Gặp người đàn ông kỳ lạ đang lúc thập tử nhất sinh lại rút ra giấy hiến tạng

Ngày 01/08/2019 00:08 AM (GMT+7)

Giây phút cứ ngỡ là cuối cùng của cuộc đời, người đàn ông rút vội trong túi áo tờ giấy đăng kí hiến tạng ngày xưa và giục mọi người nhanh chóng đưa mình đến bệnh viện.

“Khát khao trả nợ đời”

Hiện đang công tác trong lĩnh vực xây dựng, lại là một võ sư, khối lượng công việc nhiều, có khi mỗi ngày chỉ ngủ được 2 tiếng, nhưng dường như không hoạt động từ thiện nào mà ông Nguyễn Đăng Hoàng (ngụ TP.HCM) vắng mặt. 65 tuổi, ông cho biết hơn một phần hai quãng thời gian có mặt trên cuộc đời, ông đã dành để làm từ thiện.

“Tôi nhớ ngày còn bé, mẹ vẫn thường dẫn tôi vào các bệnh viện để thăm người thân. Hình ảnh những bệnh nhân chằng chịt dây truyền đang quằn quại với cơn đau thật sự làm tôi ám ảnh. Có những người bước vào bệnh viện Ung bướu là như đã đeo sẵn một bên vai án tử. Nhìn họ, rồi nhìn lại mình, thật sự tôi biết bản thân đã may mắn biết bao nhiêu”, ông Hoàng bộc bạch.

Gặp người đàn ông kỳ lạ đang lúc thập tử nhất sinh lại rút ra giấy hiến tạng - 1

Tỉnh dậy sau cơn thập tử nhất sinh, ông càng ra sức để làm từ thiện.

6 năm trước, ông Hoàng là một trong số những người đầu tiên tại TP.HCM đăng kí hiến tạng. Biết chuyện, tận mắt thấy tấm thẻ trên tay con, mẹ ông khóc liên tục tận 3 tháng trời vì giận. “Mẹ tôi bảo sinh con ra lành lặn đã là một niềm hạnh phúc, cớ gì lúc chết đi lại không vẹn nguyên thân thể. Hiểu lòng mẹ thương con, tôi cố gắng lựa lời thủ thỉ rồi tâm sự, ít lâu sau, mẹ cũng gật đầu. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay dẫn vợ cùng con đến các bệnh viện - nơi có những bệnh nhân đang oằn mình chạy thận, cuộc sống đang được níu giữ một cách mong manh. Tôi hay nói với họ: chết là hết, nhưng những gì mình để lại có thể hồi sinh cho rất nhiều người. Từ đó, vợ và con gái tôi cũng quyết định đăng kí hiến tạng”, người đàn ông với vóc người mảnh khảnh và gương mặt “trẻ hơn tuổi” cười tươi cho biết.

Giọng chùng xuống, ông Hoàng kể về một lần bị ngộ độc khi uống thử nước để kiểm tra giếng khoan. Trong những phút giây ít ỏi tỉnh táo ngắt quãng giữa cơn hôn mê, ông Hoàng chỉ tay vào túi, lấy ra tấm thẻ hiến tạng rồi dặn người thân phải thông báo cho bệnh viện sớm để họ còn lấy tạng kịp lúc ông qua đời.  Không lâu sau đó, người đàn ông được đưa vào bệnh viện để các bác sĩ tiến hành lấy tạng. Điều kì diệu đã xảy ra, ông được cứu sống ngay lúc đã cái chết đã cận kề.

Gặp người đàn ông kỳ lạ đang lúc thập tử nhất sinh lại rút ra giấy hiến tạng - 2

Ông cho biết niềm vui và hạnh phúc của mọi người cũng chính là niềm vui và hạnh phúc của ông.

Tỉnh dậy sau cơn thập tử nhất sinh, ông Hoàng lao mình vào làm từ thiện, có những khi ông bỏ quên cả ăn cơm và ngủ. Ông bảo:“ Mẹ tôi hay bảo mình được sinh ra là đã nợ cuộc đời. Nên bao nhiêu năm nay, tôi đang cố mà trả nợ. Đời này ngắn lắm, hôm nay còn nhưng mai có khi đã vắng mặt. Tôi đang cố chạy đua với thời gian, làm hết tất cả khi thời gian và sức khỏe còn cho phép. Thật sự, tôi sợ chết... vì sẽ không có ai tiếp tục những việc mà tôi làm”.

