Mẹ mang song thai, 1 bé mất, 1 bé nặng 0,48kg: “Thấy con nhỏ xíu, tôi từng định bỏ cuộc”

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 27/11/2020 14:40 PM (GMT+7)

Ôm con gái vào lòng, chị Huệ mừng rơi nước mắt bởi trải qua bao biến cố, giờ đây vợ chồng chị mới được đón nhận niềm vui và hạnh phúc.

Mới đây, câu chuyện về bé Ốc - em bé chào đời ở tuần 26 nặng 480gram đã khiến nhiều người cảm động. Đây cũng là em bé sinh non nhẹ cân nhất Việt Nam được cứu sống tính đến thời điểm hiện tại. Để làm được điều đó, bố mẹ của bé Ốc đã trải qua một hành trình không ít sóng gió, thậm chí là khổ đau.

Mẹ mang song thai, 1 bé mất, 1 bé nặng 0,48kg: “Thấy con nhỏ xíu, tôi từng định bỏ cuộc” - 1

Hiện con gái chị Huệ đã được hơn 2kg, phát triển khỏe mạnh.

Chị Nguyễn Thị Huệ và anh Tạ Ngọc Thắng (ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) lấy nhau cách đây 10 năm. Giống như bao cặp vợ chồng khác, hai anh chị muốn sinh con ngay để hạnh phúc được đủ đầy nhưng chờ mãi tin vui không tới. Lúc đi khám, bác sĩ kết luận hai vợ chồng chị bị hiếm muộn, khó có con.

Chị Huệ chia sẻ, suốt nhiều năm ròng rã hai vợ chồng chị chạy chữa khắp nơi cả đông y và tây y, tốn không ít tiền của nhưng đều không thành. 4 năm sau khi lập gia đình, hai vợ chồng quyết định ra ở riêng, làm được bao nhiêu tích cóp bấy nhiêu để chạy chữa, chỉ mong sớm có một mụn con nhưng rồi may mắn cứ vuột khỏi tầm tay.

Năm 2018, gom góp được 70 triệu đồng, hai vợ chồng xuống Hà Nội thụ tinh trong ống nghiệm nhưng qua nhiều lần thực hiện vẫn không có kết quả. “Hết tiền, hai vợ chồng về quê làm lại từ đầu chứ quyết không bỏ cuộc. Đầu năm 2020, vợ chồng tôi lại vay mượn đi “tìm con” một lần nữa, lần này chúng tôi đổi sang một bệnh viện tư để thụ tinh nhân tạo và may mắn đã mỉm cười”, chị Huệ kể.

Mẹ mang song thai, 1 bé mất, 1 bé nặng 0,48kg: “Thấy con nhỏ xíu, tôi từng định bỏ cuộc” - 2

Để giữ được con, chị Huệ đã khóc rất nhiều lần.

Khi bác sĩ thông báo có tin vui, lại mang song thai, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì vui mừng. Dù được chồng quan tâm hết mức, nhưng biến cố tiếp tục xảy ra khi thai dọa sảy và chị phải xuống bệnh viện gấp để theo dõi, dưỡng thai.

“Từ tuần thứ 14 tôi bắt đầu nằm theo dõi ở bệnh viện. Vì chi phí bệnh viện tư quá đắt, tôi bàn với chồng về bệnh viện sản nhi tỉnh và chồng đã đồng ý. Vậy là tôi chuyển từ Hà Nội về quê để tiếp tục hành trình giữ hai đứa con trong bụng”, chị Huệ nhớ lại.

Mọi thứ bình yên cho đến tuần thai thứ 18, bỗng chị Huệ có dấu hiệu sinh non, khi đó các bác sĩ tại BV Sản - Nhi Vĩnh Phúc đã làm mọi biện pháp để giữ lại thai nhi trong bụng. Dù bản thân chị Huệ cũng rất nỗ lực, nhưng đến tuần thai thứ 24 thì không thể giữ được, một em bé đã chào đời và mất ngay sau đó vì quá nhẹ cân, non tháng. Dù đã rất cố gắng nhưng không giữ được con, chị Huệ buồn và khóc, khi đó chồng và các bác sĩ an ủi, động viên chị mạnh mẽ hơn để giữ được em bé còn lại trong bụng. “Bác sĩ nói rằng rất khó để giữ được đến cuối thai kỳ, nhưng giữ con trong bụng càng lâu thì càng có nhiều cơ hội. Khi đó, tôi nén nỗi đau để giữ lại giọt máu còn lại”, chị Huệ nghẹn lòng.

