Khi dịch Covid-19 xảy ra, bao ký ức lại ùa về với gia đình ông Vĩnh, người đã mãi mãi mất đi người vợ trong đại dịch SARS năm 2003.
Video ông Nguyễn Thế Vĩnh chia sẻ về câu chuyện xảy ra với gia đình cách đây 17 năm.
Trong khi cả nước đang hối hả phòng chống dịch Covid-19, nếu như không có vấn đề về sức khỏe, chắc hẳn chẳng ai muốn đến các bệnh viện. Ấy vậy mà, ông Nguyễn Thế Vĩnh (70 tuổi, ở Hà Nội) lại âm thầm mang theo bó hoa tươi và thẻ nhang thơm một mình đến bệnh viện, nơi vợ ông đã hy sinh cách đây 17 năm trước - trên mặt trận chống lại đại dịch SARS.
MẮC BỆNH RỒI HY SINH KHI GỒNG MÌNH CỨU NGƯỜI BỆNH
Vợ ông Vĩnh là y tá Nguyễn Thị Lượng sinh năm 1957, mất ngày 15 tháng 3 năm 2003, sau khi mắc bệnh SARS tại chính bệnh viện nơi mình làm việc. Câu chuyện về sự hy sinh của nữ y tá nhiệt huyết, yêu nghề đã qua đi 17 năm nhưng trong thời điểm bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những ký ức khi xưa lại hiện về trong tâm trí người thân và cả những người đồng nghiệp cùng thời với y tá Lượng.
Dù đã ngoài 60 tuổi, khi nhắc câu chuyện 17 năm về trước, một nữ đồng nghiệp từng làm việc và nằm chung phòng bệnh điều trị SARS với y tá Lượng không thể cầm nổi nước mắt và nói: “Chị Lượng quả cảm lắm. Quả cảm cho đến tận lúc ra đi”.
Hình ảnh điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh SARS luôn là ký ức không thể quên với các bác sĩ ngày đó.
Câu chuyện bắt đầu vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2003. Khi đó, một người Mỹ gốc Hoa (Trung Quốc) tên Johnny Cheng đến bệnh viện và có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi. Khi thăm khám chưa có dấu hiệu gì bất thường nhưng bác sĩ vẫn khuyên nằm lại viện theo dõi. Đến ngày 27/2, tình trạng của bệnh nhân Cheng bỗng nặng lên, kíp trực hôm đó có bác sĩ Lượng và một số người khác.
Vốn là y tá trưởng, lại là người có trách nhiệm và luôn hết mình với công việc, y tá Lượng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Cheng. "Trong ngày hôm đó, bệnh nhân Cheng ho dữ dội lắm, ho 45 phút liên tục không ngớt. Chị Lượng trực tiếp chăm sóc, có thời điểm đi đổ bô cả đờm lẫn máu”, nữ đồng nghiệp của y tá Lượng kể.
Hình ảnh miếu thờ các y bác sĩ hy sinh trong dịch SARS-2003.
Sau ca trực ngày hôm đó, y tá Lượng về nhà và bắt đầu mệt mỏi. Đến khi nhập viện điều trị, những ngày đầu tiên nữ y tá này vẫn tỉnh táo, nói chuyện với những người cùng phòng bệnh, thậm chí còn tự chăm sóc cho nhau. “Vài ngày sau đó, chị Lượng mệt nhiều rồi hôn mê. Từ khi hôn mê đến khi mất chỉ có 4 ngày. Trước khi hôn mê chị ấy chỉ kịp dặn chồng đúng một câu”, đồng nghiệp y tá Lượng nhớ lại.
"AI CŨNG SỢ NHƯNG TÔI VẪN LAO VÀO TÂM DỊCH VÌ TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG”
Chiều Hà Nội mưa phùn, trong khi loa đài đang liên tục cảnh báo về bệnh Covid-19 khi đã có người Việt Nam nhiễm bệnh, ông Nguyễn Thế Vĩnh (chồng y tá Lượng) vừa trông cháu ngoại, vừa cập nhật tình hình dịch bệnh qua chiếc điện thoại cũ mèm.
