Dù 57 năm chưa trở về chốn cũ nhưng lòng bà Gao vẫn luôn nhớ về người thân của mình. Được con gái ủng hộ, bà quyết định tìm lại người thân.
Mới đây, một bà cụ 72 tuổi đến từ Gia Thiện, Gia Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc đã cùng con gái tới phòng đăng ký hộ khẩu của Sở cảnh sát công nghệ cao Tân Giang, Hàng Châu. Do dự một hồi, bà tiến đến quầy làm việc, hỏi nhỏ với chất giọng Tiêu Sơn:
“Xin chào, tôi muốn tìm người thân của mình…”
Yêu cầu tìm người thân không phải là điều hiếm gặp tại đồn công an. Cán bộ phụ trách đăng ký hộ khẩu Zhang Qiuyan sau một hồi hỏi han thông tin thì nhận ra vụ việc khá phức tạp. Bà cụ đến từ nơi khác, hơn 50 năm mới trở lại Tân Giang. Địa chỉ căn nhà cũ trong ký ức của bà từ lâu đã mọc lên những tòa nhà cao tầng. Zhang Qiuyan mời bà cụ ngồi xuống, tỉ mỉ hỏi thêm về những chi tiết cụ thể khác của việc tìm người thân.
Bà Gao lúc này chậm rãi kể về nửa đầu cuộc đời mình:
“Thực ra tôi là người Tiêu Sơn chính gốc, sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi còn có mấy anh em họ vốn chơi với nhau từ nhỏ.
Sau này, tôi theo cha chuyển đi rồi quay trở lại nữa. Tôi lấy chồng ở Gia Thiện, lập gia đình ở đó và cũng chưa bao giờ quay lại Hàng Châu. Tôi chỉ nhớ là nhà cũ của mình ở gần cây cầu lớn, trước đây còn có địa chỉ nhưng sau này liên lạc bị đứt đoạn”.
Khi được hỏi về tên của các anh em họ, bà Gao ban đầu nói nhớ, nhưng lại nhanh chóng lắc đầu:
“Người anh thân nhất của tôi, từ nhỏ tôi đã gọi là “anh cả” nhưng tôi quên mất tên rồi. Bác ruột tôi tên là A Mao, em họ tên là Aiqin, vợ anh họ tên là Afen, tôi nhớ là có một nốt ruồi. Lúc đó tôi còn nhỏ, không nhớ được nhiều…”
Nói đến đây, bà thở dài: “Đã bao năm tôi chưa trở về Hàng Châu nhưng trong lòng luôn nhớ về người thân của mình. Đặc biệt là gần đây, tôi thường mơ thấy cảnh tượng hồi nhỏ khi được chơi đùa với anh chị em.
Tôi đem chuyện kể với con gái và được con đưa về Hàng Châu. Chúng tôi đã đi nhiều nơi nhưng tất cả đã khác rất nhiều, không tìm thấy nơi nào như trong ký ức của tôi”.
Nghe xong, cảnh sát Zhang Qiuyan cảm thấy rất xúc động. Xem lại những ghi chép của mình, cô cảm thấy có thể tìm được thông tin gì đó từ cái tên Aiqin.
Kết hợp với họ của bà Gao, cảnh sát bắt đầu đối chiếu kỹ lưỡng các kết quả tìm kiếm, cuối cùng tìm được 2 người tên Aiqin với thông tin phù hợp nhất. Họ nhanh chóng gọi điện cho người có ngoại hình giống bà Gao hơn nhưng kết quả không đúng người cần tìm.
Người tên Aiqin còn lại không bắt máy nhưng chồng bà đã nghe điện. Sau một vài câu hỏi, họ biết mình đã tìm đúng người. Người ở đầu dây bên kia nhanh chóng cung cấp số điện thoại của người tên là Afen.
Kết quả ngày càng rõ ràng, nhưng Zhang Qiuyan lại không tìm được thông tin về anh trai của bà Gao. Dựa vào kinh nghiệm làm việc về hộ khẩu, cô phỏng đoán người đàn ông này có thể đã qua đời.
Cuộc gọi đến số của Afen nhanh chóng được kết nối, nhưng người nghe máy lại là một người đàn ông. Hóa ra, người đàn ông này là con rể của Afen, anh nói mẹ vợ mình tên là Fenhua, hoàn toàn trùng khớp với lời kể của bà Gao.
“Chuyện này xảy ra hơi đường đột. Có một người lớn tuổi nói là họ hàng của gia đình anh, đã mấy chục năm không gặp. Nếu thực sự là họ hàng thì quá tốt rồi, còn nếu không thì coi như đã làm phiền anh đến đồn công an một chuyến”, Zhang Qiuyan nói.
Ban đầu người nhà hơi do dự, nhưng sau khi nghe đến phần “mấy chục năm”, họ chợt nhớ ra điều gì đó và nhanh chóng đồng ý.
Bà Gao và người nhà ngồi chờ ở sảnh phòng đăng ký hộ khẩu một lúc, đột nhiên có tiếng động ở cửa. Bà đứng dậy, bước đến cửa và ôm chặt người thân vừa bước vào.
“Anh trai của em đã qua đời vào năm ngoái. Trước khi mất, anh ấy vẫn luôn nhớ đến đứa em gái 15 tuổi của mình…”, người chị dâu bật khóc, ôm chầm lấy bà Gao, người đã hơn 50 năm chưa gặp.
“Chị ơi, cuối cùng em cũng tìm thấy chị rồi!”, bà Gao xúc động rơi nước mắt.
57 năm xa cách cuối cùng cũng khép lại. Cảnh tượng đoàn tụ khiến tất cả mọi người có mặt tại đó đều cảm động. Bà Cao đã ở lại nhà chị một đêm, cùng nhau đi dạo và ôn lại những kỷ niệm cũng như chia sẻ về cuộc sống trong suốt nửa thế kỷ qua.