Bình Trị bật khóc nức nở:“Đêm nào con cũng nằm mơ thấy mẹ. Mẹ kêu đau mà con chẳng có cách nào giúp cả".
Ở vùng núi xa xôi của Ninh Thuận, có hai anh em mồ côi cha mẹ được hàng xóm nhận nuôi đã chạm đến trái tim của bao người. “Hai đứa trẻ còn nhỏ xíu, mẹ bệnh chết – bố bỏ đi, thế là thành trẻ mồ côi không nương tựa. Một người hàng xóm đã cưu mang, nuôi dưỡng hai đứa với hi vọng chúng lớn khôn trở thành người có ích cho xã hội. Hiện tại, hai đứa trẻ vẫn được đến trường.
Ở đây, người đồng bào nghèo khó nên việc nhận chăm sóc hai đứa trẻ là điều không tưởng. Vậy mà vợ chồng anh ấy làm được, thật ngưỡng mộ”, một người dân cho hay.
Sau đó người này chỉ đến nơi ở của hai đứa trẻ mồ côi! Căn nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu, đề rõ “Nhà tình nghĩa”, bên trong chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc tivi màu cũ… Thậm chí bàn thờ hay di ảnh của người mẹ cũng không có.
“Theo phong tục của người đồng bào trên này, người chết sau khi làm ma chay xong sẽ không được cúng trong nhà. Chúng tôi còn có tục lệ vợ chết, chồng không nhất thiết phải ở lại căn nhà đó để chăm sóc các con, có nghĩa chồng có thể bỏ đi. Vì thế hai đứa trẻ mới bơ vơ như vậy”, anh Hùng (54 tuổi) – người nhận nuôi hai đứa trẻ cho hay.
Anh Hùng (54 tuổi) – người nhận nuôi hai đứa trẻ.
Anh Hùng vốn là hàng xóm, không có bất cứ mối quan hệ họ hàng nào với hai đứa trẻ nhưng sẵn sàng nhận nuôi và chăm sóc. Anh sở dĩ làm vậy bởi thấy các bé rất tội, mẹ đã mất mà cha cũng chẳng vấn vương.
“Tôi thấy hai đứa tội quá, không ai nuôi hay chăm bẵm cả. Tôi sợ chúng sẽ trở thành trẻ mồ côi, sống lang thang rồi trộm cướp… Vì thế tôi bàn với bà xã rước chúng về nuôi dù cuộc sống của vợ chồng tôi không hề khấm khá.
Tôi cũng không mong lợi lộc gì từ chúng nó cả. Tôi nói với người ta rằng nếu sau này chúng lớn lên có biết ơn hay không, có “uống nước nhớ nguồn” hay không thì tuỳ. Tôi sẽ không dằn trách hay kể về công nuôi dưỡng cả. Tôi chỉ hi vọng chúng khoẻ mạnh, trưởng thành thành người tốt”, người đàn ông Ninh Thuận tâm sự.
Nói xong, anh Hùng tiếp tục đánh lửa để nấu nồi cơm cho kịp bữa trưa. Anh bảo hai đứa trẻ hiện đi học, trưa sẽ về ăn cơm cùng anh. Và bữa cơm hằng ngày rất đơn sơ, chỉ có rau muống luộc hoặc cá khô, nước tương. Dẫu vậy hai đứa trẻ vẫn ăn một cách ngon lành, thi thoảng lại cười nói với cha nuôi, kể chuyện ở lớp ở trường.
“Tôi nuôi chúng nó ngày 3 bữa cơm thôi. Vợ chồng tôi có một đứa con gái mà nó lấy chồng dân tộc Kinh, phải về nhà chồng làm dâu. Do đó nhận nuôi chúng cũng thấy vui và đỡ nhớ thương con hơn. Giờ vợ chồng tôi coi chúng như con cháu ruột thịt trong nhà, quan tâm và chỉ dạy như con mình ấy”, anh Hùng nói.
Nồi cơm vừa sôi, hai đứa trẻ đi học về thấy nhà có khách nên ngoan ngoãn cúi đầu chào. Sau đó chúng tự giới thiệu về mình: “Con tên Bình Trị (11 tuổi), năm nay học lớp 6. Con đây là em gái con tên Ngọc Tuyết (6 tuổi), học lớp 1. Chúng con vừa tan học liền đi bộ về nhà ăn cơm trưa với chú. Lát anh em con lại đến trường tiếp”.
Hai anh em Bình Trị và Ngọc Tuyết.
Bình Trị cho biết, trường học cách xa nhà nên hai anh em phải đi học từ rất sớm bằng đường bộ. Thi thoảng chúng đi nhờ xe đạp của các bạn trong lớp thì đường về nhà ngắn hơn, có thể phụ anh Hùng làm việc lặt vặt như thả bò, hái rau rừng.
“Con bò và nhà là tài sản mà mẹ để lại cho chúng con. Mẹ con bị bệnh rồi qua đời. Cha con cũng bỏ đi luôn từ ngày làm xong tuần đầu cho mẹ. Cha chẳng dặn dò gì cả, cứ thế mà đi. Chúng con không đi tìm vì theo tập tục ở đây cha được quyền làm như thế. Lần trước cha có về thăm tụi con một lần rồi đi biền biệt. Con đã quen với cảnh này nên luôn tự nhận là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ”, bé trai 11 tuổi rưng rưng.
Nhắc đến chuyện ai sẽ là người chăn bò, Bình Trị cho biết sáng dậy từ sớm dắt bò lên rừng, sau đó cột ở đó rồi về đi học. Trưa em tranh thủ ăn uống xong sẽ lên lại dắt về nhà. “Người ta có hỏi mua nhưng con không đồng ý bán. Đó là món quà mà mẹ để lại cho hai anh em con. Con muốn nuôi nó đến lúc lớn, còn lo việc học tập cho chúng con. Hơn cả mỗi lần nhìn nó, con cảm giác giống như mẹ vẫn còn ở bên chúng con”, cậu bé 11 tuổi tâm sự.
Khi được hỏi: “Có nhớ mẹ không”, cả hai anh em đều đồng thanh: “Có”. Sau đó, Bình Trị bật khóc nức nở: “Đêm nào con cũng nằm mơ thấy mẹ. Mẹ kêu đau mà con chẳng có cách nào giúp cả. Nếu được gặp lại mẹ, con sẽ nói "Mẹ ơi! Đừng bỏ con"”.