Đây là một đặc sản vô cùng nổi tiếng ở vùng núi Cấm (An Giang), không phải ai có tiền cũng mua được.
Núi Cấm nằm trong vùng Thất Sơn tại An Giang và là ngọn núi cao nhất miền Tây Nam Bộ với độ cao 716m. Đến đây, ngoài được tham quan và chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, du khách gần xa còn có cơ hội được thưởng thức nhiều món đặc sản chỉ có ở nơi này. Trong đó phải kể tới cua núi Cấm, một đặc sản hiếm mà nơi khác không có.
Theo tìm hiểu, cua núi Cấm có kích thước tương đương cua đồng nhưng càng cái to hơn, yếm cua màu tím và đỏ trông rất bắt mắt và dễ phân biệt. Nhiều người khen thịt cua núi ngon đáo để, vừa ngọt thơm vừa béo, nhất là phần yếm cua, chắc thịt, giòn và mềm, mùi vị đặc trưng.
Người dân địa phương cho biết không chỉ ngon và hiếm, cua núi Cấm còn bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ. Sống ở các hang trên núi, cua ăn trùn và các loại lá cây có vị thuốc nên thịt của chúng cũng thơm mùi thảo dược.
Anh Hưng (ở huyện Tịnh biên, tỉnh An Giang) cho biết cua núi cấm hung dữ, rất khoẻ, sống được dưới các hốc đá, khe đá gần các con suối. Càng lên cao, cua càng có kích thước lớn.
"Trước đây người ta thường chờ lúc trời mưa hoặc vào ban đêm, cua núi bò ra khỏi hang rồi dùng tay để chụp. Nhưng hiện nay cách bắt cua này không còn hiệu quả bởi hiện cua núi không nhiều như xưa, chúng rất tinh ranh, chạy nhanh. Hơn nữa, việc đi lại trên núi rất vất vả, không được thuận lợi như ở ngoài ruộng lúa hay trong ao nước", anh Hưng nói.
Anh Hưng tiết lộ, hiện nay để bắt được cua núi Cấm người ta câu bằng dây thun. Mồi câu của các con cua là những cọng dây thun buộc thành chùm ngay đầu cần trúc có chiều dài khoảng 1,5 m. Buộc dây thun thành chùm ở đầu cây trúc, sau đó đưa phần đầu cây trúc có dây thun nhấp trước hang, cua thấy chùm dây thun tưởng con mồi sẽ dùng càng kẹp vào, không nhả. Cái khó nhất của cách này là phải làm sao quấn dây chun có hình dạng giống con mồi thì cua mới cắn.
"Khi gặp một hốc đá nhỏ, người đi săn sẽ cho đầu cần câu có gắn dây thun vào trước miệng hốc đá nhấp nhấp vài lần. Nếu hốc đá có cua ở, chúng sẽ phản ứng lập tức, bởi tưởng đó là con mồi. Khi bị văng ra khỏi hang, cua núi khá hung dữ. Nếu vội vàng chụp lấy sẽ bị kẹp rất đau. Theo các cần thủ, cua núi kẹp đau hơn cua đồng, nên người câu cần phải dè chừng", anh Hưng nói thêm.
Cũng có hơn 10 năm kinh nghiệm săn cua núi, anh Hoan (ở khu vực núi Cấm) chia sẻ, nhiều du khách đến đây muốn thử nghiệm câu cua núi nhưng phải cẩn thận bởi loài cua này hung dữ. Ngoài ra, để bắt được chúng phải men theo các đường ô nước, các nhánh suối nhỏ nên phải cẩn thận để tránh bị trơn trượt.
"Mùa mưa tôi có thể săn được 3-4kg cua núi một ngày, rồi bán cho các nhà hàng, quán ăn ở khu vực núi Cấm với giá khoảng 250.000-300.000 đồng/kg. Cua núi có nhiều cách chế biến như: cua luộc, hấp sả, nấu canh, kho, nấu canh hẹ, rang muối, rang me,... Thịt cua núi thơm, ngọt hơn cua đồng và hương vị rất lạ miệng", anh Hoan nói.