Thiếu nữ 17 tuổi này đã trở thành nô lệ tình dục suốt 2 tháng, bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần.
Năm 2018, một vụ án tấn công tình dục đã gây chấn động Maroc, một quốc gia ở Bắc Phi. Một thiếu nữ 17 tuổi đã bị 11 gã đàn ông bắt cóc, cưỡng hiếp, tra tấn, ép trở thành nô lệ tình dục. Hai tháng sau đó, thiếu nữ này được giải cứu nhưng bố mẹ cô thậm chí không nhận ra hình hài con gái. Dù phải mang theo nỗi đau và sự ám ảnh suốt cuộc đời nhưng thiếu nữ này vẫn quyết tâm đứng ra vạch trần những kẻ đã gây ra tội ác với mình.
Đó là câu chuyện của Khadija Okkarou, hiện 20 tuổi. Tháng 4/2018, Khadija đang đi bộ bên ngoài nhà của một người họ hàng thì bất ngờ bị một nhóm đàn ông lạ mặt bắt cóc. Khadija khi ấy mới 17 tuổi đã bị bỏ đói, đánh thuốc mê, châm tàn thuốc lá vào người, xăm chi chít các hình thù lên cơ thể, bị tra tấn khủng khiếp cả về thể chất lẫn tinh thần, và bị hãm hiếp bởi 11 gã đàn ông đốn mạt.
Sau 2 tháng sống trong "địa ngục", Khadija đã được giải cứu. Bộ dạng thân tàn ma dại của cô trong ngày trở về khiến bố mẹ không thể nhận ra.
Tuy nhiên, thay vì giữ im lặng như nhiều nạn nhân tình dục khác, Khadija đã đưa ra một quyết định dũng cảm. Năm 2018, thiếu nữ này đã xuất hiện trên một chương trình truyền hình, lên tiếng công khai về vụ tấn công tình dục để vận động chống lại quấy rối và bạo lực tình dục, đồng thời vạch trần những kẻ đã gây ra tội ác với mình. Đây là một động thái hiếm thấy ở quốc gia bảo thủ vùng Bắc Phi này.
Vụ việc của Khadija đã gây chấn động khắp đất nước Maroc và một nhóm phụ nữ đã tạo ra phong trào #Masaktach - “Tôi sẽ không giữ im lặng”, để cùng nhau chống lại bạo lực tình dục.
Khadija nói trên tờ The Guardian: "Đối với mỗi cô gái hoặc phụ nữ, tôi không muốn điều này xảy ra một lần nữa. Tôi muốn chuyện này dừng lại và tôi muốn những người phụ nữ trở nên can đảm hơn".
Kể từ khi lên tiếng công khai về vụ tấn công, Khadija đã bị nhiều người buộc tội nói dối và mang "tiếng xấu" nhưng Khadija nói rằng sự ủng hộ của những người thân trong gia đình và các nhà vận động phụ nữ đã giúp cô không đánh mất hy vọng. "Xung quanh tôi là những người tốt bụng, tử tế và tôi rất tin tưởng họ", Khadija nói.
Tất nhiên, ngoài những nỗi đau về thể xác, Khadija cũng phải gánh chịu hàng loạt chấn thương nặng nề về tâm lý. Cô phải tới gặp bác sĩ tâm lý để điều trị vì không thể chịu đựng được khi nhìn vào những vết sẹo và hình xăm trên cơ thể mình. Cú sốc tâm lý và sự kỳ thị của xã hội cũng khiến gia đình Khadija không dám ra ngoài.
"Tôi mong những hình xăm này biến mất càng sớm càng tốt vì tôi không thể đi học hoặc ra ngoài với chúng. Tôi không thể chịu đựng được và cảm thấy bị tổn thương rất nhiều. Bố tôi không còn như xưa nữa, cuộc sống của ông ấy đã thay đổi. Ông ấy không còn ra ngoài làm việc hay đi chơi nữa. Tất cả chúng tôi đều ở trong nhà. Họ đều đang bị tổn thương", Khadija chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, khi bố mẹ của một trong những nghi phạm được báo giới phỏng vấn, họ còn đổ lỗi rằng chính Khadija đã tự nguyện xăm mình và dùng tàn thuốc lá để làm hại bản thân. Họ nói rằng Khadija có cuộc sống sa đọa, gây nên tiếng xấu, mọi chuyện đều là do Khadija tự nguyện và cố gắng bênh vực con trai họ.
Đã 3 năm trôi qua kể từ sau vụ việc chấn động, vào ngày 22/9/2021 vừa qua, luật sư của Khadija, ông Ibrahim Hachane cho biết 11 nghi phạm đã bị cáo buộc nhiều tội danh khác nhau bao gồm bắt cóc, giam giữ và cưỡng hiếp tập thể thiếu nữ 17 tuổi, mỗi người bị kết án 20 năm tù giam. Ngoài ra, còn 2 đồng phạm khác cũng bị kết án 2 năm tù và một năm tù treo.
Ngoài ra, 11 kẻ đã tấn công tình dục nạn nhân Khadija cũng bị phạt tiền 200.000 dirham (đơn vị tiền tệ của Maroc) (hơn 500 triệu đồng).
Tuy nhiên, luật sư Ibrahim Hachane cho rằng, bản án trên chưa thực sự thích đáng vì tội buôn người có thể bị phạt tới 30 năm tù, đồng thời cho biết ông sẽ kháng cáo. "Nạn nhân vẫn đang được điều trị và những gì cô ấy đã trải qua sẽ theo cô ấy đến hết cuộc đời", luật sư Ibrahim nói.
Theo The Guardian, các nạn nhân bị hiếp dâm ở Maroc thường phải chịu chấn thương kép do xã hội bảo thủ thường đổ lỗi cho họ. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông và các nhóm bảo vệ quyền lợi của nước này thường xuyên lên tiếng cảnh báo về nạn bạo lực đối với phụ nữ.
Vào năm 2018, một luật chống lạm dụng có hiệu lực lần đầu tiên giúp phụ nữ Maroc được pháp luật bảo vệ khỏi "các hành vi được coi là hình thức quấy rối, gây hấn, bóc lột tình dục hoặc đối xử tệ bạc". Luật mới cũng mở đường cho các nạn nhân của bạo lực được hỗ trợ, đồng thời dám mạnh dạn tố cáo những tội ác mà phụ nữ thường là nạn nhân.