Sau khi cắt toàn bộ liên lạc, máy bay MH370 đột ngột chuyển hướng một cách khó hiểu, cố tình bay sát mặt đất để né radar và cuối cùng rơi xuống Ấn Độ Dương, một trong những vùng biển khắc nghiệt nhất của Trái đất.
Ngày 8/3, chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 rời sân bay quốc tế Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, Trung Quốc cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Sau khi máy bay vừa bay qua bờ biển phía đông của Malaysia, thiết bị liên lạc ACARS trên máy bay đột nhiên ngừng hoạt động vào lúc 1h07. Gần 15 phút sau, đến lượt thiết bị phát đáp tối quan trọng của MH370 bị người nào đó “cố tình tắt đi”, khiến MH370 hoàn toàn “biến mất” trên radar của đài kiểm soát không lưu Malaysia.
Hình ảnh cuối cùng của cơ trưởng và cơ phó MH370 trước khi lên máy bay
Vài phút sau, cơ phó Fariq Hamid lần cuối cùng liên lạc qua sóng vô tuyến với đài kiểm soát không lưu nhưng không hề đề cập gì đến điều bất thường trên máy bay. Câu nói cuối cùng của anh này với đài kiểm soát không lưu là “Thế nhé, chúc ngủ ngon” khi máy bay được lệnh chuyển tần số sang khu vực kiểm soát không lưu của Việt Nam.
Thế nhưng hành động chuyển tần số đó đã không bao giờ diễn ra. MH370 bất ngờ chuyển hướng gấp về phía tây và bay qua bán đảo Malaysia. Sau khi MH370 chuyển hướng, tín hiệu do radar quân sự Malaysia thu được cho thấy có những lúc máy bay đã vọt lên độ cao 10.700 mét, cao hơn trần bay khuyến nghị của Boeing. Sau đó, MH370 đột ngột hạ xuống độ cao 6.000 mét, và có những lúc bay sát sạt mặt đất cách 1.500 mét như để né tránh sự phát hiện của radar.
Thực tế này khiến nhiều người đặt ra giả thiết rằng MH370 có thể đã gặp một sự cố nào đó khiến phi công không kịp báo cáo về đài kiểm soát không lưu mà chỉ tìm cách cho máy bay hạ cánh xuống sân bay gần nhất.
Tuy nhiên giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ vì các chuyên gia hàng không cho biết thời gian để một chiếc Boeing 777 có thể chuyển hướng gấp như vậy là 2 phút, quá đủ để phi công có thể báo cáo tình hình hoặc phát tín hiệu cầu cứu với mặt đất.
Đến sáng ngày 8/3, Malaysia Airlines chính thức tuyên bố MH370 mất tích trên vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, khởi đầu cho một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn trên vịnh Thái Lan với sự tham gia của hơn 10 quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Không quân Việt Nam tham gia tìm kiếm MH370
Những lo ngại về nguy cơ khủng bố cũng đã được đặt ra sau khi có thông tin 2 hành khách Iran đã lên máy bay bằng hộ chiếu giả. Tuy nhiên việc điều tra nhân thân của hành khách MH370 đã bác bỏ quan ngại này, vì những người sử dụng hộ chiếu giả không có bất cứ mối liên quan nào với các tổ chức khủng bố.
Vài ngày sau, không quân Malaysia công bố dữ liệu do radar quân sự nước này thu được cho thấy MH370 đã bay qua bán đảo Malaysia và tiến thẳng về vùng eo biển Malacca. Tuy nhiên, không có lệnh báo động nào được phát ra, và không một chiến đấu cơ nào của không quân Malaysia được điều lên để ngăn chặn máy bay. Vài phút sau, máy bay vượt qua tầm phủ sóng của radar quân sự Malaysia và lại “biến mất” một lần nữa.
MH370 đã chuyển hướng đột ngột và bay về phía tây, qua bán đảo Malaysia
Sau khi có thông tin này, Malaysia đã chuyển khu vực tìm kiếm sang vùng biển phía tây và eo biển Malacca, đồng thời mở rộng ra phía vịnh Bengal và biển Andaman. Việt Nam chính thức ngừng tìm kiếm MH370 trên Biển Đông.
Cuộc tìm kiếm tưởng chừng như rơi vào bế tắc thì lại có thông tin mới xuất hiện. Những tín hiệu “ping” phát ra từ động cơ của chiếc Boeing 777 này gửi lên vệ tinh Inmarsat cho thấy máy bay MH370 đã tiếp tục bay thêm ít nhất 5 giờ đồng hồ nữa kể từ khi nó chuyển hướng. Dựa vào tín hiệu cuối cùng mà máy bay gửi lên vệ tinh, Inmarsat xác định được rằng MH370 chỉ có thể bay dọc theo 2 hành lang, một ở phía bắc từ Lào tới Trung Quốc, Kazhakstan, và hành lang phía nam trải dài xuống Ấn Độ Dương, ngoài khơi nước Úc.
