Các hình thức lừa đảo như mua hàng tặng quà, mua hàng trúng thưởng tuy không phải là mới nhưng được dựng lại với kịch bản tinh vi hơn, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều nạn nhân tố bị lừa đảo số tiền lên tới cả trăm triệu.
“Tặng quà” người cao tuổi
Do nắm được tâm lý của người dân, đặc biệt là những người cao tuổi luôn thích được tặng quà nên một số đối tượng đã lên kế hoạch lừa đảo theo hình thức bán hàng, tặng quà khuyến mại.
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết đã ra lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng là Vi Văn Duy (SN 1991; trú tại Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Chí Bảo (SN 1996; trú tại xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) và Nguyễn Hữu Huy (SN 1993; trú tại Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về tội "lừa đảo và chiếm đoạt tài sản".
Các đối tượng bị bắt về tội "lừa đảo và chiếm đoạt tài sản"
Theo cơ quan công an, nhóm đối tượng trên đã tìm đến các khu dân cư và mời người dân trong khu đến dự chương trình tặng quà, giới thiệu sản phẩm. Khi thấy có người đến dự chương trình, nhóm của Duy tặng cho mỗi người dân tham dự một chai dầu ăn. Sau đó, các đối tượng trực tiếp giới thiệu các sản phẩm như kẹo sâm, cao dán hồng sâm, kem đánh răng sâm, sâm nước, củ sâm, hũ sâm...
Bằng thủ đoạn tặng quà có giá trị tương đương sản phẩm đăng ký mua, nhiều người dân tin tưởng cho rằng nộp tiền đăng ký mua sản phẩm sẽ được nhận quà tặng có giá trị tương đương như các sản phẩm trước đó. Do đó, nhiều người đã nộp tiền để đăng ký mua sản phẩm củ sâm, hũ sâm có giá trị 3 triệu đồng/sản phẩm (thực tế giá trị củ sâm là hai trăm nghìn đồng/củ, hũ sâm là 1,1 triệu đồng/hũ).
Sau đó, khi người dân mất cảnh giác, các đối tượng đã nhanh chóng bỏ đi. Qua xác minh, số tài sản mà các đối tượng chiếm đoạt được của người dân tại khu vực thị trấn Xuân Mai lên đến 120 triệu đồng.
Sản phẩm sâm các đối tượng dùng để lừa bán cho người dân
Ngày 10/7, khi các đối tượng đang tổ chức giới thiệu, tặng quà tại khu vực xã Kim Thư, huyện Thanh Oai với thủ đoạn tương tự để lừa đảo người dân thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Có thực mua hàng dễ dàng trúng thưởng?
Tương tự thủ đoạn trên, thời gian vừa qua nhiều người tại một số địa phương như Bình Dương, Kiên Giang,… bức xúc gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng với mong muốn đòi lại quyền lợi trước hành vi lừa đảo mua hàng trúng thưởng.
Bà Kh. (Kiên Giang) cho biết đã bị lừa trong một thời gian dài với chiêu thức 'mua hàng để được lãnh giải trúng thưởng'.
Cụ thể, sau khi xem truyền hình thấy Công ty H.G.V quảng cáo sản phẩm tiêu dùng, bà Kh. gọi đặt mua 1 nồi thông minh với giá gần 2 triệu đồng, rồi bị nhân viên công ty này dụ mua thêm 4 sản phẩm nữa để được quay số trúng thưởng, với tổng giá trị hàng chục triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, những đối tượng này 'đẻ' ra 2 công ty khác để tiếp xúc với bà Kh. và hứa 'cam kết xử lý việc trúng thưởng thay cho H.G.V', rồi tiếp tục lừa bà Kh. bằng thủ đoạn cũ.
"Tôi bị dụ mua hàng với số tiền gần 150 triệu đồng nhưng không nhận được quà trúng thưởng nào. Những sản phẩm được mua đều không dùng được do chất lượng rất kém" - bà Kh. bức xúc.
Người tiêu dùng bên những sản phẩm "mua hàng trúng thưởng"
Không khác bà Kh., bà Hồng (Bình Dương) cho biết được một người gọi điện đến tự xưng là nhân viên Công ty A.M (trụ sở tại TP.HCM) thông báo bà đã trúng thưởng 1 xe SH trị giá 179 triệu đồng và thẻ mua sắm gần 60 triệu đồng.
Để nhận được sản phẩm trên, bà Hồng phải làm hợp đồng và mua nhiều sản phẩm khác với giá hơn 60 triệu đồng. Sau khi vay nóng để mua hàng, bà Hồng không hề nhận được cái gọi là 'quà trúng thưởng từ công ty'.
Theo tìm hiểu, các đối tượng lừa đảo rất chuyên nghiệp, có hẳn êkip, bủa vây nạn nhân với nhiều 'vai diễn', từ người của các bộ phận trong công ty, đối tác, đến cơ quan báo đài... để gọi điện thúc ép khách, thậm chí còn sử dụng hóa đơn, giấy tờ giả, giả mạo đơn vị khác để đi lừa.
Theo bà Phan Thị Việt Thu - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, hình thức lừa đảo trúng thưởng đang có dấu hiệu ngày càng phổ biến. Các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những người có tuổi, vùng ven để dễ 'qua mặt'.
Tuy nạn nhân liệt kê chi tiết vụ việc nhưng không dễ đòi lại quyền lợi. “Đối tượng dụ dỗ mua hàng và nạn nhân mua dựa trên sự tự nguyện. Ngoài ra, việc mua bán thường chuyển qua bưu điện, số điện thoại và địa chỉ liên lạc đối tượng lừa đảo dùng thường ảo, không dễ tìm ra chứng cứ' - bà Thu nhận định.