Từ nguyên liệu là kem bơ, chị Lâm Ngọc Trân (quê ở An Giang) đã tạo hình ra những sản phẩm lạ chưa từng thấy, có thể ăn được nhưng rất đẹp mắt, phối màu y như thật.
Theo đuổi bộ môn làm bánh kem nghệ thuật này từ lâu, chị Lâm Ngọc Trân, quê ở Châu Đốc, An Giang, mỗi tuần đều dành thời gian từ 3-4 buổi lên Sài Gòn mở lớp dạy làm bánh kem nghệ thuật, tạo hình vạn vật từ các nguyên liệu chính là đồ ngọt, thành những sản phẩm sinh động, bắt mắt.
Tô bún mắm tạo hình từ kem bơ
Đĩa hải sản hấp làm từ kem bơ trông rất hấp dẫn
"Từ kem bơ, tùy vào trải nghiệm của người thợ, mình sẽ có cách để sáng tạo để làm nên những sản phẩm mang dấu ấn riêng. Chẳng hạn quê mình ở miền Tây, vùng Châu Đốc, An Giang nổi tiếng với món bún cá. Mình sẽ tạo hình thành bánh kem nhìn như tô bún cá y thật nhưng ăn lại ngọt và thơm, hay bún mắm, các loại món ăn đặc sản của Việt Nam đều có thể làm được", chị Trân chia sẻ.
Mâm cơm ngày Tết của người miền Nam
Món tôm khô củ kiệu, chả trứng bách hoa
Chị Trân cầm đĩa mì hoành thánh thập cẩm làm từ kem bơ
Trung bình thời gian để tạo hình các mẫu mới khoảng 6-8 tiếng, có khi mất hơn nửa ngày tùy vào độ khó của chi tiết, chính vì thế khi mở lớp dạy học viên, chị Trân sẽ dạy cách làm những mẫu bánh thông thường trước để đảm bảo họ có thể kiếm tiền và kinh doanh được bằng nghề của mình. “Còn sự sáng tạo, cái này phải tùy năng lực và đam mê mỗi người”, chị nói.
Khác với những loại kem làm bánh thông thường, theo chị Trân, để có thể tạo hình đồ vật nhìn như "đồ thật", an toàn ăn được, chị dùng loại kem bơ và một số loại đường đặc biệt khác. Sau khi có nguyên liệu chính là kem bơ, chị sẽ dùng tay tạo hình, lên khuôn, tìm cách phối màu thật hài hòa để làm sao sản phẩm làm ra giống y như đồ vật thật bằng nhựa.
Những bình hoa “ăn được” trưng bày trong lớp học của chị Trân
Chia sẻ cơ duyên đến với loại hình này, chị cho biết mình học được từ người thầy bên Canada. Vào 6 năm trước, loại hình nghệ thuật này vẫn đi theo kiểu truyền thống Việt Nam, chỉ tạo hình những bông hoa bình thường. Vô tình chị Trân được thầy hướng dẫn chỉ ra nhiều chất liệu kem để chuyển đổi, làm đa dạng hơn các sản phẩm và hình thù, trong đó có nguyên liệu là kem bơ. Từ đó, chị mới bắt đầu nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật tạo hình bánh kem này.
Các học viên sẽ theo học những lớp căn bản đầu tiên để biết cách nặn kem, tạo hình cánh hoa đơn giản nhất
Theo chị, bộ môn này khó nhất là độ xử lý nhiệt. “Đa phần mọi người rất sợ tình trạng khi bánh mang ra bên ngoài sẽ chảy hết. Tuy nhiên mình thích dùng kem bơ vì nó là chất béo tốt cho sức khỏe, khác với những loại kem khác. Kem bơ chiết xuất từ động vật nên nó là nguyên liệu tốt, nhưng khó khăn nhất vẫn là khi đem về Việt Nam rất khó chịu đựng được nhiệt độ ngoài trời, nên mình phải dùng kỹ thuật đánh kem đảm bảo bánh làm ra phải đẹp, ngon, tốt cho sức khỏe vì không dùng bất cứ chất bảo quản gì”, chị chia sẻ.
Ngoài ra, để sản phẩm của mình đậm nét truyền thống Việt Nam, chị còn dùng bột gạo để nặn, tạo hình thành nhiều đồ vật, tìm cách hài hòa màu sắc để mỗi thành phẩm đều có nét riêng của người thợ.
Đa dạng các loại hoa được nặn từ kem bơ, phối màu y như thật
Chị Trân cho biết thêm, đa phần hoa trang trí người ta thường sử dụng đồ nhựa hoặc hoa vải… xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó người Việt Nam vẫn có tâm lý dùng đồ Việt, chị đặt ra câu hỏi tại sao chất liệu gạo của mình tốt như vậy nhưng mình không ứng dụng, trang trí. Với đôi bàn tay của người Việt Nam thì mình tạo hình đẹp, người ta vẫn ưa chuộng…
Mỗi sản phẩm như bình hoa nghệ thuật, tô bún mắm, bún cá, các loại hoa quả làm từ đường đều có thể ăn được và bảo quản ở nhiệt độ bình thường khoảng 6 tháng đến 1 năm. Từng chi tiết như nụ hoa, bình gốm, các loại quả đều là quá trình chị tự tưởng tượng, phỏng lại từ đồ thật và tạo hình thành công.