Từ sở thích ngắm nhìn những con ốc có chân bò lổm ngổm vui mắt ngày bé, anh Phan Thanh Tùng đã nuôi hàng nghìn con ốc mượn hồn để bán với giá từ 450-950.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 500.000 đồng/con.
Chỉ vào 5-6 chiếc hồ đủ kích cỡ, anh Phan Thanh Tùng – trú tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đây là loài động vật rất dễ bị tổn thương bởi thân hình có lớp bụng mềm, để bảo vệ, chúng phải ẩn mình trong những chiếc vỏ ốc biển nên được mang tên là ốc mượn hồn.
“Ngày bé quê tôi nhiều ốc này lắm,bọn trẻ con chúng tôi rất thích chơi với những con ốc này bởi nó lạ, vỏ ốc nhưng ruột lại là những con cua có hình thù kỳ quái và chạy rất nhanh. Thậm chí, khi chúng tôi nhốt chung cả chục con lại, chúng liền xếp chồng lên nhau để đào tẩu, thông minh lắm”, anh Tùng kể.
Ốc mượn hồn là những con cua hoặc tôm có hình dạng kỳ dị, mượn vỏ ốc để làm nơi trú ẩn.
Lớn lên, vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, anh Tùng không quên mang theo những con ốc mượn hồn từ vùng biển quê mình lên thành phố nuôi trong bể thủy sinh để làm cảnh nhằm giữ lại một phần kí ức.
Hàng ngày, rong ruổi trên khắp các nẻo đường để cung cấp hành, tỏi, nước mắm và các loại đặc sản Lý Sơn cho cửa hàng thực phẩm, nhìn thấy những công viên chật ních trẻ con với những món đô chơi công nghiệp vô tri vô giác, anh Tùng nghĩ ngay đến việc bán ốc mượn hồn làm đồ chơi cho trẻ con.
“Tôi về quê mang những con ốc mượn hồn lạ mắt đi bán ở các cổng trường, công viên, nơi có đông trẻ em vui chơi, chúng rất tò mò và thích”, anh Tùng chia sẻ.
Những con ốc được anh Tùng nuôi với đủ các màu sắc.
Từ con ốc nhỏ xíu có giá chỉ 5-10.000 đồng, dần dần, việc nuôi ốc mượn hồn làm thú cưng trở thành trào lưu yêu thích của giới trẻ, ốc mượn hồn được lùng mua ngày một nhiều, thậm chí còn xuất hiện những con ốc nhập khẩu có giá trị lớn, từ 2-3 triệu đồng/con.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, mấy năm gần đây, anh Tùng đã cùng với anh trai tận dụng mảnh đất khoảng 100m2 sát bên nhà xây tường, kéo lưới xung quanh, nuôi khoảng 3.000 con ốc mượn hồn.
“Loại ốc này nuôi rất dễ bởi chúng sống cạn và ăn tạp, từ rau, củ, quả cho đến thịt, cá chúng đều ăn được. Khi chúng lớn sẽ tìm đến những chiếc vỏ ốc to hơn để thay vỏ, chiếc vỏ cũ lại được các con bé hơn chui vào”, anh Tùng cho hay.
Chúng có giá chỉ từ 5.000 đồng đến nửa triệu đồng/con tùy vào kích cỡ và màu sắc, chủng loại.
Ngoài thu mua rồi để lại nuôi tại nhà, anh Tùng còn giao cho các cửa hàng bán cá cảnh hoặc các đầu mối bán với giá từ 450-950.000 đồng/kg. Tùy tình hình thời tiết mà bà con đánh bắt được ốc nhiều hay ít, trung bình mỗi tháng anh Tùng cung cấp ra thị trường từ 20-30kg ốc.
Không những thế, anh còn nhập khẩu những chiếc vỏ ốc có màu sắc đặc biệt từ Indonesia về làm “nhà” trú ngụ của ốc mượn hồn. Những con ốc có vỏ nhập khẩu này thường có giá từ 300-500.000 đồng/con, tùy kích cỡ và chủng loại, màu sắc.
Thậm chí lên đến 2-3 triệu đồng/con đối với ốc gọi hồn được nhập khẩu.
Theo anh Tùng, thời gian gần đây, nhiều khu vực bờ biển nơi ốc sinh sống bị bê tông hóa để phục vụ du lịch nên số lượng ốc mượn hồn ngày càng ít. Vì vậy, việc nuôi loại ốc này cũng góp phần bảo tồn.
“Mình bán chủ yếu để tạo niềm vui cho trẻ con, giữ lại kí ức, hỗ trợ anh em có thêm thu nhập và đặc biệt để bảo tồn loại ốc này. Vì vậy, khi có một số thương lái người Trung Quốc còn đặt vấn đề mua với giá gấp đôi giá tại Việt Nam nhưng tôi không bán bởi mình không biết mục đích của họ mua để làm gì”, anh Tùng bày tỏ.