gòn có người cha già 63 tuổi, ngày đêm cặm cụi xỏ vòng tay, "gà trống" một mình nuôi con gái suốt 15 năm

Tấn Phước - Ngày 27/09/2024 07:00 AM (GMT+7)

“Gà trống nuôi con" suốt 15 năm, gồng gánh kinh tế, người đàn ông U70 đôi lần muốn buông xuôi, phó mặc số phận. Nhưng nhìn thấy đứa con gái nhỏ đã thiếu vòng tay chăm sóc của mẹ, ông vội quệt nước mắt, cố gắng kiếm tiền để lo cho con một cuộc sống đủ đầy...

15 năm ròng rã “gà trống nuôi con"  

Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Đặng Lệ (Quận Tân Bình), ông Nguyễn Văn Hoàng (63 tuổi) ngồi trước cửa nhà, loay hoay chuẩn bị nguyên liệu xâu vòng tay để kịp tiến độ. Chốc chốc, ông lại nhìn ra cửa ngóng con gái đi giao hàng về.

Tổ ấm nhỏ từng hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười nay chỉ còn 2 cha con. Khi con gái vừa lên 2 tuổi - thời điểm nói chuyện còn chưa tròn vành, rõ chữ thì vợ đã bỏ đi do bất hoà trong hôn nhân. “Sau đám cưới, gia đình tôi con cái đông đủ, vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng vì tôi và vợ có nhiều điều chưa hiểu ý nhau, bất đồng ý kiến nên chuyện hôn nhân đành tan vỡ. Từ đó, tôi sống mình ên nuôi con gái" - ông Hoàng tâm sự về khoảng thời gian khó khăn của đời mình.

Ông Hoàng chấp nhận cảnh “gà trống nuôi con sau cuộc hôn nhân rạn nứt. Ông làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để có tiền nuôi con ăn học.

Ông Hoàng chấp nhận cảnh “gà trống nuôi con" sau cuộc hôn nhân rạn nứt. Ông làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để có tiền nuôi con ăn học. 

Trước đây, gia đình ông sống bằng nghề kinh doanh phụ liệu thời trang. Mỗi tháng nhập cả tấn hàng hoá từ các loại vải may mặc, phụ liệu trang trí như hạt cườm, kim sa, hoa vải đến dây đai, ren chỉ… Ông chuyên bỏ sỉ cho các tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh (Quận 5). 

Thế nhưng, do thất bại trong kinh doanh, nhiều biến cố gia đình liên tiếp xảy ra khiến ông từ một người giàu kếch xù có tiếng ở khu chợ Tân Bình trở nên trắng tay. Từ đó, hai cha con phải thuê trọ, hàng hoá tồn kho chất cao như núi. Ông và con gái phải sống trong căn phòng chật hẹp. Mỗi khi bước đến nơi sinh hoạt, hai cha con đều phải khép nép, cúi thấp người để có thể chui lọt qua cánh cửa. 

Hiện tại, công việc chính của ông là xỏ vòng tay, làm dây chuyền, trang sức để trang trải cuộc sống. Tưởng chừng công việc này chỉ thích hợp cho phụ nữ nhưng đối với người cha U70 này, công việc lại rất dễ dàng nhờ đôi tay khéo léo, tỉ mỉ. “Năm ngoái, tôi nghiền ngẫm, lọ mọ xem lại mớ hàng hoá cũ, tôi phát hiện ra nhiều phụ liệu vẫn còn có thể sử dụng như hạt cườm, dây kẽm, kim sa… Từ đó, tôi tự suy nghĩ, thiết kế ra những mẫu vòng tay để buôn bán" - ông Hoàng tiết lộ chuyện chế tạo trang sức thủ công này không học hỏi từ bất kỳ ai, tự mình lên ý tưởng.

Vài tháng trước, ông lang thang khắp nẻo đường ở Sài Gòn hoặc ra những địa điểm đông người qua lại như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành để bày bán sản phẩm của mình. “Những du khách ngoại quốc và giới trẻ rất yêu thích thiết kế của tôi, vì tất cả làm bằng thủ công. Người ta khen ngợi rất nhiều, từ đó tôi có động lực để làm nhiều mẫu mã, đa dạng về chất liệu, kích cỡ hơn" - ông Hoàng bộc bạch.

Đôi tay cằn cỗi của ông Hoàng, ngày ngày tỉ mỉ xỏ từng hạt cườm, hạt ngọc trai hay những loại phụ liệu đa sắc màu để tạo nên món trang sức mà kể cả nữ và nam đều yêu thích.

Đôi tay cằn cỗi của ông Hoàng, ngày ngày tỉ mỉ xỏ từng hạt cườm, hạt ngọc trai hay những loại phụ liệu đa sắc màu để tạo nên món trang sức mà kể cả nữ và nam đều yêu thích.

Gần đây, do kinh tế khó khăn nên cuộc sống của ông và con gái bấp bênh hơn gấp bội. Thời tiết thay đổi khiến sức khoẻ ông cũng dần yếu đi, không thể di chuyển nhiều như trước, hai cha con bắt đầu tập kinh doanh trên mạng xã hội, nếu khách hàng muốn xem trực tiếp có thể đến phòng trọ để tận tay lựa mẫu. 

