Hiện ở các đền, điện, phủ đã bắt đầu hầu đồng xông đền, khai điện để mọi người đi lễ cầu may, cầu tài lộc đầu năm.
Nô nức đi xin tài lộc, may mắn
Người Việt đầu năm mới thường đi lễ Phật ở chùa, đi lễ thánh ở các đền, phủ, điện để cầu may mắn, sức khỏe, tài lộc, bình an…
Gần đây nghi lễ hầu đồng gắn liền với tục thờ Mẫu rất lâu đời ở Việt Nam - sau những biến cố, thăng trầm đã được công nhận như một di sản văn hóa độc đáo - đã và đang phổ biến ở các cửa đền, cửa phủ, cửa điện để mọi người tham dự diễn xướng hầu đồng, cầu tài lộc, sức khỏe, may mắn.
Thanh đồng trẻ đang nổi ở đất Hà thành là Phương Dung (điện Thiên Linh, phố Trương Định, Hà Nội) cho biết, hầu đồng diễn ra vào nhiều dịp trong năm, nhưng sau Tết các đồng đền, chủ điện thường có lễ hầu xông đền/điện (sau lễ giao thừa năm mới) và lễ hầu Thượng nguyên (Rằm tháng giêng).
Lễ khai xuân có người hầu từ ngay giao thừa, nhiều người chọn làm từ mồng 6 tới lễ Thượng nguyên, nhưng tới 21 tháng Giêng là hết.
Khai điện, trình đền mở phủ đầu năm là việc các thanh đồng phải làm, mục đích là thanh đồng hầu xông đền/điện để cung nghinh Phật Thánh, sau đó các quan thầy mới khai đền mở phủ cho các con nhang đệ tử vào lễ cầu tài lộc, cầu may…
Ví như tại Thiên Linh điện, thanh đồng Phương Dung đã khai điện năm mới Bính Thân, cầu cho bản điện hưng long, cầu cho bách gia trăm họ có sức khoẻ, may mắn, mọi việc hanh thông, cuộc sống an lành, thái bình…
Một giá hầu đồng. Ảnh: Trung Đức
Khai điện xong các “con nhà Thánh” sẽ tổ chức chuyến đi lễ thượng ngàn (phía Bắc, chủ yếu là Lạng Sơn, Lào Cai, Phủ Giầy…) với quan niệm là để xin lộc đầu năm. Đầu xuân họ thường đi về phía Bắc (thượng ngàn) để xin lộc Thánh, mỗi nơi tới “gọi là có mặt” kêu cầu vài câu là trọn lễ.
Vì vậy năm nào cứ Tết xong là các cửa đền, phủ ở Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội... ngày đẹp của tháng Giêng rất dễ thấy cảnh các thanh đồng và con nhang đệ tử kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt được “trình đền mở phủ” đầu năm.
Cao điểm lịch hầu đồng ở các đền, phủ đều “kín cung”, tới mức các cung trong ngoài đều có vấn hầu, đông quá nên có những thanh đồng phải hầu vào ban đêm. Và chỉ cần đi qua cửa cung đã thấy loa cung nọ ồn ã át loa cung kia, du khách may mắn còn được phát quà, phát tiền nhầm.
Đặc biệt là Phủ Giầy – nơi được coi là trung tâm đạo Mẫu những ngày đầu xuân này cung nào trong phủ cũng có vấn hầu, có khi 3 - 4 đoàn cùng hầu, người dự hầu, người quay phim, chụp ảnh tấp nập.
Dự lễ hầu đồng cần chuẩn bị gì?
Theo thanh đồng Phương Dung, một vấn hầu đồng trung bình 3 - 5 giờ, tùy chủ lễ mà có số giá hầu khác nhau, nhưng Lễ khai điện đầu năm các thanh đồng thường hầu nhiều giá hơn bình thường, thời gian từ vài giờ, có khi kéo dài cả ngày.
