Vị "tỷ phú 0 đồng" của hàng ngàn bệnh nhân

Ngày 11/08/2019 00:15 AM (GMT+7)

Chính câu chuyện về những đứa trẻ nhà nghèo không có tiền chữa bệnh đã ám ảnh người thạc sĩ trẻ. 10 năm qua, anh đồng hành cùng bệnh nhân nghèo, mang đến hy vọng níu kéo cuộc sống cho biết bao người.

Những ước mơ được viết tiếp

“Ánh mắt vô hồn cạn kiệt cả nước mắt và hy vọng qua cửa kính phòng bệnh nhìn con của người mẹ nghèo hay bàn tay gầy guộc của người chồng nắm lấy tay tôi xin kí nợ để vợ được ghép tạng, hết thảy họ là động lực để chúng tôi làm tốt hơn công việc của mình. Người bệnh còn hy vọng cứu chữa nghĩa là chúng tôi vẫn sẽ còn cố gắng”, Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy tâm niệm.

Hành trình 10 năm của phòng Công tác xã hội (CTXH) cũng là ngần ấy thời gian thạc sĩ Hiển có cơ hội gặp gỡ, thấu hiểu và cảm thông cho những hoàn cảnh bệnh nhân nghèo. Sau khi tốt nghiệp ra trường, chàng sinh viên Lê Minh Hiển về công tác tại khoa Xét nghiệm huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Quá trình tham gia công tác Đoàn từ khi còn trên giảng đường và tại đơn vị cùng vô vàn chuyến đi thực tế, khám bệnh miễn phí tại các vùng quê để lại trong anh những ám ảnh vì cái nghèo và sự cùng cực của người dân nơi đây.

Vị amp;#34;tỷ phú 0 đồngamp;#34; của hàng ngàn bệnh nhân - 1

Thạc sĩ Hiển vui vẻ trò chuyện với bệnh nhân nghèo.

“Hình ảnh về những đứa trẻ nghèo mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh quái ác với ước mơ được đến trường, được học tập, được vui chơi như chúng bạn khiến tôi thật sự xúc động. Đi nhiều nơi, gặp nhiều mảnh đời, lắng nghe và thấu hiểu, tôi nhận ra mình thật sự may mắn hơn rất nhiều người. Từ đó, tôi luôn tâm niệm sẽ giúp những bệnh nhân nghèo của mình có cơ hội chữa bệnh, thoát khỏi án tử để được sống, được viết tiếp những ước mơ của cuộc đời”, anh Hiển nói.

Mục tiêu đó cuối cùng cũng được thực hiện khi năm 2007, Ban giám đốc bệnh viện thành lập Tổ Y xã hội thuộc phòng Kế hoạch Tổng hợp và thạc  sĩ Hiển là 1 trong 3 nhân sự đầu tiên với nhiệm vụ hỗ trợ và giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Một năm sau, bộ phận Y xã hội được tách ra độc lập trực thuộc Ban Giám đốc. Đến năm 2015, Phòng CTXH của Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức được thành lập và có những bước đi đầu tiên.

Vị amp;#34;tỷ phú 0 đồngamp;#34; của hàng ngàn bệnh nhân - 2

Thạc sĩ Hiển tự hào nhận mình là "tỷ phú không đồng"

Kể về hành trình 10 năm của mình, thạc sĩ Hiển tâm sự anh nhớ nhất câu chuyện về bệnh nhân Toàn (quê Bình Định) - niềm hy vọng duy nhất của gia đình bởi hầu hết các anh em khác trong nhà đều chậm phát triển. Thế nhưng niềm hy vọng ấy cũng không trọn vẹn khi Toàn phát hiện mắc bệnh tim giai đoạn nặng.

