Trái bần và các sản phẩm làm từ trái bần trở thành đặc sản nổi tiếng bán đi khắp các tỉnh thành, thậm chí còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Ở miền Tây có câu ca dao "Muốn ăn mắm sặc bần chua/Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm". Mùa nước nổi nơi đây không chỉ có nguồn tôm cá trù phú mà còn bội thu các loại trái cây, trong đó phải kể tới trái bần. Với vị chua đặc trưng, trái bần được người dân miền Tây ví như "lộc trời", dùng làm gia vị cho nhiều món ăn bình dị nuôi lớn tuổi thơ bao người, dù có ngược xuôi xa xứ cũng chẳng thể nào quên.
Nghe tên không sang, thấy bần, thấy nghèo nhưng trái bần là niềm tự hào của miền sông nước, là thứ đặc sản không phải nơi nào cũng có. Trái bần còn có tên gọi khác là thuỷ liễu, tên khoa học là Sonneratia caseolaris, được tìm thấy nhiều trong các bãi bùn thủy triều nhiệt đới trải dài từ châu Phi đến Indonesia.
Về hình dạng, trái bần có hình tròn, hơi dẹt và có vị chua. Đuôi trái bần nhọn và phần cuống chỉa ra như các cánh ngôi sao. Khi còn non, quả có màu xanh lá cây, nhưng khi chín sẽ chuyển sang màu vàng nhẹ, thoang thoảng mùi thơm. Người dân miền Tây cho biết không biết bần đã có mặt từ bao đời và tại sao lại được đặt cho cái tên "thô kệch" như thế.
Chị Hoài (ở Long An) chia sẻ, bần xanh có vị chua và hơi chát, lúc chín tới thì vừa chua, vừa thơm, ngọt. Người miền Tây thường tận dụng cả hoa và trái bần để chế biến thành những món ăn dân dã như nấu canh chua, cá kho bần, chấm mắm, lẩu bần, gỏi bông bần, mứt bần...
Bần có 2 loại:
Trái bần chua: Hình dạng trái to tròn, nhìn mọng và có vị chua kèm với độ giòn cứng, thường dùng để nấu canh chua. Chúng mọc dại ở ven sông, rừng ngập mặn, nơi có nhiều bùn và bãi bồi.
Trái bần ổi: Hình dạng bên ngoài giống trái ổi, vị ngọt hơn so với bần chua và có hương thơm nhẹ. Chúng được trồng ở trong vườn nhà, thường để ăn trực tiếp kèm với mắm cá hoặc chấm muối ớt.
"Cứ đến mùa nước nổi, trái bần nhiều vô kể. Cứ lúc nào buồn miệng tôi lại chạy ra cây lấy trái bần chấm muối ớt ăn tại chỗ, hoặc mang về chấm mắm ruốc, hoặc mắm cá linh. Vị chua chát và bùi của trái bần giòn hòa lẫn với mắm cá mặn mặn ngon vô cùng.
Hồi còn nghèo khó, các bà các mẹ hái trái bần đem kho với các loại cá hủn hỉn là có có bữa cơm đủ đầy", chị Hoài chia sẻ.
Từ thứ quả dân dã ở quê, ngày nay trái bần lên đời thành đặc sản nổi tiếng ở thành phố. Bần và các sản phẩm từ trái bần được bán ở chợ mạng, các sàn thương mại điện tử. Thậm chí bần còn được xuất khẩu sang nhiều nước Canada, Đức, Úc...
Trên thị trường, trái bần tươi được bán với giá 50.000 đồng/kg, còn trái bần khô giá 180.000 đồng/kg. Ngoài ra, người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn làm ra nhiều món đặc sản từ trái bần, ví dụ như cốt bần, bột bần, mứt bần, rượu bần.
Ngoài việc chế biến thành thực phẩm, cây bần được cho là rất hữu ích trong đông y. Trái bần chua được sử dụng làm thuốc đắp vào chỗ viêm tấy vì bong gân. Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch trái lên men làm thuốc ngăn chặn chứng xuất huyết.