Tại lễ hầu đồng, du khách như lạc vào thế giới âm nhạc đủ các cung bậc, từ sôi động rộn ràng trống phách, tới nỉ non sáo nhị, đàn bầu… trong không gian nghi ngút khói hương, tiền thật bay rải rác. Các thanh đồng áo mão rất đẹp mắt, đủ sắc màu, phiêu say theo tiếng nhạc mà múa cờ, múa kiếm, long đao, múa quạt, múa hoa, múa khăn… Được biết mỗi bộ trang phục lễ và điệu múa theo các giá chầu các vị thánh, quan, cô, cậu “ốp” vào. Giá nào chính thanh đồng cũng không biết trước, bởi lúc đầu họ định hầu giá này, nhưng khi “tung khăn” thì lại say sưa múa theo giá khác.
Bản điện nào 1 năm cũng lo 4 vấn hầu lớn: Lễ thượng nguyên tháng Giêng, lễ vào hè tháng 4, lễ ra hè tháng 7, và lễ cuối năm tháng 12. Mỗi lễ hầu đồng chủ điện phải chuẩn bị lo liệu đầy đủ hương, đăng, trà, quả, thực phẩm, tiền lẻ… để vấn hầu được viên mãn.
Giá hầu Cô Đôi Cam Đường ở Lạng Sơn. Ảnh: H. D
Dự lễ hầu đồng ở đâu mọi người cũng có ''lễ bạc lòng thành'' để xin lộc làm ăn đầu năm cho may mắn, suôn sẻ. Các con nhang đệ tử dâng tiền là để cầu may mắn, xin các thánh ban cho tài lộc làm ăn, buôn bán… của năm mới sẽ tốt đẹp, hanh thông hơn năm cũ.
Các thanh đồng, các nhà nghiên cứu văn hóa đạo Mẫu đều cho rằng, người làm thầy phải sống trước ơn nhờ phật thánh, sau là nhờ con nhang đệ tử làm ra thì biếu đồng thầy, chứ đồng thầy không ép buộc.
Nhiều người dự lễ hầu đồng chia sẻ, hầu hết mọi người tới cửa Thánh dự lễ hầu đồng, trong không gian âm nhạc, đàn sáo vui ca nhảy múa thì ai cũng hồ hởi muốn đặt một ly, một lại gọi là giọt dầu, quả cau, lá trầu… tùy tâm, tùy điều kiện dâng Thánh Mẫu. Người nào năm trước làm ăn may mắn, tốt lành thì dâng nhiều, ít dâng 5.000, 10.000 đ, không có cũng không sao, chứ không phải dâng nhiều tiền để xin nhiều lộc như một số người lầm tưởng. Thánh chỉ chứng giám tấm lòng thành, chứ không phải cứ lễ cao, tiền nhiều là được thánh “độ”.
Sau lễ hầu đồng, ai ra về cũng hỉ hả vì rủng rỉnh tiền lẻ và được các thánh ban cả túi lộc, với tâm lý nhẹ nhàng, tin tưởng năm mới được các thánh phù hộ cho công việc làm ăn buôn bán phát đạt, cuộc sống may mắn, an lành…
Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã công nhận hầu đồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang trình hồ sơ để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Nghi lễ hầu đồng chứa đựng một di sản về văn học, âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn... vô cùng lớn lao. Đó là một nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian, tưởng nhớ đến công lao của các Mẫu, các vị Thánh (như Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần…). Người xưa quan niệm có 4 thế giới tồn tại: trên trời; dưới đất; dưới nước; trên rừng và đều do một người đàn bà cai quản gọi là các Mẫu, dưới các Mẫu có các Chầu, các quan, các ông, các cô, cậu bé, cô bé, mỗi người chuyên trách một công việc. Ngày nay, hầu đồng đang bị một số người lạm dụng buôn thần bán thánh, biến hầu đồng cổ truyền thành công cụ trục lợi, mê tín… Do đó chúng ta đang cố gắng giữ gìn sự trong sáng của Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng để khẳng định và phát triển một tín ngưỡng lành mạnh, một chỗ dựa tâm linh của người Việt. |