Sống là cho… chết cũng là cho

Quán cơm chay ở số 186 đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP. HCM của ông Hoàng vốn đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những người bán vé số, người thu gom rác, bảo vệ... Đều đặn mỗi ngày gần 2000 phần cơm do chính tay ông và gia đình nấu đã làm ấm lòng biết bao nhiêu mảnh đời tội nghiệp.

Không kể thì ít ai biết rằng hơn hai tháng trước, trong lúc nấu cơm từ thiện, ông Hoàng bị nồi đồ ăn nóng hầm hập đổ vào người gây bỏng độ 4, thương tích đến 41%. Trước đó không lâu, ông còn trốn viện về nhà rồi cắn răng chịu đau để tham gia chuyến tặng quà cho dân nghèo. Ông bảo thời gian còn lại của đời mình, ông chỉ muốn làm thật nhiều việc thiện.

Ông lặng người kể câu chuyện về một cậu học trò nhỏ ở An Giang quần áo ướt đẫm mỗi lần té cầu khỉ, 4 năm học một lớp vì đường đến trường khó khăn; câu chuyện về những đứa trẻ vùng sâu vùng xa thèm khát cái chữ đến cùng cực nhưng chẳng có trường để học. Chính những điều đó đã thúc giục ông Hoàng vận động kinh phí xây trường, xây cầu cho học sinh nghèo.

33 năm qua, 20 cây cầu nông thôn đã được bắc qua những con sông chảy xiết trên khắp các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, hơn 600 điểm trường đã được mọc lên trên những mảnh đất xa xôi, heo hút của tổ quốc. 33 năm qua, hàng nghìn nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc, những cái nắm tay xiết chặt của bà con nghèo trên khắp mọi miền là niềm vui, là động lực để người đàn ông tuổi đã lục tuần tiếp tục với đam mê làm từ thiện.

Gặp người đàn ông kỳ lạ đang lúc thập tử nhất sinh lại rút ra giấy hiến tạng - 3

Đôi chân ông rảo bước khắp các bệnh viện, mang niềm hi vọng đến cho những bệnh nhân nghèo.

65 tuổi, tuổi đáng ra đã phải về hưu, thế nhưng mỗi ngày ông vẫn tiếp tục duy trì công việc của một kỹ sư xây dựng để có thêm chi phí duy trì những hoạt động thiện nguyện của mình. 65 tuổi, vậy mà mỗi khi có bất kì cuộc gọi nào từ bệnh viện, chẳng ngại ngần, ông Hoàng nhanh chóng lái xe đi.

Ông rơi nước mắt kể về những phận người kém may mắn, những bệnh nhân ung thư vắt kiệt tài chính và hi vọng để chống chọi với bệnh tật, tìm cửa thoát thân khỏi án tử hình, đến chết cũng không thể ra đi trên đất mẹ. “Nhiều người đến khi hấp hối, gia đình không còn một nghìn nào trong túi để thuê xe đưa thi hài về lại quê nhà. Nên tôi cố gắng để dành tiền, mua xe để giúp họ thực hiện ước nguyện là trút hơi thở cuối trong chính căn nhà của mình, nhiều người còn không có tiền mua quan tài, tôi vận động bạn bè, anh em chung tay mà hỗ trợ. Có những chuyến xe đi ngay trong đêm, vượt hàng trăm cây số, nhưng tôi chưa hề chùn chân buổi nào”, ông Hoàng thuật lại.

Đối với người đàn ông đã từng một lần chiến thắng tử thần, niềm vui sống và ý nghĩa thật sự của cuộc đời không nằm ở chỗ chúng ta có được gì mà chính là ta đã cho đi những gì. “Nhìn người ta mừng vui mình thấy hạnh phúc lắm. Tuổi này rồi, tôi chẳng tìm được điều gì an ủi ngoài việc lấy nụ cười của người khác làm niềm vui sống cho mình. Tôi sẽ cho, cho đến khi nào tôi không còn thở nữa. Sống là cho mà chết cũng là cho”, ông mỉm cười cho biết.

Cụ bà 80 tuổi vót tàu cau mỏi mòn kiếm tiền chữa bệnh, lay lắt bên con gái tật nguyền
Trong cái nắng chiều chạng vạng, hình ảnh cụ bà 80 tuổi ngồi cặm cụi vót từng tàu cau kiếm tiền chữa bệnh không khỏi khiến người khác chạnh lòng.
YẾN NHI
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động