Mua lại những đồ đồng nát rồi sửa chữa, lấy linh kiện lắp ráp lại, người đàn ông này đã kiếm bộn tiền và hiện đang sở hữu 2 biệt thự liền kề, ngôi nhà mặt phố 300 mét vuông.
Sở hữu 3 căn nhà liên kề có mặt tiền dài hàng chục mét, với tổng diện tích 300m2, nằm ngay ngã ba phố Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) rất sầm uất, thế nhưng đập vào mắt người đi đường là một bãi tập kết đầy đồ đạc giống như đồng nát, phế liệu. Chủ sở hữu ngôi nhà cũng như số đồ cũ kỹ này là ông Nguyễn Công Nhân (58 tuổi), còn gọi với biệt danh Nhân “Râu”, vì ông có bộ râu dài khá ấn tượng.
Ông Nhân cho biết, đống đồ cũ kỹ của ông gọi là đồng nát cũng chẳng sai, nhưng đó là đồng nát có giá trị, đồng nát vẫn chạy tốt và giúp người đàn ông này kiếm ra tiền.
Ngôi nhà 300m2 ở ngay ngã ba phố Khương Thượng, nhìn vào chỉ thấy đống phế liệu được xếp từ ngoài vào trong và cả trên tầng 2.
Theo lời kể của ông Nhân “Râu”, ông bắt tay vào việc thu mua và sửa chữa đồ cũ đến nay đã được 25 năm. Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, cả Hà Nội dường như chỉ có mình ông đi theo hướng mua đồ cũ, về lấy linh kiện, sửa chữa, lắp ráp lại và bán ra thị trường. Đó là lý do vì sao mọi người gọi ông với cái tên nghe khá kêu, đó là: “Vua đồ cũ”. Không chỉ có vậy, suốt 25 năm làm việc, ông Nhân cũng đào tạo ra rất nhiều thế hệ học trò, vì thế nhiều học trò vẫn trêu đùa gọi ông là “vua không ngai”, hay “thầy của rất nhiều thầy”.
Dù được gọi là “thầy”, là “vua” nhưng ông Nhân bật mí, ngày xưa ông học rất kém, dường như năm nào cũng bị “đúp”, kết quả ông chỉ học hết lớp 5, tốt nghiệp lấy được tấm bằng tiểu học.
Ông Nhân chia sẻ, bản thân ông chỉ học hết lớp 5 nhưng máu kinh doanh có trong ông từ ngày bé.
Nghỉ học sớm, ông Nhân cùng bố mẹ làm kem rồi kinh doanh mặt hàng này. Dù học kém nhưng do va vấp kinh tế từ khi còn nhỏ nên đầu ông “nảy số” rất nhanh trước những cơ hội mới. “Xưa tôi làm kem với bố mẹ, tiền dù kiếm được nhưng chẳng đáng là bao mà máy móc cứ hỏng hỏng suốt. Rồi khi gọi thợ về sửa nhưng chỉ được vài ngày là hỏng. Trong một lần thợ đến sửa máy, tôi đứng bên cạnh quan sát và hiểu ra vấn đề vì sao máy cứ chạy vài hôm là hỏng và tự tay mình sửa lại. Từ đó tôi nhận thấy cơ hội và đặt ra câu hỏi, vì sao mình không làm công việc này thay vì làm kem, vì nó cho thu nhập tốt hơn làm kem nhiều”, ông Nhân kể lại.
Nghĩ là làm, ông Nhân tự cập nhật kiến thức bằng cách ra chợ giời mua cuốn sách hướng dẫn cách sửa chữa điện tử, điện lạnh về nghiên cứu liên tục trong một tháng. Khi tự cảm thấy “chắc kiến thức”, ông Nhân quyết định xin bố mẹ nghỉ việc làm kem, ra ngoài kinh doanh với số vốn ít ỏi. “Khi đó tôi lo lắm, chỉ sợ thất bại và đêm nào cũng nghĩ hướng đi và cách kiếm tiền”, ông Nhân “Râu” nói.
Những đồ cũ về điện tử, điện lạnh tìm ở đâu không có thì đến chỗ ông Nhân đều có hết.
