Ở đất nước này, vào dịp năm mới, người dân sẽ tổ chức lễ hội đánh nhau có tên gọi Takanakuy. Những người tham gia sẽ dùng cú đấm để giải quyết sự bực tức trong lòng và đón một năm mới không còn thù hằn.
Lễ hội Takanakuy đón năm mới của Peru (ảnh: BBC News)
Theo tờ BBC News, hằng năm, tỉnh Chumbivilcas của Peru sẽ tổ chức lễ hội đón giáng sinh và năm mới vô cùng sôi động và độc đáo có tên là Takanakuy. Takanakuy là sự kết hợp giữa hai từ “takay” (đánh nhau) và “nakuy” (chung).
Tại lễ hội Takanakuy, người dân sẽ tụ tập xung quanh “đấu trường” là một bãi đất rộng hoặc sân vận động, để theo dõi các trận đấm đá quyết liệt.
Tất cả người ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia vào lễ hội này, từ trẻ nhỏ đến người già, phụ nữ và nam giới. Mục đích của việc đánh nhau trong lễ hội Takanakuy là để giải tỏa những bất bình, tức giận tích lũy trong năm cũ, để đón năm mới trong sự vui vẻ, hòa bình.
Những người phụ nữ cũng nhiệt tình tham gia “trận chiến” (ảnh: BBC News)
Các trận đấu đều có trọng tài và có quy định riêng. Chẳng hạn như không được cắn, không được đánh vào vị trí hiểm hay không được tiếp tục tấn công nếu đối phương đã ngã xuống. Mỗi cuộc chiến thường kéo dài 1 – 2 phút và kết thúc bằng một cái bắt tay hoặc ôm giữa các đối thủ. Dĩ nhiên, chuyện bị thương nhẹ, bầm bập, thâm tím là hoàn toàn dễ xảy ra.
Báo điện tử chuyên về lễ hội và ẩm thực – tờ Lacostanerarestaurant cho biết, phong tục đánh nhau đón năm mới không chỉ có ở tỉnh Chumbivilcas, mà còn xuất hiện ở nhiều nơi khác của Peru với quy mô nhỏ hơn. Một số gia đình có thể rủ hàng xóm làm một trận ẩu đả nhỏ, để đón năm mới trong sự vui vẻ, thoải mái.
Ngoài lễ hội Takanakuy, người Peru cũng có nhiều phong tục đón năm mới đặc biệt khác như:
Ăn 12 quả nho: Người Peru quan niệm rằng, mỗi quả nho sẽ tượng trưng cho một tháng trong năm. Vào đêm giao thừa, khi chuông nhà thờ đổ 12 tiếng, mỗi một tiếng chuông vang lên, họ sẽ ăn một trái nho. Có 6 quả nho màu đỏ và 6 quả màu xanh, mỗi quả nho tượng trưng cho một điều ước trong năm mới.
Người Peru sẽ ăn 12 trái nho để cầu may trong năm mới (ảnh: Listverse.com)
Bói khoai tây: Người Peru sẽ đặt ba củ khoai tây dưới ghế hoặc gầm giường. Một củ gọt sạch vỏ, một củ gọt nửa vỏ và một củ chưa gọt vỏ. Vào nửa đêm, họ sẽ thò tay xuống gầm giường và chọn ngẫu nhiên một củ khoai tây, nghiêm cấm chọn lần hai.
Khoai tây gọt vỏ để bói toán trong năm mới của người Peru (ảnh: Listverse.com)
Theo quan niệm của người Peru, đây là cách giúp dự báo tình hình tài chính của gia đình trong năm mới. Khoai gọt hết vỏ thể hiện làm ăn thất bát, một nửa vỏ thể hiện một năm bình thường, và chưa gọt vỏ, thể hiện năm tới sẽ là một năm đầy tiền tài.
Các thầy pháp ở Peru (ảnh: Barcelo.com)
Một số người khác sẽ tìm đến các pháp sư sống ở phía Bắc Peru, để giúp họ xua đuổi những linh hồn ma quỷ, xui xẻo. Họ sẽ khỏa thân và để những thầy pháp phun nước thiêng làm từ hoa cúc lên người.
Mặc đồ lót màu vàng: Người Peru tin rằng, màu vàng là tượng trưng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc. Đồ lót màu vàng sẽ được họ mặc trong đêm giao thừa để cầu may mắn, bất kể phụ nữ hay đàn ông.
Đốt bù nhìn: Người Peru sẽ làm một con bù nhìn có kích cỡ như người thật, rồi đem đốt. Họ tin rằng làm vậy sẽ giúp hóa giải những phiền muộn và xui xẻo trong năm cũ.
Đốt bù nhìn – phong tục nhìn khá “ghê rợn” ở Peru (ảnh: Barcelo.com)
Ném 12 đồng xu: Ngày đầu năm, người Peru sẽ ra đường và ném 12 đồng xu qua vai. Họ tin rằng khi làm vậy, vận rủi về tài chính của năm cũ sẽ không đeo bám. Ngược lại, họ cũng rất vui vẻ nếu nhặt được 12 đồng xu (của người khác) ngoài đường và coi đó như may mắn đầu năm. Vì vậy, ở Peru, khi ra đường vào dịp năm mới, bạn sẽ thấy rất nhiều tiền xu ngoài đường.
Một số người Peru cũng sẽ đặt một đồng xu lớn vào trong giày để cầu may, nếu chịu nổi sự khó chịu.