Hai hành lang bắc nam của MH370 do vệ tinh xác định
Đây cũng là thời gian xuất hiện rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến máy bay MH370 mất tích. Một số chuyên gia hàng không cho rằng MH370 có thể đã bị không tặc, và tên không tặc đã khôn ngoan áp dụng chiến thuật “núp bóng” náu mình sau máy bay khác để bay lên phía bắc mà không bị radar của nước nào phát hiện.
Một giả thuyết khác được đặt ra là cơ trưởng của MH370 đã tìm cách lái máy bay xuống vùng biển sâu nhất, xa nhất của Ấn Độ Dương để tự sát nhằm phản đối việc chính phủ Malaysia bỏ tù một thủ lĩnh đảng đối lập, đồng thời là một người họ hàng xa của ông.
Cũng có người cho rằng cơ trưởng MH370 đã bắt cóc máy bay và hạ cánh xuống một hòn đảo xa xôi nào đó trên Ấn Độ Dương, bởi người ta phát hiện ra rằng ông này đã từng luyện tập cách hạ cánh trên các địa hình khó khăn với bộ thiết bị giả lập bay tại nhà của mình.
Cơ trưởng MH370 là một nhà hoạt động chính trị nhiệt thành
Sau một thời gian tìm kiếm ở “hành lang phía bắc” không có hiệu quả, Malaysia bắt đầu chuyển hướng tìm kiếm xuống “hành lang phía nam”, và Úc đảm nhận vai trò điều phối chiến dịch tìm kiếm trên Ấn Độ Dương.
Bất kỳ một mảnh vỡ, vết dầu loang hay một vật thể nào bất thường trên biển đều khiến mọi người quan tâm và hi vọng.
Tia sáng cuối đường hầm bắt đầu lóe lên khi cách đây vài ngày, Úc công bố những bức ảnh vệ tinh chụp hai vật thể có kích thước lớn đang trôi nổi trên Ấn Độ Dương. Liên tiếp sau đó, vệ tinh của Trung Quốc và Pháp cũng chụp ảnh được những vật thể tương tự, giúp lực lượng tìm kiếm thu hẹp đáng kể diện tích tìm kiếm. Hàng chục máy bay, tàu thuyền của các nước bắt đầu đổ về vùng biển này, và những vật thể trên biển được phát hiện ngày càng nhiều hơn.
Những mảnh vỡ lớn trên biển do vệ tinh của Úc chụp ảnh được
Tới cuối ngày hôm qua (24/3), Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố những phân tích mới về dữ liệu vệ tinh Inmarsat cho thấy chiếc máy bay MH370 đã đâm xuống Ấn Độ Dương.
Tuyên bố này của ông Najib cũng đã loại trừ khả năng có bất cứ người nào trong số 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay MH370 có thể sống sót giữa vùng biển khắc nghiệt này.
Hành trình bay của MH370 theo tuyên bố của Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Trong hơn 2 tuần qua, thông tin được cả thế giới quan tâm nhất là số phận chiếc máy bay Mlaysia mất tích cùng 239 người. Đã có tất cả 26 quốc gia tham gia tìm kiếm, nhiều vật thể lạ được phát hiện và rất nhiều giả thuyết được đưa ra sau quá trình phân tích các dữ liệu điều tra tuy nhiên tất cả cũng chỉ là những phỏng đoán. Chuyến bay mang số hiệu MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 8/3 (theo giờ Malaysia) để tới Bắc Kinh, mang theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Khi đạt tới độ cao 10.000m, chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar. Sau một tuần nỗ lực tìm kiếm quốc tế trên biển Đông không mang lại hiệu quả, ngày 20/3, phía Malaysia tin rằng máy bay bị ai đó có mặt trong buồng lái chuyển hướng một cách có chủ đích sang bờ biển phía Tây Bắc Malaysia sau khi đã tắt hệ thống liên lạc thông thường. Một chiến dịch tìm kiếm quy mô quốc tế với sự tham gia của 26 nước cùng phương tiện tìm kiếm hiện đại đều được huy động, từ vệ tinh đến thiết bị dò tìm dưới nước; từ tàu phá băng, tàu khu trục đến máy bay tìm kiếm hiện đại nhất đã quần thảo trên biển đông 5 ngày. Có rất nhiều vật thể lạ được tìm kiếm ở khu vực này tuy nhiên các máy bay đã không thể tiếp cận được do thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn. Những diễn biến mới xảy ra cùng ngày các quan chức Australia thông báo rằng họ đã phát hiện hai vật thể ở phía nam Ấn Độ Dương có thể liên quan tới chiếc máy bay. Vào 22 giờ ngày 24/3, khi những vật thể trôi nổi chưa được xác minh, Thủ tướng Malaysia đã mở cuộc họp báo khẩn cấp thông báo chiếc MH370 đã lao xuống biển Ấn Độ Dương, không một ai sống sót. Tuyên bố này đã dập tắt hi vọng về việc có người sống sót sau khi chiếc phi cơ mất tích hôm 8/3. Mời độc giả đoàn đọc toàn bộ thông tin vụ việc Máy bay Malaysia Airlines rơi xuống Ấn Độ Dương trên Tin tức EVA MH370 rơi ở Ấn Độ Dương: Nghi phi công tự sát Chân dung 239 hành khách không trở lại của MH370 |