Sinh song thai được 40 ngày phải chịu cảnh mất đứa con đầu, người mẹ phải nén nỗi đau chạy vạy khắp nơi kiếm tìm sự sống cho đứa con còn lại suốt 2 năm qua.
Con chưa một lần được bế thì đã ra đi
Gặp chị Phạm Thị Ngát (SN 1989, ở Hòa Bình) đang chăm con ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chúng tôi khá bất ngờ vì gương mặt của chị già hơn so với tuổi rất nhiều.
Chị cho biết, suốt 2 năm qua chưa đêm nào chị có được một giấc ngủ ngon, vì khi con vừa sinh ra đã phải nuôi trong lồng ấp, sau đó một cháu tử vong, cháu còn lại bệnh tật triền miên. Hai vợ chồng chị phải tìm đủ mọi cách chữa bệnh cho con.
Theo lời kể của chị Ngát, năm 2015 chị kết hôn, sau đó hai vợ chồng chị vui mừng khôn xiết khi bác sĩ thông báo chị mang song thai.
Chị Ngát vừa ôm con, vừa kể lại những chuyện đã xảy ra với cuộc đời mình.
Khi có thai, sức khỏe chị Ngát hoàn toàn bình thường nên chị vẫn đi làm ở một tiệm bánh ngọt để kiếm tiền sau này nuôi con. Rồi khi đến tháng thứ 7 của thai kỳ, chị bất ngờ chuyển dạ và lập tức được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương cấp cứu.
Tại đây, chị sinh 2 bé trai với cân nặng mỗi cháu được 8 lạng. Hai vợ chồng quyết định đặt tên con là Nguyễn Thành Bắc (anh) và Nguyễn Thành Nam (em). Do sinh non tháng, nhẹ cân 2 con trai chị Ngát được nuôi trong cùng một lồng kính. Khi đó vợ chồng chị phải thuê nhà trước cổng viện để tiện chăm sóc con.
Khi mới sinh ra, bé Bắc phải nằm trong lồng ấp suốt 2 tháng trời.
40 ngày nuôi 2 con ở trong lồng kính, chị Ngát chỉ được nhìn ngắm con qua ô cửa nhỏ, biết là rất khó khăn nhưng chị cảm thấy vui vì khi đó 2 con rất tình cảm với nhau. “Mỗi khi tôi vào thăm con, tôi đều thấy 2 con nắm tay nhau, khoác vai nhau, thấy vậy mọi mệt nhọc trong người tôi tan biến hết”, chị Ngát nhớ lại.
Nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được lâu, đến ngày thứ 40 sau khi chào đời, người em tên Nam đã trút hơi thở cuối cùng vì sức khỏe quá yếu. Khi đó, chị Ngát đã khóc cạn nước mắt vì thương con và chị tự trách mình khi chưa làm tròn bổn phận.
“Thương con lắm, chào đời được 40 ngày mà chưa được bú mẹ lần nào, chưa cảm nhận được hơi ấm của mẹ thì con đã mãi mãi ra đi”, chị Ngát nghẹn ngào.
Sau khi con ra đi, chị Ngát cùng chồng nhận con trong đáu đớn và đưa con về quê an táng. Trong khi đó người anh vẫn đang phải điều trị tích cực trong lồng kính.
Bé Bắc phát hiện ra căn bệnh hẹp hộp sọ, đầu bé biến dạng hình thuyền.
Nén nỗi đau để kiếm tìm sự sống cho con
Về quê lo việc cho con được 1 ngày, hai vợ chồng chị Ngát tự động viên nhau để tiếp tục trở lại Hà Nội, chăm nuôi và dành tất cả yêu thương cho bé Bắc.
Hai tháng sau khi chào đời, bé Bắc đã cai được lồng ấp, sau đó được xuất viện về nhà. Trong 6 tháng đầu đời bé Bắc phát triển tốt, có tăng cân và rất ngoan. Đó chính là động lực để vợ chồng chị Ngát vượt qua nỗi đau quá lớn khi mất một đứa con.
Tưởng rằng mọi thứ cứ êm đềm trôi qua, nhưng đến tháng thứ 6, trong một lần tắm cho con, chị Ngát phát hiện trên đầu con có dấu hiệu bất thường khi hộp sọ lõm xuống, phần da đầu phồng lên và cứng lại.
Gần 2 năm qua, bé Bắc phải đi viện liên tục để điều trị.
“HTôi vội vàng đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ kết luận con tôi mắc bệnh hẹp sọ não, đầu biến dạng hình thuyền”, chị Ngát chia sẻ.
Thăm khám xong, do chưa đủ điều kiện phẫu thuật nên bé Bắc được đưa về nhà chăm sóc, thỉnh thoảng lại đi viện khám và mỗi lần bệnh tình càng nặng thêm, nhưng chưa thể phẫu thuật được.
Cho đến khi bé Bắc được 19 tháng tuổi, mắt lồi ra có nguy cơ bị mù, cùng với đó là hộp sọ ngày càng đóng hẹp lại khiến não dần teo đi, đầu móp hình thuyền... Nếu không được phẫu thuật kịp thời, nguy cơ bé Bắc phải sống thực vật là rất cao.
“Chỉ có phẫu thuật mới cứu được mạng sống cho con, nên tôi và chồng quyết định khăn gói xuống Hà Nội, đưa con vào Bệnh viện Xanh Pôn khám,phẫu thuật. May mắn, cuối tháng 3 vừa rồi con đã phẫu thuật thành công. Bác sĩ nói nếu để quá 2 tuổi, não đóng kín thì không còn cơ hội”, chị Ngát chia sẻ.
Đến nay đã 2 tuần sau khi phẫu thuật, con trai chị Ngát đầu dù vẫn băng bó, nhưng sức khỏe đã ổn định, liên tục đòi mẹ cho ăn và bi bô nói chuyện. “Thấy con khỏe và tiến triển tốt tôi mừng lắm, như vậy là có hy vọng rồi, con tôi sống rồi”, chị Ngát vừa nói vừa nhìn con với ánh mắt đầy hy vọng.