Nhắc đến ẩm thực Tây Bắc, ngoài các món thịt gác bếp, cơm lam, măng rừng, lợn cắp nách... còn có một thứ vô cùng lạ được lấy ở khe sông, khe suối, đó là rêu suối.
Rêu suối được ví như "lộc trời" ban cho người dân ở vùng Tây Bắc bởi không cần bỏ công, bỏ vốn, đến mùa chỉ cần đi hái về chế biến món ăn. Chúng mọc quanh những tảng đá ở suối và chỉ xuất hiện theo mùa. Khoảng tháng 8 đến tháng 3 năm sau là thời điểm rêu suối vào mùa, có khi mọc dài bằng cả sải tay người lớn và rêu có màu xanh lục hay xanh non còn tùy vào vùng nước sâu hay nông.
Những người có kinh nghiệm cho biết rêu suối được chia thành 3 nhóm: cui, cay, tau. Cui là loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; cay là loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và tau là loại rêu mọc thành từng mảng ở ao hoặc các khe suối.
Rêu suối được khai thác ở khe sông, khe suối
Chị Xính (ở xã Tân Thành, Bắc Quang, Hà Giang) cho biết: "Chúng tôi gọi là "bắt" rêu vì coi nó là một loại thực phẩm giống cá hay cua suối. Đi bắt rêu không vất vả nhưng phải hết sức cẩn thận. Người có kinh nghiệm sẽ biết chỗ nào rêu suối mọc thành đám và đá ít trơn trượt để khai thác. Sau khi hái bỏ rổ, rêu được giặt qua với nước suối để loại bỏ cát và chất bẩn, sau đó để lên một tảng đá to, có mặt bằng phẳng rồi dùng một khúc gỗ to để đập. Sơ chế rêu cũng đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn vì phải giặt và đập rêu tới vài lần mới sạch. Cả một rổ rêu suối lúc này chỉ còn đủ dùng trong một bữa. Màu rêu suối xanh đậm, sờ vào mềm và mát như lụa.
Rêu chỉ sống trong 7 ngày, khi nó mọc lên 3 - 4 ngày là đi vớt được rồi, còn quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệch và không ăn được nữa".
Từ rêu suối được làm thành nhiều món ăn ngon
Chị Xính nói thêm, từ xa xưa, người dân ở vùng cao đã đi "bắt" rêu suối về chế biến các món ăn dân dã như canh rêu suối, rêu nướng và rêu xào lá tỏi, nộm rêu. Với món nộm, phải chọn rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng bột canh, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, mắc khén, nếu thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ.
Những năm gần đây, các món ăn từ rêu suối xuất hiện trong nhiều nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh Tây Bắc. Vì lạ miệng và hấp dẫn nên chúng được du khách gần xa yêu thích, tìm đến để thưởng thức mỗi khi có dịp đến vùng đất này. Thậm chí, nhiều người còn có cơ hội được trải nghiệm đi "bắt" rêu suối, rồi mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
Trên chợ mạng, rêu suối được làm sạch sẽ, đóng túi zip thành các viên tròn, bán với giá khoảng 35.000 đồng/kg. Tận dụng rêu từ tự nhiên ban tặng, người dân ở các bản đã khai thác về làm hàng hóa bán kiếm thêm thu nhập. Công việc "bắt" rêu phụ thuộc một phần vào điều kiện thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi người có thể kiếm hàng trăm nghìn đồng. Khi vớt rêu phải đứng ở dưới suối, nước cứ chảy từ trên xuống và lấy tay quơ ngang lấy, những cái nào non nhất thì mình cầm được còn cái già thì nó vẫn bám ở đá.
Rêu suối nướng trên than hồng là đặc sản vô cùng độc đáo, làm nên nét đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc
Rêu chủ yếu là chất xơ còn có tác dụng giảm mỡ trong máu, và là các món ăn tốt cho những ai muốn ăn kiêng, giảm béo.