Mẹ mang song thai, 1 bé mất, 1 bé nặng 0,48kg: “Thấy con nhỏ xíu, tôi từng định bỏ cuộc” - 3

Lúc mới chào đời, con chị Huệ nhỏ như chiếc bánh mỳ.

Khi em bé còn lại trong bụng bước sang tuần thứ 26, bỗng nhiên chị Huệ lên cơn sốt cao, các bác sĩ túc trực 24/24 ở bên nhưng tình trạng nguy cấp nên quyết định mổ bắt thai. “Khi vào mổ, các bác sĩ khoa Sơ sinh đứng chờ sẵn để đưa con tôi đi. Cuộc mổ diễn ra nhanh lắm, chỉ khoảng 3 phút là xong, con tôi nhỏ yếu không cất được tiếng khóc chào đời và được chuyển khoa ngay lập tức. Tôi còn chẳng kịp nhìn con”, chị Huệ nhớ lại.

Sau khi được cấp cứu, em bé tiếp tục được chuyển xuống BV Nhi Trung ương chăm sóc. Chị Huệ ở lại viện điều trị 10 ngày sau mới xuất viện. Dù vết mổ vẫn còn rất đau, nhưng do nóng lòng gặp con chị đã đi thẳng xuống Hà Nội chứ không về nhà. Giây phút hai mẹ con gặp nhau chị đã khóc rất nhiều, người mẹ này chưa bao giờ nghĩ con mình lại nhỏ đến như vậy.

“Con tôi chỉ nhỏ như chiếc bánh mỳ, lọt thỏm vào lòng bàn tay. Nhìn con tôi thương như đứt từng khúc ruột, tôi tự trách mình làm mẹ mà chẳng thể giữ được con lâu”, chị Huệ chia sẻ.

Mẹ mang song thai, 1 bé mất, 1 bé nặng 0,48kg: “Thấy con nhỏ xíu, tôi từng định bỏ cuộc” - 4

Mẹ mang song thai, 1 bé mất, 1 bé nặng 0,48kg: “Thấy con nhỏ xíu, tôi từng định bỏ cuộc” - 5

Hại vợ chồng chị Huệ thay nhau ấp con theo phương pháp Kangaroo.

Được sự động viên của chồng và các bác sĩ, chị Huệ tĩnh tâm lại và vượt qua giai đoạn trầm cảm. Chị chia sẻ may mắn lớn nhất của chị là có người chồng quá tâm lý, nếu không có chồng thì có lẽ chị đã không được bế con vào lòng như ngày hôm nay.

“Tôi từng nói với chồng "hay là mình bỏ cuộc”. Chồng ôm tôi vào lòng và nói: “Con đã cố gắng đến giờ để ở đây với bố mẹ, sao mình lại bỏ cuộc”. Chính câu nói đó của chồng là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn”, chị Huệ nói.

Những tháng đầu ở viện, hai vợ chồng thay nhau chăm sóc con. Do vết mổ chị Huệ còn đau nên chồng chị hàng ngày phải vào viện ủ ấm cho con (phương pháp Kangaroo). Chị cho biết, có nhiều hôm chồng vào với con, ấp con trong lồng ngực 18 tiếng, nhịn cả đi vệ sinh chỉ mong truyền được hơi ấm cho con. Có lẽ tình mẫu tử ấy chính là sức mạnh để gia đình chị có ngày hôm nay.

Mẹ mang song thai, 1 bé mất, 1 bé nặng 0,48kg: “Thấy con nhỏ xíu, tôi từng định bỏ cuộc” - 6

Để có hạnh phúc như ngày hôm nay hai vợ chồng chị Huệ phải trải qua bao sóng gió.

Sau 4 tháng chăm sóc ở viện, bé Ốc đã được xuất viện về nhà. Giờ đây, ôm con trong vòng tay, nước mắt chị Huệ vẫn trực trào khi nghĩ về những gì hai vợ chồng đã trải qua để có được hạnh phúc như ngày hôm nay.

Cặp song sinh dính liền Cúc-An sau 17 năm tách rời: Cả hai vào đại học, tập sống xa nhau
Cúc và An đều đã bước chân vào đại học và cũng là lần đầu sống tách xa nhau để theo đuổi, thực hiện đam mê, hoài bão của mình.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh non