Hiện nay có rất nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, sau việc bị sàm sỡ, xâm hại tình dục, trẻ sẽ chịu ám ảnh tâm lý nặng nề, lâu dài.
Một bé gái đang học lớp 5 trường tiểu học bỗng trở nên cuồng loạn và tức giận khi nghe câu chuyện nam sinh bị xâm hại tình dục trong lớp học giáo dục sức khỏe giới tính. Cô giáo thấy có điều bất thường, sau nhiều lần tìm hiểu mới biết khi học lớp 2, cô bé bị người thân gạ gẫm, xâm hại tình dục, nhưng vì giáo dục gia đình phải tôn trọng người lớn tuổi nên cô bé không dám lên tiếng.
Cô bé học lớp 5 hoảng loạn, la hét khi nghe chuyện nam sinh bị xâm hại tình dục. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ cho biết, thời gian để hành vi xâm hại tình dục bị bại lộ thường mất từ 2 đến 3 năm hoặc lâu hơn, do căng thẳng dồn nén trong tâm trí, 50% trẻ bị xâm hại bị tâm thần suốt đời. Lương Hâm Nghi, bác sĩ điều trị của Khoa Tâm lý Trẻ em Trường Canh Lâm Khẩu, đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu và phát hiện ra rằng trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị bạo hành, xâm hại ngay cả khi chúng được gửi đến các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng tích cực và an toàn, đều mắc bệnh tâm thần.
Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần suốt đời là 54,6%, phổ biến nhất là rối loạn hành vi (22,7%), tiếp theo là rối loạn tăng động giảm chú ý (15,5%) và rối loạn hành vi chống đối (10,3 %), những người khác cũng bao gồm trầm cảm và hội chứng căng thẳng sang chấn.
Bác sĩ Lương Hâm Nghi
Bác sĩ Lương Hâm Nghi đề cập rằng tỷ lệ mắc hội chứng căng thẳng sang chấn ở trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng cao hơn 41 lần so với thanh thiếu niên bình thường. Một số người sẽ cảm thấy bất ổn, co rúm, kích động và thậm chí phản ứng hung hăng miễn là những người khác nói to hoặc giơ tay tương đối cao. Cần nhiều lần tham vấn và tư vấn tâm lý để thiết lập mối quan hệ với trẻ trước khi bác sĩ có thể hỏi nguyên nhân của cơn đau và kê đơn thuốc phù hợp.
Giúp trẻ sau cú sốc bị xâm hại tình dục
Tiến sĩ Diệp Quốc Vĩ, giám đốc Trung tâm chăm sóc trẻ em Trường Canh Lâm Khẩu nói rằng, các nghiên cứu và cảnh báo của quốc tế cho thấy, những người lạm dụng tình dục trẻ em thường nhất là những người thân, sống gần gũi xung quanh. Tâm lý trẻ lại sợ hãi, rụt rè không dám nói cho phụ huynh biết việc mình bị lạm dụng. Phụ huynh cần quan tâm, chú ý đến những biểu hiện, thay đổi tâm lý của trẻ.
Theo tiến sĩ Diệp, với trẻ bị xâm hại: Nếu con có biểu hiện rối loạn hành vi hoặc rối loạn cảm xúc rõ (thường là có ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, hoặc công việc của con và mọi người xung quanh) thì cần được đi khám tâm lý hoặc tâm thần. Nếu có biểu hiện nhẹ hơn thì khám tâm lý thôi, chủ yếu để tâm lý gia giúp con nói về cảm xúc và vấn đề lo lắng của con.
Cha mẹ cần phải chú ý đến những thay đổi trong tâm lý của con cái
“Phụ huynh, những người xung quanh không chê bai, chửi bới hay hỏi đi hỏi lại chuyện con bị xâm hại”, Tiến sĩ Diệp nhấn mạnh. Phụ huynh cần lắng nghe con nói (khi con muốn nói), tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của con, cho con thấy là phụ huynh muốn và có thể giúp đỡ con chứ không phải muốn phạt con. Sau đó, phụ huynh có thể tế nhị dạy hoặc cho con học, đọc về cách tự bảo vệ bản thân.
Tiến sĩ Diệp nói: “Tóm lại thì ở giai đoạn mới, phụ huynh cần giữ thái độ bình tĩnh, cho con thấy là con được ba mẹ thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ, cho con khám khi cần, dạy con tự bảo vệ (nếu thuận tiện). Về lâu dài, hãy dạy con tự bảo vệ (một cách tế nhị, không nhắc lại hoặc răn đe chuyện cũ), quan sát những biểu hiện của con để cho trẻ điều trị sớm”.
Mặt khác: “Xét về tâm lý, việc “lấy lời khai của trẻ”, yêu cầu trẻ kể về chuyện bị xâm hại càng lặp đi lặp lại thì đứa trẻ càng có nguy cơ diễn biến nặng hơn vì phải nhớ đi nhớ lại nhiều lần”.
Theo tiến sĩ Diệp, tại nhiều nước tiên tiến, khi điều tra những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ, cơ quan chức năng sẽ cố gắng sắp xếp để hỏi một lần, có sự chứng kiến của các bên luật sư, nhân viên xã hội chuyên trách về vấn đề xâm hại và cả chuyên viên tâm lý; cùng tạo không gian riêng tư, an toàn cho trẻ.