Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành 'hợp lực' phòng, chống dịch MERS

Ngày 04/06/2015 10:35 AM (GMT+7)

Trước sự nguy hiểm và tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch MERS – CoV, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống dịch xâm nhập vào Việt Nam.

Theo công điện của Thủ tướng chính phủ, tính đến ngày 3/6 thế giới đã ghi nhận 1.179 trường hợp mắc bệnh MERS-CoV trong đó có 442 trường hợp tử vong. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt. Hiện, dịch đang bùng phát tại 9 quốc gia vùng Trung Đông và đã lan đến 17 quốc gia khác, trong đó đáng chú ý có những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch MERS, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV để thông báo kịp thời về tính nguy hiểm, nguyên nhân lây bệnh, cách thức lan truyền và phương pháp phòng, chống dịch cho nhân dân biết để nhân dân chủ động phòng, chống dịch MERS-CoV; đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam để chủ động lên kế hoạch phòng, chống.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành hợp lực phòng, chống dịch MERS - 1

Công điện hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phòng chống dịch MERS.

Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá-Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kế hoạch phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV của Bộ Y tế, có kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV lây nhiễm vào Việt Nam.

Bộ Y tế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như hướng dẫn, tập huấn, diễn tập việc theo dõi, cách ly y tế, chăm sóc y tế đối với các trường hợp mắc bệnh dịch MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như tại địa phương nhằm chủ động chống dịch, ngăn chặn lan rộng ra cộng đồng và hạn chế thấp nhất tử vong và số người mắc bệnh trong trường hợp có dịch nhiễm vào Việt Nam.

Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến nghị người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch bệnh MERS-CoV; cũng như những trường hợp đang ở vùng dịch có nhu cầu đến, hoặc trở về Việt Nam. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành hợp lực phòng, chống dịch MERS - 2

Bộ Y tế giám sát dịch ngay từ sân bay.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có khuyên cáo tới toàn thể người dân nhăm ngăn chặn dịch MERS vào Việt Nam. Theo đó, người dân cần hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết. Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.

Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.

Những người trở về từ Khu vực Trung Đông, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS-CoV.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS