Ruột của loại quả này khi cắt ra giống hệt bông hoa. Với quá trình thu hái, sơ chế mất nhiều công sức nhưng lại có hương vị đặc trưng nên giá của nó lên tới 500.000 đồng/kg.
Từ trước đến nay, người tiêu dùng đã quá quen thuộc với quả măng cụt chín được bày bán khắp các cửa hàng, siêu thị hoa quả với giá từ 30-60.000 đồng/kg. Măng cụt chín có vị chua nhẹ, ngọt thanh và mùi thơm dịu, có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên được rất nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, ít ai biết được quả măng cụt xanh cũng được biến tấu thành món ăn ngon và được nhiều thực khách khắp nơi săn lùng với giá không hề rẻ.
Măng cụt xanh trở thành đặc sản khi ruột của nó có thể chế biến được món gỏi nổi tiếng.
Chị Bùi Nguyễn Ngọc Hà, trú tại thị xã Bình Long (Bình Phước) cho biết, măng cụt xanh mỗi năm chỉ có một mùa nên năm nào đến mùa chị cũng đặt măng cụt xanh ở Lái Thiêu (Bình Dương) về chế biến với giá 500.000 đồng/kg.
Theo chị Hà, Lái Thiêu là xứ sở của măng cụt, món gỏi măng cụt cũng là món ngon nổi tiếng tại nơi đây. Trước kia, đình chị kinh doanh nhà hàng tiệc cưới nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên hiện tại chị chỉ bán online, trong đó có món gỏi măng cụt được rất nhiều người ưa thích.
Ruột măng cụt xanh được sơ chế đúng cách sẽ có độ giòn, ngon, chua chua, ngọt ngọt rất đặc biệt.
“Măng cụt xanh mắc hơn măng cụt chín nhiều. Tôi mua với giá 500.000 đồng/kg ruột măng cụt. Giá cao nhưng do quả măng cụt còn xanh nên phần vỏ rất cứng và có nhiều mủ, nếu người mua không biết sơ chế thì măng cụt sẽ bị đen và ăn sẽ bị chát. Chưa kể, để có 1kg ruột măng cụt phải gọt mất 5-6kg măng cả vỏ”, chị Hà phân tích.
Măng cụt xanh sau khi tách vỏ, làm sạch nhựa được bán với giá 500.000 đồng/kg.
Măng cụt xanh được chị Hà làm món gỏi gà măng cụt. Cứ 2-3 ngày, chị Hà lại đặt khoảng 5-6kg ruột măng cụt về rồi rửa sạch bằng nước muối để rửa sạch mủ còn sót lại rồi cất vào tủ lạnh để giữ độ giòn của măng. Khi trộn gỏi xong, bước cuối cùng chị mới bỏ măng cụt vào trộn cùng và giao ngay cho khách để tránh làm dập măng và mất độ giòn.
Cứ mỗi kg măng cụt, chị Hà làm gỏi với 10 con gà, mỗi con chị bán với giá 400.000 đồng. Mỗi đợt chị làm từ 30-40 con gà bán hết veo. Khách nào thích ăn thêm măng cụt chị cũng bán riêng với giá 100.000 đồng/200gr.
Món gỏi gà măng cụt xanh trở thành đặc sản nổi tiếng.
Anh Nguyễn Thiên Phúc, chủ nhà vườn trồng măng cụt tại Lái Thiêu (Bình Dương) cho biết, gia đình anh có khoảng 5 mẫu trồng măng cụt. Măng cụt tại Lái Thiêu đa số là những cây măng có từ 30 năm trở lên, món gỏi gà măng cụt cũng được coi là đặc sản của vùng đất này.
Gỏi gà măng cụt xanh.
Chia sẻ về món gỏi măng cụt, anh Phúc cho hay, măng cụt để làm món gỏi phải chọn những quả vừa tới, không quá non cũng không quá chín, da vẫn còn xanh nhưng phải đủ độ già. Như vậy ruột măng mới có độ giòn, vị chua chua, ngọt ngọt vừa phải, phù hợp để làm món gỏi.
Theo anh Phúc, giá ruột măng cụt xanh vào đầu mùa khoảng 700-900.000 đồng/kg nhưng đến thời điểm này chỉ khoản 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi có người đặt bên anh mới hái, hoặc khi thu hoạch trái chín nhưng hái nhầm quả xanh thì mới có để bán.