Ông nói rằng, dịch bệnh nào cũng nguy hiểm và đáng sợ, nhưng với ông dịch SARS năm 2003 là đáng sợ nhất, nó đã cướp đi người vợ hiền và hạnh phúc gia đình bao năm vun đắp. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Vĩnh liên tục lau nước mắt, dù thời gian đã 17 năm trôi qua nhưng trong tâm trí ông, chuyện như vừa diễn ra ngày hôm qua.
Ông Vĩnh vẫn nhớ chuyện xảy ra với vợ mình như mới ngày hôm qua.
“Ngày đó, cả bệnh viện nơi vợ tôi làm việc bị phong tỏa toàn bộ. Ai đi qua phố Phương Mai cũng sợ, người thân những người bệnh cũng không dám vào thăm. Ở đó chỉ có tôi là người duy nhất vào thăm vợ, lúc đó tôi chẳng nghĩ gì đến chuyện sống chết mà chỉ nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng”, ông Vĩnh nói.
Cho đến bây giờ, ông Vĩnh không thể tin vợ mình ra đi nhanh đến vậy. Ông vẫn còn nhớ ngày 25/2, sau ca trực về, vợ ông mệt mỏi, sốt và ông phải đấm bóp, xông lá cây cho vợ vì nghĩ vợ bị cảm cúm thông thường. Khi đưa vợ vào viện, ông Vĩnh vẫn nghĩ vợ chỉ ốm sốt thông thường nhưng cứ ở lại viện theo dõi cho chắc chắn.
Đến bây giờ ông Vĩnh vẫn không tin rằng vợ lại ra đi đột ngột như vậy.
Những ngày sau đó, ông vẫn vào thăm vợ thường xuyên. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là lần tặng hoa cho vợ ở trên giường bệnh. “Hôm đó là ngày 8/3, tôi cùng con gái mua hoa vào tặng vợ. Khi đó, vợ tôi vẫn còn tỉnh và nói chuyện bình thường, vẫn nói hai bố con yên tâm. Thấy vợ như vậy, tôi cũng chẳng nghĩ gì và nghĩ rằng chắc ốm vài hôm là khỏi. Vậy mà, đó lại là lần cuối cùng tôi tặng hoa cho vợ”, ông Vĩnh nói trong nước mắt.
Sau lần tặng hoa đó, vợ ông Vĩnh ngày càng nặng thêm. Rồi đến một buổi chiều giữa tháng 3, bệnh viện thông báo gia đình chuẩn bị sẵn tinh thần. Quá nóng ruột, ông vào viện xin đến gặp vợ bằng được, khi lên gặp vợ ông chỉ kịp vuốt lên khuôn mặt của người vợ mà ông hết mực yêu thương. Kể từ giây phút đó, hai người âm dương chia lìa.
Ông Vĩnh vẫn còn lưu giữ lại những hình ảnh về vợ qua những tấm hình đã chụp hàng chục năm.
Ở VẬY NUÔI CON NÊN NGƯỜI VÌ CÂU NÓI CỦA VỢ LUÔN VĂNG VẲNG BÊN TAI
Từ khi vợ qua đời, ông Vĩnh một mình vò võ nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Ông chia sẻ, đã có lúc tưởng chừng ông không vượt qua được, nhưng nhìn thấy con côi cút, nhớ đến câu nói cuối cùng của vợ, ông phải cố gắng để vượt qua nỗi đau và mất mát.
“Trước khi rơi vào hôn mê, tôi và con gái có vào thăm vợ, khi cả nhà nói chuyện với nhau được khoảng 10 phút, vợ tôi nói con ra ngoài vì ở lâu trong phòng bệnh không tốt. Tôi ở lại với vợ thêm 5 phút, khi đó vợ nói với tôi rằng: “Anh hãy cố gắng chăm sóc con, cho con học hành đến nơi đến chốn”.
Nghe xong câu nói đó tôi chẳng nghĩ gì, vẫn cười và nói vợ cố gắng điều trị, mọi việc sẽ ổn thôi. Không ngờ sau khi tôi về vài tiếng, vợ tôi hôn mê và đó cũng là câu nói cuối cùng tôi nghe được từ vợ”, ông Vĩnh kể lại rồi dùng giấy lau hai hàng nước mắt.
