Dù đã hơn 80 tuổi nhưng người mẹ ấy vẫn cặm cụi nấu cơm từng ngày, một mình chăm sóc cậu con trai khờ.
Người dân thôn An Đại 1 (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã quá quen với hình ảnh bà Nguyễn Thị Đào ngày ngày đi quanh xóm xin từng đồng tiền lẻ về lo thuốc thang cho cậu con trai bị bệnh. Con trai bà Đào tên là Phan Tấn Giới (52 tuổi), mắc chứng bệnh thần kinh từ khi vừa chào đời.
Sinh được 6 người con, nay chỉ còn 2…
Bà Đào cho biết, bà có 6 người con nhưng đã lần lượt mất vì bệnh tật, chỉ còn chú Giới và một cô con gái lấy chồng xa. “Con gái tôi lấy chồng xa cứ Tết mới về 1 lần, con rể lâu lâu chạy qua đem thuốc men cho thằng khờ thôi. Lúc nào nhớ con gái thì tôi đi nhờ xe xuống chơi 1 lúc rồi về còn lo cho thằng con ở nhà nữa”, bà Đào chia sẻ.
Được biết, chú Giới là con thứ 3 trong nhà, chỉ có người anh cả đã lấy vợ sinh con và mất cách đây 4 năm, 3 người còn lại đều mất từ lúc nhỏ. Hiện tại, con dâu (chồng đã mất) và các cháu, chắt của bà Đào vẫn ở quanh thôn, thỉnh thoảng qua lại đưa đồ ăn, cho bà vài đồng tiền tiêu vặt.
“Bà run rẩy lắm rồi, có làm gì được đâu. Bà vẫn cố gắng ra ruộng làm nhưng mà đi tới đâu té tới đó nên tôi không cho đi làm. Bảo bà ở nhà nấu cơm thôi chứ ra ruộng làm gì, rồi tôi đi chợ tôi mua đồ ăn qua cho. Nghĩ tội lắm, bả làm gì có tiền đâu”, con dâu bà Đào cho biết.
Hiện tại, 2 mẹ con bà Đào sống trong căn nhà cũ cùng số tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước, cộng lại cũng được hơn 800.000 đồng. Thế nhưng, tiền thuốc cho con trai mất đến 700.000 đồng, bà phải xoay xở bằng cách đi xin người dân quanh xóm.
“Có người cho 5 chục, 1 trăm gì đó, cũng đủ mua thuốc cho nó uống, rồi người ta cho rau cá về nấu cơm ăn. Thỉnh thoảng có nhà hảo tâm cũng cho, đủ tiền sống qua ngày, còn các con thì nó phải lo cuộc sống của nó, cũng nghèo lắm, không giúp mẹ được nhiều.
Thằng khờ phải uống thuốc liều nặng, chứ nhẹ là nó lên cơn. Cứ thiếu thuốc là nó đập phá, đánh người, đánh cả tôi. Có lần nó đánh tôi chảy máu đầu, hàng xóm phải đưa đi bệnh viện. Đánh xong nó cũng chẳng nhớ gì cả. Khổ lắm, giờ không biết phải làm sao nữa, nó cứ quậy hoài như vậy…”, bà Đào tâm sự.
Mong ước nhỏ nhoi những năm tháng cuối đời
Người mẹ già cho biết, hồi còn thanh niên, con trai bà hung hăng hơn bây giờ. Đó là lúc chú Giới chưa được điều trị bằng thuốc nên thường xuyên mất kiểm soát tinh thần. “Ngày nào nó cũng lên cơn, không vừa ý là nó quậy phá, đập đồ đạc, đánh người. Quanh xóm này người ta cũng sợ, có tôi là phải chịu nó thôi”, bà Đào kể lại.
Bà Đào nuôi người con trai bệnh tật cũng được 52 năm, từ khi lọt lòng đã phải lo cho con từng li từng tí. Giờ đây, khi đã ngoài 80 tuổi, lưng còng, chân mỏi, tay run, bà vẫn cặm cụi đi xin đồ ăn thức uống về nấu cho con trai ăn qua ngày. Đến việc vệ sinh, tắm rửa của con trai, bà Đào cũng phải làm hết.
Chú Giới cứ như một đứa trẻ trong thân xác người đàn ông to lớn vậy, chú chẳng ý thức được gì cũng không thể tự lo cho bản thân. Hàng ngày cứ ăn, ngủ và lặng lẽ đi lại loanh quanh nhìn mẹ. Những thiếu thuốc, chú lại lên cơn đập phá trong nhà rồi chạy khắp thôn.
“Đáng lẽ tuổi của bà phải được hưởng lộc con cháu, nhưng giờ vẫn phải nuôi con khờ. Người dân quanh đây với nhà hảo tâm, rồi con cháu cũng qua lại cho bà tiền, đồ ăn nọ kia cũng chỉ đủ sống qua ngày thôi. Bà tội lắm mà chú cứ đánh bà hoài. Bà lúc nào cũng lo bà mất rồi không ai nấu cơm cho chú ăn nữa”, cháu nội bà Đà tâm sự.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Đào biết mình chẳng còn sống được bao lâu nên chỉ lo không có ai chăm sóc cho con trai khờ. Bà chỉ mong muốn sống khỏe mạnh để nuôi con, lo cho con ngày 3 bữa cơm, thuốc thang chữa bệnh. Thế nhưng…
“Tôi đâu có sống được lâu nữa, tôi ốm, tôi mệt cũng chỉ vài năm là cùng. Rồi tôi mất, thằng con tôi ai lo. Thương nó mà cũng buồn cho mình… giờ tôi chỉ cầu trời đem nó đi theo tôi. Tôi mất thì nó cũng đi theo tôi chứ để nó sống vậy 1 mình làm sao được”, bà Đào nghẹn ngào.
Bà Đào gạt nước mắt, nhận những món quà từ các nhà hảo tâm gửi tặng rồi lại lom khom từng bước vào nhà nấu cơm cho con trai. Với người mẹ già ấy, cậu con trai 52 tuổi khờ khạo mãi chỉ là đứa trẻ mà bà phải chăm lo đến cuối đời.
Nguồn: Khám phá vùng quê