Gần Tết là thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm. Có rất nhiều sản phẩm với đa dạng mẫu mã, nhiều chương trình khuyến mãi được tung ra nhưng bạn cần nắm được những kinh nghiệm dưới đây để sắm Tết vừa đủ đầy, an toàn, lại tiết kiệm.
Máy quét giá không phải lúc nào cũng đúng
Hiện nay, các siêu thị lớn nhỏ đều trang bị máy quét cầm tay. Khi khách thanh toán, nhân viên chỉ cần cầm máy quét này đọc mã vạch là tiền sẽ hiện trong hóa đơn. Đây là cách làm nhanh chóng, tiện lợi, tuy nhiên vào dịp Tết, lượng khách đông đúc, chờ thanh toán phải xếp hàng dài nên việc máy hoạt động hết công suất cũng là điều dễ hiểu. Điều này dẫn đến những lỗi sai như tính 2 lần giá một mặt hàng, hoặc hiển thị sai số tiền, hoặc bị nhầm lẫn giá tiền do quá trình nhập của nhân viên.
Máy quét đôi khi sẽ có nhầm lẫn và bạn cần kiểm tra cẩn thận hóa đơn trước khi rời khỏi cửa hàng (Ảnh minh họa)
Vào dịp mua sắm cận Tết, nhân viên bận rộn, khó có thể phát hiện các sai sót trên hóa đơn. Do đó, sau khi cầm hóa đơn, bạn phải nhớ soát lại một lần nữa trước khi ra về. Nếu như phát hiện lỗi sai thì cần báo ngay với siêu thị để đảm bảo quyền lợi.
Bán hàng theo combo
Đây là cách bán hàng đánh trúng vào tâm lý khách hàng là được mua nhiều sản phẩm cùng lúc và nghe có vẻ khách được "hời". Chiêu bán hàng này cực kỳ thịnh hành vào dịp sát Tết. Khách cứ ngỡ được tặng thêm quà nhưng rõ ràng không phải như vậy.
Thực tế, chiêu bán hàng theo combo chỉ là cách bán để có thể tăng doanh số, đẩy hàng nhanh hơn, trong khi người bán không chịu lỗ. Mức giá bán của combo nếu mua 1 tặng 1 hay mua 1 tặng 2 thì các sản phẩm tặng đó cũng được tính vào giá combo, chứ không đời nào người bán chịu cho không khách hàng và gánh lỗ về mình. Có chăng người bán chịu lãi ít hơn, trong khi khách nhìn vào cảm thấy với 1 số tiền ít song nhận được nhiều hàng hóa.
Khi nhìn thấy combo, khách hãy cân nhắc nhu cầu sử dụng sản phẩm của gia đình và bản thân để lựa chọn. Đừng nên ham 2 tặng 1, 3 tặng 2 vì có thể dư thừa, sản phẩm đính kèm không dùng đến.
Nâng giá lên rồi hạ giá
Tết được xem là đợt mua sắm quan trọng trong năm, các gia đình sẽ cố gắng mua sắm nhiều nhất nhằm đảm bảo có cái Tết tươm tất. Các mặt hàng thực phẩm, quần áo đến hàng hóa gia dụng đều hút khách và đây cũng là lúc các siêu thị, cửa hàng tung hàng loạt các chương trình khuyến mại để kích cầu khách hàng. Các chương trình khuyến mại ăn theo Tết thường kiểu xả hàng, giảm giá sốc, giảm giá lên đến 70% hoặc mua 1 tặng 1, đi 4 tính tiền 3 ở các nhà hàng...
Tranh thủ đợt mua sắm lớn nhất trong năm, nhiều cửa hàng tung chiêu đẩy giá rồi hạ giá (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều cửa hàng nhỏ lẻ tận dụng cơ hội này nhằm "bòn tiền" khách. Trước khi tung ra khuyến mại, cửa hàng sẽ nâng giá và đến khi có khuyến mại Tết sẽ treo biển giảm giá về một mốc nhất định. Khách tưởng là cửa hàng giảm giá nhưng thực tế vẫn là giá cũ như khi chưa khuyến mại. Để tránh tình huống này, chị em cần so sánh giá các bên, tìm kiếm thông tin và giá cả sản phẩm trước Tết để có đánh giá nhằm tránh bị "hớ".