Nước mắt của cha vì “lực bất tòng tâm"

Ông Hoàng cho biết đôi lúc khó khăn đã nghĩ đến chuyện buông xuôi nhưng trong lòng luôn đau đáu về hình ảnh con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Từ đó, ông lại tiếp tục làm lụng, bất kể thời gian. Có ngày, người cha với mái tóc bạc màu thức đến sáng để làm việc, vừa làm, vừa ngủ gật. Thỉnh thoảng, ông đam mê xỏ hạt cườm đến mức quên cả việc ăn uống khiến sức khoẻ ảnh hưởng ít nhiều. 

“Cứ mỗi khi tôi đói là chân tay bủn rủn, huyết áp hạ thấp. Trước đó, có lúc tôi đang đi trên đường và ngất xỉu. Được người dân gần đó cứu giúp, đưa vào lề đường nếu không tôi cũng chẳng biết làm sao. Còn việc đi khám bệnh là điều xa xỉ, vì tiền ăn uống bây giờ còn không có…” - ông Hoàng nghẹn ngào.

Để đủ cơm ngày ba bữa, ông Hoàng phải ngồi liên tục từ sáng đến tối, mỗi ngày hoàn thiện từ 40 - 50 chiếc vòng, thu nhập khoảng 200,000 đồng/ngày. Ông Hoàng rầu rĩ: “Mấy nay không bán được chiếc vòng nào, lâu lâu thì có khách hẹn qua nhà xem mẫu nhưng trời mưa to nên họ cũng ngại đến".

Những ngày ế ẩm như thế, hai cha con ông Hoàng chỉ ăn mì gói sống tạm qua ngày. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng chỉ cần ông nhìn thấy con gái ở bên cạnh luôn khoẻ mạnh mọi muộn phiền đều tan biến. 

Ngôi trong căn phòng nhỏ, Nguyễn Thị Hoàng Lan (16 tuổi) - con gái của ông Hoàng ngại ngùng khi nói chuyện với người lạ. Ông Hoàng bộc bạch: “Trong mắt tôi, con luôn giỏi giang, chăm học và chịu khó. Nhờ con bé đăng ảnh lên mạng mà có khách kiếm mua. Thế nhưng, năm nay vì gia đình quá khó khăn tiền ăn mỗi ngày còn phụ thuộc vào tình hình buôn bán nên đành cho con nghỉ học, tôi cũng đau lòng lắm nhưng thực chất gia đình cũng không còn cách để xoay xở...".

Vừa nói dứt lời, ông Hoàng rơi nước mắt. Có lẽ ước mơ được nhìn thấy con gái cầm tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 và cả giấc mơ trong màu áo cử nhân đại học đã quá xa vời với ông, khi mà tuổi già sức yếu, ông Hoàng chẳng biết cách nào để gồng gánh cơm áo gạo tiền.

Từ ngày thất bại trong kinh doanh, ông ôm hết đống hàng tồn kho về căn trọ vỏn vẹn 15m2. Hai cha con cứ nằm sát bên món đồ ấy mà sinh hoạt suốt 8 năm trời.

Từ ngày thất bại trong kinh doanh, ông ôm hết đống hàng tồn kho về căn trọ vỏn vẹn 15m2. Hai cha con cứ nằm sát bên món đồ ấy mà sinh hoạt suốt 8 năm trời. 

Giờ đây, giữa muôn vàn khó khăn đang bủa vây cuộc sống của hai cha con thì niềm vui lớn nhất của ông là được làm việc, có sức khoẻ để xỏ hạt cườm, làm trang sức. Một điều khiến ông tự hào nhất trong đời là có cô con gái hiểu chuyện. Sau khi nghỉ học, con gái ông Hoàng chủ động tìm công việc gần nhà, đến chiều tối về lại phụ cha đóng gói sản phẩm và giao cho khách. 

Khi được hỏi về ước mơ hiện tại, ông Hoàng nghẹn lời: “Chỉ có sức khoẻ thì tôi mới tiếp tục làm vòng, dây chuyền để kinh doanh. Tôi biết khi một mặt hàng được bán ra, gia đình tôi sẽ kéo dài sự sống, có thêm một bữa ăn ngon. Tôi chỉ sợ khi lớn tuổi, mắt kém, tay run chẳng thể làm được nữa…”.

Có lẽ, đối với ông cuộc sống chỉ thật sự hạnh phúc khi còn có thể lao động, tạo ra thu nhập để nuôi sống gia đình. Còn về phần con gái, ông chỉ mong khi có đủ kinh phí trang trải cuộc sống, sẽ để con gái tiếp tục đến trường, thực hiện ước mơ của riêng mình.

Ông tiên ở Sài Gòn 20 năm dùng tiền tiết kiệm để sửa xe miễn phí, sẵn sàng lo hậu sự cho người lạ
Mỗi ngày, người đàn ông U70 với làn da rám nắng ngồi trước con hẻm nhỏ, cứ thấy người đi đường gặp nạn, ông chạy ra giúp đỡ. Hay có người vừa qua đời...

Sài Gòn tử tế

Theo Tấn Phước
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động