Mất vợ đột ngột với ông Vĩnh là điều vô cùng đau xót. Những năm đầu, gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn. Bởi khi vợ còn sống, ông chỉ lo kinh tế gia đình, còn việc học hành của con, sinh hoạt trong nhà một tay vợ ông làm hết.
Nhấp chén nước, hướng đôi mắt nhìn ra cửa, ông Vĩnh kể, những tháng ngày còn lại của năm 2003 sau khi vợ mất, ông buồn chán, hụt hẫng và mất phương hướng trong cuộc sống. Nhưng rồi những đêm nằm suy nghĩ, câu nói cuối cùng của vợ luôn văng vẳng bên tai, thúc giục ông phải vươn lên chăm sóc con nên người.
Hàng ngày người cha già dậy sớm lo cho con ăn sáng, rồi lại lóc cóc đưa con đến trường, sau đó mới đến cơ quan. Cảnh gà trống nuôi con mãi rồi thành quen, kể cả khi con gái đã trưởng thành, trong suy nghĩ của ông chưa bao giờ có ý định đi thêm bước nữa.
Yêu vợ, thương con ông Vĩnh chưa bao giờ có ý định sẽ đi bước nữa.
“Tôi yêu, quý vợ tôi nhiều lắm. Trước đây khi vợ tôi còn sống, hàng ngày tôi vẫn là quần áo cho vợ, cho con. Tôi vẫn luôn nói với vợ con rằng, mình không cao sang giàu có, nhưng đi làm hay ra ngoài phải sạch sẽ, gọn gàng. Nếu tôi mà đi bước nữa, con tôi chưa chắc đã có ngày hôm nay”, ông Vĩnh ngậm ngùi kể lại.
Đứa con gái bé bỏng ngày nào của vợ chồng ông nay đã 30 tuổi, dù đã có gia đình nhưng vẫn ở cùng để thay mẹ chăm sóc bố khi về già. Trong con mắt người cha này, con gái là một người nghị lực và tự lập, cá tính. Từ khi mẹ mất, con gái ông không than thở, đòi hỏi, không nhắc đến chuyện cũ vì sợ bố buồn. Con là niềm an ủi lớn nhất với ông Vĩnh cho đến thời điểm này.
Tròn 1 tháng nữa là đến ngày giỗ của vợ, như thường lệ ông Vĩnh lại cầm ra những tấm ảnh kỷ niệm của hai vợ chồng khi còn ở bên nhau để hồi tưởng về một thời hạnh phúc. Ông nâng niu, ngắm nhìn từng tấm ảnh, rồi cả những bộ trang sức của vợ khi xưa. “Tôi vẫn còn giữ cả những bộ quần áo ngày xưa vợ thích mặc, tôi muốn lưu giữ những kỷ vật của vợ bên mình, đó cũng là cách giáo dục con tôi về lẽ sống”, ông Vĩnh chia sẻ.
Điều sợ nhất của ông Vĩnh khi vợ qua đời đó là con đường Phương Mai, nơi có bệnh viện vợ ông làm việc và qua đời tại đó. Ông nói rằng, mỗi khi nhớ đến hoặc đi qua là nỗi buồn, nỗi nhớ trong ông lại khơi dậy, vì thế nếu có việc đi qua khu vực đó ông cũng tránh con đường này.
“Lâu lắm rồi tôi mới qua miếu thờ trong bệnh viện thắp hương cho vợ (cách khoảng 3 ngày), tôi mong vợ thanh thản ở nơi chín suối và phù hộ giúp đỡ những người đang sống, nhất là trong thời điểm dịch bệnh giống như thời vợ tôi đã trải qua”, ông Vĩnh mong muốn.
Danh sách các y tá, bác sĩ hy sinh trong đại dịch SARS: 1/ Y tá Nguyễn Thị Lượng (15/3). 2/ Bác sĩ Jean - Paul Dirosier (19/3). 3/ Y tá Phạm Thị Uyên (24/3). 4/ Bác sĩ Nguyễn Thế Phương (24/3). 5/ Bác sĩ Nguyễn Hữu Bội (12/4). 6/ Bác sĩ Jacque 7/2003 (qua đời sau khi về Pháp). |