Với người phụ nữ này, việc có thể vào đại học ở độ tuổi ngoài 50 chính là phần thưởng của số phận.
Vừa kết thúc kỳ thi cuối kỳ, bà Zhang Jiling không nghỉ ngơi mà tiếp tục đọc và học. Mới đây, bà bỗng nổi tiếng trên internet sau một đoạn video phỏng vấn về nữ sinh viên đại học đặc biệt ở tuổi 54.
Bà Zhang Jiling đang theo học năm thứ 3 tại trường Đại học Công thương Sơn Tây, Trung Quốc. Người phụ nữ nông thôn đến từ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc này đã bận rộn suốt nửa cuộc đời. Sau khi con trai đỗ vào đại học, bà cảm thấy cuối cùng mình đã hoàn thành một "sự kiện lớn trong đời", quyết định cầm sách lên và bắt đầu cuộc sống của riêng mình.
Vào đại học ở tuổi ngoài 50
Năm 2021, bà Zhang Jiling được nhận vào ngành giáo dục mầm non của Đại học Công thương Sơn Tây, trở thành sinh viên đại học khi 51 tuổi. Trên thực tế, quá trình chuẩn bị cho kỳ thi của bà không hề suôn sẻ. Năm 2020, bà chỉ đạt 367 điểm, không được như kỳ vọng.
“Tôi không thể vừa học vừa làm nhiều năm như vậy được”. Vì vậy, bà đã từ bỏ mọi thứ và tập trung chuẩn bị cho kỳ thi với quyết tâm cao hơn.
Ở tuổi nhiều người đã ở nhà trông cháu, bà Zhang Jiling phải chấp nhận thực tế là trí nhớ của mình không còn tốt như trước. Tuy nhiên, với bà, khó khăn không phải ở khâu chuẩn bị cho kỳ thi mà "Vượt qua định kiến là điều khó khăn nhất". Người thân và bạn bè không biết khi đó bà đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Bà lo lắng mọi người sẽ nói bà không tự lượng sức mình, khơi gợi lại những tổn thương trong quá khứ.
Bà đến trung tâm luyện thi để được tư vấn thêm nhưng không có trung tâm nào nhận học sinh trên 50 tuổi. Khi chính thức đi học ôn, bà lại phải đối mặt với không ít ánh mắt. Khi đi xin giấy xác nhận tại làng, bà thậm chí vì không muốn nghe những lời bàn tán nên đã nhờ chồng đi giúp. Vào ngày thi đại học, bà còn bị nhầm là phụ huynh học sinh.
"Tôi đã chuẩn bị tinh thần trước cho những điều này". Đối mặt với kỳ thi đại học, bà biết mình cần nhiều can đảm hơn các thí sinh bình thường.
Năm 2021, điểm thi đại học của bà Zhang Jiling đạt 388 điểm. "Tuy có chút tiếc nuối, nhưng sau đó tôi cũng đã chấp nhận", bà nói. Khi nộp đơn đăng ký, bà chỉ đăng ký vào một trường duy nhất. Nhớ lại khoảnh khắc nhận được giấy báo trúng tuyển, bà Zhang không thể diễn tả được niềm hạnh phúc.
Cú ngã năm 18 tuổi
Năm 1970, Zhang Jiling sinh ra trong một gia đình nông thôn ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Trong nhà, bà là con thứ 3. Bà có niềm đam mê đọc sách, kết quả học tập từng là niềm tự hào của bà. Thế nhưng, khi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 18 tuổi, Zhang Jiling có thành tích không tốt. Gia đình đã vay tiền để bà học lại 1 năm nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Điều này đã trở thành một vết thương trong lòng bà.
"Khi còn trẻ, tôi đã làm không tốt việc này. Tôi luôn muốn cho mình một lời giải thích”, bà nói.
Sau đó, Zhang Jiling kết hôn và có con. Chồng bà là công nhân nhà máy, còn bà làm thợ cắt tóc. Giấc mơ bà từng ấp ủ bao năm trước đây cũng tan thành mây khói.
Khi con trai học cấp 3, thấy con luôn thích dùng điện thoại di động để kiểm tra đáp án, Zhang Jiling cảm thấy đây là cách suy nghĩ thụ động và không thể ghi nhớ cho mình nhiều kiến thức. Sau nhiều lần trao đổi, bà đã học cùng con, giúp cậu có thêm động lực học tập.
Zhang Jiling đã đề nghị đi thi đại học cùng con trai nhưng vì điều kiện tài chính không cho phép nên bà đành một lần nữa gác lại cùng quyết tâm “Một ngày nào đó, tôi sẽ làm được điều này”. Năm 2019, con trai bà đỗ đại học. Với người phụ nữ này, thành công của đứa trẻ chính là huy chương của mình. Sau khi hoàn thành nhiều cột mốc lớn của cuộc đời, bà quyết định cầm sách lên và thực hiện ước mơ của mình.
Chồng bà đã phàn nàn vì học phí đại học không hề thấp, hơn nữa ở tuổi bà sau khi ra trường có thể làm việc gì. Zhang Jiling lúc này chỉ đáp: "Tôi sẵn sàng tiết kiệm về mặt vật chất, nhưng về mặt tinh thần thì tôi là người quyết định cuối cùng. Tôi muốn giàu có về mặt tinh thần". Chồng bà cuối cùng cũng đồng ý, quyết định ủng hộ vợ.
“Nửa đầu cuộc đời, tôi đã làm những việc mình không muốn làm và nửa sau cuộc đời, tôi chỉ muốn làm những gì mình thích”, Zhang Jiling nói.
Khởi động lại cuộc đời
Sau khi vào đại học, Zhang Jiling dần dần hình thành nếp sinh hoạt mới. Mỗi sáng, bà đều thức dây lúc 5 giờ để học. Ăn xong, bà rời nhà lúc 6 giờ 30 và đến lớp sau 7 giờ, luôn là người đến lớp đầu tiên.
Do sức lực có hạn nên bà Zhang 3 năm qua đều không tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường. "Thật ra tôi có chút lòng tự trọng nên tôi dành phần lớn thời gian để đọc sách và học tập, đôi khi còn chơi piano", bà nói.
Học đại học ở tuổi ngoài 50 là trải nghiệm như thế nào? Với Zhang Jiling, đó là một sự thay đổi lớn. Lúc mới đi học, bà luôn thận trọng, lo lắng sẽ khó hòa nhập với các bạn. Sau này, bà đã trở thành “dì Zhang” của cả lớp. Vốn thích tỉ mẩn làm những món đồ thủ công, bà thỉnh thoảng lại làm những đồ trang trí nhỏ và tặng cho các bạn cùng lớp, đôi khi là những món ăn ngon.
“Vào đại học ở độ tuổi này với tôi chính là phần thưởng của số phận”, bà Zhang chia sẻ.
Zhang Jiling hiện đã vượt qua bài thi CET-4 và đạt chứng chỉ giáo viên tiểu học, mầm non. Những thành tựu này khiến chồng và con trai bà cảm thấy rất tự hào.
Bà biết quỹ đạo cuộc đời mình có thể sẽ không thể đảo ngược. Sau khi tốt nghiệp, bà muốn chia sẻ kiến thức chuyên môn về giáo dục mầm non mà mình đã học ở trường đại học với những người mới làm mẹ, những người coi trọng giáo dục mầm non bởi bà "không muốn sống một cuộc sống tầm thường".