Do có vốn ít nên ông Nhân bắt đầu công việc kinh doanh của mình bằng cách thu mua lại những đồ điện tử, điện lạnh cũ của dân buôn bán đồng nát. Từ những đồ cũ đó, người đàn ông này mày mò sửa chữa những chỗ bị hỏng, đồ nào hỏng nhiều quá thì tháo linh kiện còn dùng được của máy này, lắp ráp vào máy kia, thế là đồ cũ hỏng thành đồ dùng được và bán ra thị trường. “Trước đây, những đồ cũ qua tay chúng tôi sửa chữa lại chạy tốt và bán ra thị trường với giá chỉ khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng. Khách hàng cách đây 25 năm có cả người nhà Hà Nội gốc cũng tìm đến chúng tôi mua đồ. Còn hiện nay, đồ điện tử nhan nhản nên khách hàng của chúng tôi chủ yếu là người lao động, sinh viên họ mua dùng vài năm rồi bỏ cho đỡ phí”, ông Nhân chia sẻ.
Ngoài bán những chiếc tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nguyên chiếc còn chạy tốt, ông Nhân còn tranh thủ mạng xã hội, bán cả những linh kiện còn tốt cho “đồng nghiệp” ở khắp mọi miền tổ quốc. Ông tự hào nói rằng, đồ mới ông không có nhưng đồ cũ còn tốt và dùng được về mặt hàng điện tử, điện lạnh cái gì ông cũng có.
Hiện ông Nhân đang dạy nghề cho 3 thanh niên, còn trong suốt 25 năm qua người đàn ông này đã đào tạo rất nhiều thế hệ học trò.
Không chỉ biết kiếm tiền cho bản thân, ông Nhân còn tạo công ăn việc làm liên tục cho 4-5 nhân viên, có chỗ ăn chỗ ở tại chỗ. Điều mà các nhân viên đánh giá rất cao với ông đó là sự nhiệt tình, không bao giờ giấu nghề, sẵn sàng truyền dậy cho học trò tất cả những gì mình biết. “Với nhiều người để học được nghề phải mất tiền, nhưng đến chỗ tôi không chỉ được học mà hàng tháng tôi còn trả lương rất đều đặn”, ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, việc học lý thuyết trong trường hợp này cũng tốt nhưng không phải là yếu tố quyết định sự thành công hay lành nghề. Chính thực tế va vấp, thực tế làm việc mới mang lại kinh nghiệm và giá trị thực tiễn. Ông cho biết, nhiều người có bằng cao trong trường nhưng ra không làm được việc, cuối cùng vẫn phải đến chỗ ông xin học nghề thực tế.
Cho đến bây giờ, ông Nhân tự hào vì công việc đơn giản nhưng đã đào tạo ra nhiều thế hệ học viên có thể kiếm được tiền mức thu nhập cao. Họ đều là những người xin đến học nghề điện, nhưng sau đó ngoài học được nghề còn học được luôn cả cách tư duy kinh doanh từ ông. "Có nhiều người hỏi tôi rằng, không sợ đào tạo ra rồi học trò quay lại cạnh tranh với thầy à? Tôi không lo điều đó, đến bây giờ 80% thợ và học viên bước ra từ căn nhà này đều nên người và thành công. Tôi luôn hướng các em, các cháu đến cách kinh doanh từ số vốn ít ỏi. Các em cũng rất nhanh nhạy, mỗi người đi theo 1 hướng chứ dường như không ai bắt chước mô hình của tôi”, ông Nhân tâm sự.
Tuổi đã cao, đã đến lúc người đàn ông này nghĩ đến chuyện nghỉ hưu, an dưỡng tuổi già bên con cháu.
Giờ đây khi đã gần 60 tuổi, ông Nhân cho biết bản thân đang tính dần đến việc “nghỉ hưu” vì tuổi đã cao. Ông cũng không hướng hay truyền nghề cho người thân của mình bởi giờ đây thị trường đã bão hòa, cửa hàng sửa chữa điện tử mọc lên như nấm nên phải hướng kinh doanh sang mặt hàng khác.
“Đến giờ này tôi cảm thấy vui, tự hào về thành quả lao động hơn 20 năm qua. Ngoài ngôi nhà chất đầy đồ cũ này, nhờ kinh doanh đồ cũ tôi còn mua được 2 biệt thự liền kề ở Văn Phú, Hà Đông. Giá trị to lớn hơn đó là đào tạo, dạy nghề cho hàng nghìn học viên, mang lại những đồ dùng tuy cũ nhưng chất lượng không kém gì máy mới tới người dân, dù giá rẻ chỉ bằng một phần”, ông Nhân chia sẻ.