Chào đời chỉ bé bằng ổ bánh mỳ, thậm chí không có người thân ở cạnh nhưng các bé vẫn duy trì được sự sống nhờ sự chăm sóc, đùm bọc của các nhân viên y tế.
Những đứa trẻ không may mắn trong bệnh viện
Một ngày cuối tháng 2/2021, có mặt tại khoa Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), chúng tôi cảm nhận được không khí tất bật của các bác sĩ, điều dưỡng tại đây. Bác sĩ ra y lệnh, thăm khám cho các em bé nằm trong lồng kính, còn các điều dưỡng thì nhẹ nhàng cho các con ăn từng giọt sữa, vỗ về từng giấc ngủ.
Chị Phạm Thị Loan (Điều dưỡng trưởng khoa Sơ sinh) chia sẻ đa số các bé chào đời được chuyển về khoa đều là trẻ sơ sinh hoặc mắc một bệnh lý bẩm sinh nào đó. Có những trẻ chào đời chỉ nhỏ như ổ bánh mỳ, nhưng sau một thời gian chăm sóc, các con được cai máy thở, được ghép mẹ, rồi thời gian qua đi, các con được trở về với vòng tay yêu thương của gia đình.
Những em bé bị bỏ rơi sau quá trình chăm sóc đã khỏe mạnh và có thể xuất viện, nhưng các em không có người thân đến đón.
Thế nhưng không phải trường hợp nào cũng có được may mắn ấy, khi có những em bé chào đời chưa kịp cảm nhận hơi ấm của mẹ, chưa được hưởng giọt sữa đầu đời đã bị bỏ rơi. Khi nhập viện, các bé đều ở trong tình trạng nguy kịch. Sau quá trình được các y bác sĩ yêu thương, chăm sóc, dù đã đến ngày ra viện nhưng người thân không đến đón, các con mòn mỏi chờ đợi rồi lại về ngôi nhà chung tại trung tâm bảo trợ xã hội.
Chỉ vào 2 em nhỏ say giấc nồng trên “gường bệnh” nhỏ xíu, chị Loan cho biết đó là 2 bé không may mắn, bị mẹ bỏ rơi ngay trước thềm Tết Nguyên đán: bé Nguyễn Minh Phúc An và bé Hoàng Khánh Vy.
Bé Khánh Vy (ảnh trên) và bé Phúc Anh (ảnh dưới) luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của các nhân viên y tế.
Đến nay các cháu đã tăng cân, không còn nằm lồng kính, một bé đã đủ tiêu chuẩn xuất viện nhưng gia đình chưa đến nhận, dù đã thông báo nhiều lần trên phương tiện truyền thông, loa phát thanh của xã phường. Riêng bé Khánh Vy do mắc bệnh xương thủy tinh nên đa số là phải chăm sóc tại giường, hạn chế bế và di chuyển vì xương có thể gãy bất cứ lúc nào.
Bé Phúc An trong vòng tay yêu thương và ngủ ngon trong tiếng ru của điều dưỡng trưởng Phạm Thị Loan.
Đối với bé Phúc An, giờ đây bé đã biết hơn nên từ việc cho ăn, đến chăm sóc giấc ngủ đều phải dỗ dành như chính những đứa con của mình. “Nhiều hôm con gắt ngủ, tôi và các điều dưỡng phải tay nhau bế trên tay, dỗ dành cho con ăn sữa, rồi ru con vào giấc ngủ. Vẫn biết rằng, việc chăm sóc các bé là trách nhiệm của chúng tôi, nhưng với những bé bị bỏ rơi thì ngoài trách nhiệm, chúng tôi còn chăm sóc bằng cả tình yêu thương của một người mẹ dành cho chính đứa con của mình”, điều dưỡng Loan chia sẻ.
Lớn lên trong hơi ấm, tình thương của những y bác sĩ
Với những trẻ sinh non nói chung và trẻ bị bỏ rơi nói riêng, khi đã được tiếp nhận vào khoa đều sẽ nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng. Chỉ có điều những em bé bỏ rơi sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn, khi đó các điều dưỡng không chỉ là người chăm lo sức khỏe, mà còn thay mẹ chăm lo từ giấc ngủ hàng ngày.
Các bác sĩ, điều dưỡng thay nhau chăm sóc cho các em bé sinh non bị bỏ rơi.
Điển hình như trường hợp của bé Khánh Vy, điều dưỡng Phạm Thị Loan cho biết do con bị xương thủy tinh nên quá trình chăm sóc từ thay tã áo, đến cho ăn, thăm khám đều phải thật nhẹ nhàng và khéo léo. “Chăm sóc những trẻ như Khánh Vy phải là người có tâm bởi chăm con rất khó khăn, phải nhẹ nhàng, chỉ mạnh tay hoặc không cùng trên mặt phẳng là con có thể gãy xương. Chúng tôi rất thương các con bị bỏ rơi bởi thiếu thốn tình cảm chăm sóc của gia đình, nhìn các con một mình rất tội nghiệp”, chị Loan nói.
Bé Khánh Vy bị xương thủy tinh nên việc chăm sóc phải vô cùng khéo léo và cẩn thận.
Rồi khi các bé được cai máy thở, không phải nằm lồng ấp, khi đó các bác sĩ dành sự yêu thương cho các con bằng những câu hát ru hay thậm chí là đi xin sữa mẹ để các con ăn…
“Tại khoa đã có những bác sĩ vì thương các con không có người chăm sóc nên sẵn sàng đưa các con về nhà, để các con cảm nhận được sự thương yêu của ra đình. Đến khi có mẹ đến nhận, hoặc đến thời điểm phải giao cho chính quyền, các con lại được đưa đến viện để làm thủ tục. Quá trình chăm sóc, các bác sĩ ai cũng có tình cảm đặc biệt với các con, vì thế khi chia tay không ai nở được nụ cười, vừa thương vừa nhớ các con”, chị Loan tâm sự.
Các bé sinh non bị bỏ rơi giờ đã đủ điều kiện xuất viện nhưng chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.
Với những bé như Khánh Vy, Phúc An bị bỏ rơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên quá trình chăm sóc tại viện, các con nhận được nhiều sự quan tâm của người nhà bệnh nhân, của các mạnh thường quân hơn. “Tết các con cũng được nhận lì xì mừng tuổi, nhiều mẹ đang có con nằm điều trị tại khoa cũng lì xì theo cách rất đặc biệt, đó là giành cho các con những giọt sữa non đầu đời”, điều dưỡng Loan kể lại.
Nhiều năm công tác, đã chăm sóc rất nhiều trẻ bị bỏ rơi, điều dưỡng Phạm Thị Loan nhắn gửi rằng các mẹ khi đã sinh con ra thì phải có trách nhiệm với con, các con đã được làm người thì xin hãy đừng vứt bỏ quyền làm người ấy; dù khó khăn đến đâu cũng để các con được sống trong vòng tay yêu thương của những người thân.