Cách thiết kế trong siêu thị có mục đích
Từ trước Tết cả tháng, những mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp Tết đã được bày bán lên kệ. Cách thiết kế từng quầy hàng, vị trí trong siêu thị hoàn toàn không có chuyện ngẫu nhiên mà được tính toán kỹ và nắm bắt đúng tâm lý của khách hàng.
Các mặt hàng thịt, trứng, sữa thường được bố trí ở cuối siêu thị, đây là mẹo để khách phải "lượn" qua nhiều gian hàng khác trước khi mua các thứ này. Vào dịp Tết, những loại hạt, mứt, bia được tiêu thụ nhiều nên cũng được bày ở các vị trí khách dễ thấy và giữa lối đi để khách đi hướng nào cũng có thể quay lại để chọn.
Các sản phẩm được nhiều khách tìm mua và đắt hàng sẽ được đặt ở ngang tầm mắt, dễ thấy. Thông thường, các mặt hàng này được bày ở giữa kệ, còn các mặt hàng kém hấp dẫn hơn sẽ được đặt ở dưới. Thậm chí, một số siêu thị bố trí ngay quầy rau, quả ở ngay cửa vào để khách hàng chọn mua xong sẽ cảm thấy ưng ý với sản phẩm tốt cho sức khỏe, chắc chắn có xu hướng vung tay mua nhiều hàng hóa hơn do yên tâm đã có những đồ ăn tươi, sạch.
Khi đi mua sắm Tết, bạn cần lên danh sách dự kiến và tập trung vào những món đồ đó, không nên bị phân tán, mê hoặc bởi những "mánh khóe" của siêu thị.
Xe đẩy hàng nhiều vi khuẩn
Chiếc xe đẩy là vật quan trọng với những ai đi siêu thị, nó giúp chứa hàng hóa và tránh phải mang vác nhiều. Ngày cận Tết, mua sắm tăng đột biến, khách đến tấp nập từ sáng đến tối, do đó các xe đẩy cũng được dùng liên tục, việc vệ sinh chỉ có thể tiến hành sau khi đóng cửa, thậm chí vài hôm siêu thị mới lau chùi xe đẩy 1 lần. Điều đó có nghĩa một chiếc xe đẩy được dùng liên tục nhiều tiếng đồng hồ mà không được lau chùi thường xuyên.
Xe đẩy trong siêu thị có rất nhiều vi khuẩn do qua tay nhiều người mà không được lau chùi thường xuyên
Những bàn tay cầm nắm xe đẩy có thể để lại vi khuẩn trên đó, hết người này đến người khác sử dụng có thể khiến vi khuẩn thâm nhập lên bàn tay, da và vào cơ thể. Do đó, bạn cần rửa tay và hàng hóa thật sạch trước khi chế biến đồ ăn hoặc cho vào tủ lạnh nhằm diệt các vi khuẩn.
Rau củ quả không phải lúc nào cũng tươi
Đi siêu thị hay chợ vào dịp Tết cũng vất vả và mệt mỏi do dòng người quá đông đúc, người người nhà nhà đổ đi mua sắm. Tuy nhiên, nếu như bạn vẫn giữ thói quen đi siêu thị vào buổi chiều tối có lẽ là sai lầm. Nếu muốn có được rau, củ, quả và các mặt hàng thực phẩm tươi ngon, bạn nên đến siêu thị từ lúc buổi sáng bởi thời gian đầu ngày là lúc các mặt hàng mới được nhập về sẽ có mặt trên kệ, nguồn hàng dồi dào. Trong khi đi buổi trưa chiều, những món ăn tươi, ngon nhất đã được khách đến từ buổi sáng chọn và mua hết. Cho nên, bạn nên thu xếp thời gian để đi siêu thị, chợ càng sớm càng tốt.