“Tôi ám ảnh vì cặp mắt buồn bã của cậu thanh niên trẻ, đang ở giai đoạn đẹp nhất của đời mình mà lại mắc trong người căn bệnh nguy kịch. Tuổi trẻ, tương lai và tất cả ước mơ của Toàn vẫn đang còn ở phía trước. Tôi tự nhủ phải làm mọi cách để giúp em. Liên hệ với các mạnh thường quân, trình bày trường hợp của em và xin hỗ trợ, cuối cùng Toàn đã được phẫu thuật về về lại với gia đình.

Mới đây, trong một buổi sáng trở về phòng làm việc sau cuộc họp, tôi thấy một chàng trai cứ thẹn thùng đứng đợi mình trước cửa. Hỏi ra mới biết là cậu thanh niên tên Toàn ngày ấy. Em dẫn vợ sắp cưới đến giới thiệu với tôi. Tôi suýt bật khóc. Không còn hình ảnh của cậu thanh niên gầy nhom ngày ấy mà là một người đàn ông cường tráng, phong độ”, thạc sĩ Hiển thuật lại.

Dừng hồi lâu, vị trưởng phòng nói tiếp: “Những ước mơ đã được viết tiếp, tương lai được nối dài bằng sợi dây vững chắc của nghị lực và cả những niềm tin. Cuộc đời của em được chắp thêm hy vọng bởi sự chung tay của những tấm lòng. Giây phút đó không từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm hạnh phúc của tôi, mọi cảm xúc đều vỡ òa”.

10 năm qua, thạc sĩ Hiển tâm sự chính câu nói của GS.TS Nguyễn Văn Khôi (Phó giám đốc bệnh viện) là kim chỉ nam cho anh trong công tác giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. “Thầy Khôi bảo nếu bệnh nhân bế tắc và kiệt quệ về tài chính nhưng không bế tắc về y khoa thì phòng CTXH sẽ lo liệu, gánh vác. Có những bệnh nhân vì túng quẫn mà bán đi bàn thờ, bán cả nhà để chữa bệnh. Điều đó là không nên vì bàn thờ là nơi thiêng liêng nhất, còn bán nhà chữa bệnh xong thì về đâu?”, vị bác sĩ trẻ nhớ lại.

"Tỉ phú 0 đồng"

Không chỉ vận động hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, 10 năm qua, phòng CTXH còn đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đời sống tinh thần cho bệnh nhân. Chuỗi chương trình “Chủ nhật chia sẻ yêu thương” là một trong những hoạt động như thế.

Chương trình đầu tiên diễn ra vào tháng 3/2017, đến nay phòng đã thực hiện thành công 14 chương trình với những hoạt động cắt tóc, gội đầu, chụp ảnh, văn nghệ và những bữa cơm thân mật ấm áp nghĩa tình. Chương trình đã được lan rộng và được áp dụng thành công tại nhiều bệnh viện lớn ở phía Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên.

Có mặt tại sảnh bệnh viện Chợ Rẫy vào một sáng tháng 7/2018 khi đang diễn ra chương trình Chủ nhật chia sẻ yêu thương, chúng tôi khá xúc động trước hình ảnh thạc sĩ Hiển đứng tần ngần hồi lâu trong góc nhỏ ở sảnh bệnh viện nhìn mãi vào cặp vợ chồng già đang truyền tay nhau tấm ảnh vừa được ban tổ chức chụp xong. Khi được hỏi, anh khẽ mỉm cười: “Nhìn họ, có ai nghĩ đó là bệnh nhân của khoa Điều trị giảm nhẹ đâu. Chỉ cần phút giây nào đó bệnh nhân quên đau, với tôi, đã là hạnh phúc”.

Gặp người đàn ông kỳ lạ đang lúc thập tử nhất sinh lại rút ra giấy hiến tạng
Giây phút cứ ngỡ là cuối cùng của cuộc đời, người đàn ông rút vội trong túi áo tờ giấy đăng kí hiến tạng ngày xưa và giục mọi người nhanh chóng đưa...
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động