Gần Tết Trung thu, một số địa điểm tại TP Huế, múa lân đã bắt đầu hoạt động và có những dấu hiệu “biến tướng”. Người dân thành phố này cứ ra đường là “đụng đầu” với các đoàn lân nhảy múa. Điều đáng tiếc là chính người dân không hào hứng mà còn “phát ớn” với nhưng đội lân “rởm”.
Đội lân “rởm” mọc lên như nấm
Những ngày gần Tết thiếu nhi, trong vai một khách hàng đang có nhu cầu thành lập đội múa lân, chúng tôi tìm về với một lò chuyên sản xuất đầu lân chuẩn bị phục vụ cho dịp tết Trung thu năm nay tại phường Thuận Hòa, TP Huế. Tiếp chúng tôi, một chủ cơ sở sản xuất đầu lân có tuổi đời còn khá trẻ chào hàng: “Năm nay ở chỗ tôi làm ra gần 100 sản phẩm đầu lân lớn nhỏ các loại và hầu hết đều đã được đặt mua từ trước đó một tháng. Khách đặt mua ở đây chủ yếu là những người múa không chuyên nên sản phẩm đầu lân làm ra hầu hết là đúc từ giấy và chất lượng ở mức khá, nói chung là không cần quá cầu kỳ về mẫu mã”.
Đầu lân với nhiều mẫu mã và giá cả khác nhau được chủ “lò” phường Thuận Hòa chào bán từ rất sớm.
Khi được hỏi làm thế nào để lập một đội múa lân, ông chủ trẻ tuổi này không ngần ngại cho biết: “Để thành lập một đội lân không chuyên thì chi phí bỏ ra cũng không quá nhiều. Chỉ cần 1,4 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng cho một cặp đầu lân lớn, hoặc gần 1 triệu đồng cho một cặp đầu lân nhỏ, mua nhiều thì giá sẽ nhẹ hơn. Thêm một ít đạo cụ, quần áo, phèng la, trống kèn... kêu gọi đội hình khoảng từ 10 - 15 người, mỗi người góp “hụi” một ít thì đội múa lân không chuyên đã được ra đời. Nếu đội lân của em mà biết cách làm ăn thì chỉ cần một đêm là có thể thu lại chi phí đầu tư ban đầu, sang những đêm sau là đã có thu nhập”.
Lân nhảy múa trước các shop.
Theo phản ánh của người dân TP Huế thì “làm ăn” theo cách nói của ông chủ cơ sở sản xuất đầu lân thực chất là việc “xông vào ăn vạ” ở nhà dân, hoặc đến các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố đông người để múa lân xin tiền gia chủ và người đi đường. Trở lại câu chuyện với ông chủ “lò” lân, khi chúng tôi tỏ vẻ lưỡng lự bỏ đi, ông chủ này dặn dò thêm: “Mấy ngày nay người đến tìm mua đầu lân ở anh rất nhiều, nếu em không quay lại kịp trước ngày 13 Âm lịch thì bên anh cũng cháy hàng đấy!”. Những lời mời chào và dặn dò của chủ cơ sở sản xuất đầu lân ở phường Thuận Hòa như phần nào giải thích rõ thêm vì sao số lượng các đội lân không chuyên tại TP Huế gần đây lại mọc lên nhiều như nấm sau mưa và sức hấp dẫn của hoạt động này mỗi độ Rằm tháng Tám về lại lớn đến như vậy.
Náo loạn đường phố, nhức mắt người xem
Một đoàn lân múa giữa đường Nguyễn Huệ vào tối 23/9 gây tắc nghẽn giao thông. Ảnh: Đ.H
Theo quan niệm của người xưa, lân là linh vật trong tứ linh: Long, Ly (Lân), Quy, Phụng. Lân đến nhà đồng nghĩa với việc trừ đuổi những điều xấu xa, mang lại bình an, phú quý, phát tài, phát lộc cho gia chủ. Vì lí do này, ngày xưa dân ta rất thích xem múa lân, có đoàn múa lân đến nhà thì gia chủ chào đón, treo tiền để lân nhảy lên bắt lấy như một phần thưởng gọi là động viên. Để múa được lân thì đòi hỏi người múa phải dẻo dai, được đào tạo bài bản, có chút võ nghệ càng tốt. Sau khi múa lân xong thì có thêm các bài múa quyền, múa dao biểu diễn phục vụ người xem.
Ngày nay, múa lân biến tướng trở thành một hình thức “xin tiền” trắng trợn, ai cũng có thể múa được. Trên dọc các tuyến đường TP Huế, chúng tôi bắt gặp rất nhiều đoàn múa lân với độ tuổi lớn bé khác nhau. Lớn thì ngoài 30-40 tuổi, bé thì khoảng 10-11 tuổi. Cá biệt có những trường hợp chỉ cần khoác trên mình bộ đồ nghề, nhảy qua lắc lại thì đã xem đó như là múa lân. Điều đáng nói, những đội lân không chuyên này thường không xin phép ý kiến gia chủ, mà cứ việc xông thẳng vào nhà hoặc cửa hàng kinh doanh để múa “xin tiền”. Nếu gia chủ không cho hoặc cho quá ít chưa vừa ý thì đội càng nhảy múa, đánh trống inh ỏi để “ăn vạ”. Gia chủ muốn yên tĩnh để nghỉ ngơi hoặc tiếp tục kinh doanh là phải cho thêm tiền.
Bà Nguyễn Thị Hà, một hộ kinh doanh tại phường Phú Hội ngán ngẩm: “Lân đến nhà phát tài đâu tôi chưa thấy mà đã thấy hao tài. Tốp này vừa mới đi ra, một lát sau đã thấy tốp khác vào múa lân xin tiền lì xì. Cho tiền ít thì không chịu đi, mỗi đêm mà khoảng vài đội thế này thì chắc cũng không đủ tiền để cho. Biết vậy nên nhiều khi tôi cứ muốn đóng cửa hàng nghỉ sớm để không bị quấy rầy”.
Chính quyền đau đầu tìm cách quản Theo ông Hồ Trọng Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hội: “Hoạt động múa lân tại TP Huế gần đây đã dần bị thương mại hóa và mất đi ý nghĩa thực sự. Phường Phú Hội là địa điểm trung tâm của TP Huế, ngoài các đoàn lân do phường quản lý thì gần đến Rằm tháng Tám lại có rất nhiều đoàn lân từ các phường lân cận như An Cựu, Vỹ Dạ... đổ về đây biểu diễn, do đó việc quản lý rất khó khăn. Phường cũng đã có chỉ đạo về các tổ dân phố, kêu gọi các tổ dân phố tự quản. Họp bàn để các đoàn lân phải có người đứng đầu chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động biểu diễn trên địa bàn. Số điện thoại nóng cũng đã được cung cấp đến từng hộ dân nên khi nhận được thông báo có vấn đề, Phường sẽ có mặt giải quyết. Nếu gia đình nào không có nhu cầu thì nên đóng cửa nghỉ sớm để tránh bị làm phiền”. Ông Hưng cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho người đi đường, sắp tới trên một số tuyến đường lớn như Hùng Vương, Lê Lợi, đầu cầu Trường Tiền, đường Bến Nghé, Trần Cao Vân… UBND phường Phú Hội sẽ tăng cường thêm các điểm chốt chặn, phân luồng giao thông, phòng khi người đi đường hiếu kỳ đứng xem quá đông hoặc các đoàn múa lân nhảy lấn ra lòng đường gây cản trở. |