Mùng 5 Tết Nhâm Dần: Rau xanh ở chợ tăng giá gấp đôi, hải sản tươi sống đắt khách

H.A - Ngày 05/02/2022 09:44 AM (GMT+7)

Thời tiết rét đậm khiến giá rau xanh sau Tết ở các chợ dân sinh ở Hà nội tăng giá vù vù, nhiều loại tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết.

Ghi nhận tại các chợ dân sinh thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào sáng mùng 5 Tết Nhâm Dần, hàng hịt hàng cá còn mở bán ít nhưng các hàng rau đã mở bán trở lại tương đối nhiều. Đây là mặt hàng hút khách nhất vào mỗi dịp ra Tết.

Tại chợ Phùng Khoang, chợ cóc Thanh Xuân Bắc,... một số loại rau xanh có giá tăng gấp đôi, thậm chí có loại tăng gấp 3 nhưng vẫn cháy hàng, lượng người mua nhiều. 

Theo khảo sát, su hào trước Tết Nguyên Đán chỉ 3.000 - 5.000 đồng/củ, nay tăng lên 8.000-10.000 đồng/củ. Cà rốt trước Tết 15.000 đồng/cân, nay tăng lên 25.000-30.000 đồng/cân. Bắp cải 15.000 đồng/cân (tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết). Khoai tây trước Tết 15.000 đồng/kg, nay tăng lên 30.000 đồng/cân. 

Ra Tết, giá rau xanh tại các chợ tăng vọt

Ra Tết, giá rau xanh tại các chợ tăng vọt 

Tăng nhiều nhất là rau cần, lên 20.000 đồng một mớ, gấp ba những ngày trong năm. Rau su su 1 mớ bé 10.000 đồng, một gia đình 4 người ăn phải mua 2-3 bó mới đủ bữa ăn. Rau muống 25.000 đồng/mớ....

Dù đã chuẩn bị khá nhiều rau củ cho gia đình trong dịp Tết nhưng do con cháu về đông đủ, lương tiêu thụ thực phẩm những ngày Tết tăng cao, đến mùng 5 Tết bà Hoàn (ở phường Thanh Xuân Bắc) đã phải đi chợ để bổ sung đồ ăn, đặc biệt là các loại rau xanh. "Dạo một vòng quanh chợ, giá tất cả các mặt hàng như: rau, thịt, tôm đều đội giá cao. Có những loại rau tăng gấp 2-3 ngày thường. Tôi đi từ 6h30 sáng, mua được ít bắp cải, rau cải xanh, su hào, cà rốt, giá tăng nên mỗi thứ tôi chỉ mua một ít, vừa đủ ăn chứ không dám mua xông xênh", bà Hoàn cho hay. 

Theo bà Hoàn, dù giá tăng nhưng vì chỉ có vài hàng bán rau xanh nên nếu đi chợ muộn chắc chắn sẽ không còn rau để mua.

Chị Lan Anh (một tiểu thương ở khu chợ này) cho biết chị mở hàng từ mùng 3 Tết. Đến hôm nay (mùng 5) giá đã hạ nhiệt hơn. Hôm mùng 3 rau củ quả còn đắt hơn rất nhiều nhưng không có đủ hàng để bán. 

Lý giải nguyên nhân giá rau tăng gấp đôi, chị Lan Anh chia sẻ năm nay trời rét đậm, băng giá, nhiều loại rau bị cóng nên thu hoạch kém. Bên cạnh đó, vào dịp Tết, lượng rau về các chợ đầu mối giảm, giá cao khiến giá bán lẻ tăng.

Một nguyên nhân nữa khiến giá rau dịp ra Tết tăng giá là do nhu cầu tiêu thụ rau tăng mạnh những ngày Tết cũng đẩy giá rau xanh tăng. Một số hộ đã tái canh nhưng vẫn không đủ cung ứng vì nhu cầu thị trường đang tăng cao trở lại. Chị Lan Anh nhận định từ nay đến trước rằm tháng Giêng chắc chắn giá rau xanh vẫn giữ ở mức cao.

Người bán lý giải do trời rét đậm, và nhu cầu tăng vọt sau Tết đã đẩy giá rau lên cao

Người bán lý giải do trời rét đậm, và nhu cầu tăng vọt sau Tết đã đẩy giá rau lên cao

Cùng với rau xanh, các mặt hành hải sản tươi sống cũng là mặt hàng đắt khách ngày đầu năm mới. Tại các chợ ở Hà Nội, giá cá tươi tăng 20.000 - 30.000 đồng mỗi kg tuỳ loại. Tôm sú loại to 350.000 đồng một kg, tăng 50.000 đồng; tôm sú loại nhỏ 280.000 đồng một kg, tăng 50.000 - 70.000 đồng... 

"Sau Tết, nhiều hoạt động liên quan đến ăn uống như: tổ chức gặp mặt đầu Xuân, tổ chức mừng Thọ, hàng quán ăn uống cũng mở cửa trở lại nên nhu cầu mua thực phẩm tươi sống tăng cao. số người mở cửa kinh doanh trở lại còn ít, nông dân cũng chưa đồng loạt ra đồng thu hoạch nông sản, các lò giết mổ cũng chưa hoạt động trở lại nên nguồn hàng khan hiếm, giá tăng lên cao hơn so với ngày thường", anh Bảo - người bán hàng hải sản ở chợ cóc Thanh Xuân Bắc chia sẻ. 

Giá cả ở siêu thị vẫn ổn định

Từ mùng 4 Tết, nhiều hệ thống siêu thị đã mở cửa trở lại. Hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thực phẩm tươi sống, rau xanh, thủy hải sản, trái cây… nguồn cung khá dồi dào, nhưng lượng người mua vẫn còn rất vắng.

Nhiều siêu thị mở cửa từ sớm để phục vụ người dân mua sắm đầu năm

Nhiều siêu thị mở cửa từ sớm để phục vụ người dân mua sắm đầu năm

Theo báo cáo tại một số thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ...), những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 42% - 50% so ngày thường; giá các mặt hàng đa số đã trở về mức giá ngày thường, nhiều gian hàng đã kinh doanh buôn bán trở lại, hàng hóa dồi dào, sức bán vẫn chậm và giảm 25% - 35% so với năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều siêu thị đã đóng cửa muộn và mở cửa sớm trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm.

Để bảo đảm nguồn cung, ngay trong dịp Tết, một số hệ thống siêu thị đã dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết.. hệ thống siêu thị còn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi và lì xì cho khách liên tục.

Theo đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ, các đơn vị này tiếp tục duy trì quy định về an toàn phòng, chống dịch, thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn, yêu cầu đeo khẩu trang, bố trí nước xịt tay sát khuẩn, thực hiện đo nhiệt độ… để bảo đảm phòng, chống dịch triệt để, tạo điều kiện để khách hàng yên tâm mua sắm.

                              Chị bán thịt 20 năm tiết lộ phần cực ngon của con lợn: thịt má đào
"Mỗi con lợn chỉ có 200 - 300 gram phần thịt này nên ai muốn mua sẽ phải đến chợ từ rất sớm".

Tiêu dùng thông minh

H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán