Ngày nắng nóng, anh Tê ngứa toàn thân và khi không chịu đựng được đã dùng tay gãi da thịt đến mức tứa máu.
Ghé vùng núi xa xôi của Ninh Thuận hỏi thăm gia đình anh Tê (50 tuổi) ai cũng hay biết, thậm chí có thể kể vanh vách về hoàn cảnh cũng như bệnh tình của hai vợ chồng. “Họ sống trong căn nhà chật chội, thấp tè, bên trong không có thứ gì đáng giá. Họ sống bằng nghề làm thuê cuốc mướn hoặc vào rừng kiếm lá đu đủ về ăn chống đói.
Bản thân anh Tê bị bệnh vảy nến (một bệnh viêm có biểu hiện rõ nhất là các sẩn và mảng đỏ, ranh giới rõ bao phủ bởi các vẩy da trắng bạc - PV), cơ thể cứ bong tróc trông vô cùng sợ hãi. Anh ấy không dám ra ngoài vì sợ ánh nắng mặt trời. Còn chị vợ bị đại tràng, đau bụng suốt. Nói chung họ cực khổ lắm, bị bệnh tật dày vò suốt”, anh T’rang – một người dân sinh sống gần nhà anh Tê cho biết.
Vừa dứt lời, người đàn ông đưa tay chỉ về phía ngôi nhà ở phía bên kia cánh rừng – nơi ở của vợ chồng anh Tê. Căn nhà không quá rộng, cũng chẳng cao ráo, trông khá lụp xụp và bên trong không có bất cứ đồ vật gì có giá trị.
Thấy chúng tôi ghé thăm, anh Tê niềm nở cho biết: “Lâu lắm mới có người đến thăm gia đình tôi. Tôi mừng lắm vì lâu lâu mới được nhìn thấy người, được trò chuyện thoải mái. Xưa tôi là người có đôi chân hay đi, giao lưu với người dân trong làng trong xã. Sau đó tôi mắc bệnh là ở nhà miết, chẳng dám đi đâu cả".
Anh Tề ngồi trong ngôi nhà rách nát, chẳng có thứ gì đáng giá.
“Anh mắc bệnh từ khi nào? đã đi bệnh viện lớn thăm khám hay chưa?”, khi được hỏi người đàn ông 50 tuổi thành thật cho biết bản thân vốn là người bình thường, có sức khoẻ tốt và làm đủ mọi việc nặng nhọc trong gia đình. Cách đây 10 năm, anh bỗng dưng ngã bệnh, cơ thể yếu dần và da cứ bong tróc trông rất ghê.
“Tôi đã đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh vảy nến thể nặng, đã ăn vào máu, không thể chữa trị được. Nhiều người khuyên tôi nên xuống Sài Gòn một chuyến để kiểm tra tổng thể nhưng làm gì có tiền mà đi cơ chứ. Vì thế tôi đành chấp nhận sống với bệnh tật, đau một chút nhưng tiết kiệm được bao tiền”, anh Tê tâm sự.
Ngày nắng nóng, anh Tê ngứa toàn thân và khi không chịu đựng được đã dùng tay gãi da thịt đến mức tứa máu. Anh bảo cơ thể có đau nhưng “đã” vì hạn chế được cơn ngứa. Sau đó anh bắt đầu phải trải qua những ngày vảy bong tróc từng mảng, ăn mòn vào tận trong thịt. Vì thế làn da của anh mới hồng hào như vậy.
“Nhìn quen sẽ thấy bình thường, chứ ai mà lần đầu gặp tôi sẽ thấy khiếp đảm đó. Bởi da của tôi cứ bong bong, lại màu hồng hồng của máu. Đáng nói tôi chỉ cần ra ngoài nắng chút là toàn cơ thể đau nhức đến lạ. Vì thế tôi đâu có dám đi ra ngoài, suốt ngày nằm trong nhà thôi.
Cơ thể anh bị bong tróc da trông rất xót xa.
Có lẽ nhiều người nghĩ tôi không dám ra ngoài vì sự kỳ thị của người dân. Song tôi xin khẳng định mọi người ở đây sống rất chan hoà, tình làng nghĩa xóm lắm. Hơn cả căn bệnh mà tôi mắc không phải bệnh phong mà là vảy nến, làm sao lây nhiễm được”, anh Tê nói.
Nhắc đến chuyện nắng nóng có ở mãi trong nhà được hay không, anh Tê bảo nóng đến mấy cũng phải chịu vì không còn cách nào khác. Anh cũng ăn uống ít đi do không thể nhuốt nổi vì cổ họng quá đau. Anh hoài nghi bệnh đã “ngấm” dần vào bên trong khiến cơ thể suy nhược đi nhiều.
Về phía vợ anh Tê, chị cũng có bệnh trong người – đại tràng hành hạ ngày đêm. Vì thế chị cũng dần suy kiệt sức khoẻ, không thể lao động quần quật như xưa. Chị nói: “Tôi đau bụng hoài. Tôi có đi bệnh viện khám và được bác sĩ kê đơn thuốc nhưng hết thuốc là lại đau. Tôi nghĩ bệnh đã nặng lắm rồi nhưng làm gì có tiền mà xuống Sài Gòn kiểm tra chứ.
Tôi nghĩ nếu có tiền sẽ dành cơ hội cho anh Tê chữa trị bệnh trước. Tôi đã chứng kiến anh bị cơn đau hạnh hạ suốt chục năm qua mà không có cách nào giúp đỡ. Tôi rất mong muốn có mạnh thường quân dang tay cứu giúp vợ chồng tôi.
Kể cả anh chỉ trị được 1% bệnh cũng quý lắm, chứ nhìn máu tứa ra mà xót xa. Còn tôi vẫn chịu được cơn đau của chính mình”.
Anh Tề đau buồn khi nghĩ đến số phận của bản thân.
Xưa vợ chồng anh Tê mưu sinh bằng nghề làm thuê cho người dân trong làng. Song khi ngã bệnh, họ không thể làm nhiều như trước, cuộc sống ngày càng khốn cùng. Chị vợ phải vào rừng hái lá đu đủ hoặc đào củ về ăn thay cơm với hi vọng có một phép màu diệu kỳ xảy ra.