Tin tức 24h: Thông tin mới nhất vụ bé trai 2 tuổi mất tích trước nhà, nghi bị bắt cóc 

Bảo Anh. - Ngày 17/10/2021 19:08 PM (GMT+7)

Trang cá nhân của chị Hồ Thị Bích Nhi (Bình Dương), mẹ bé trai Lâm Gia Hưng mất tích khi chơi trước nhà chia sẻ thông tin về 1 bé trai nghi nghi bị bắt cóc mang nhiều đặc điểm giống con mình. 

Thông tin mới nhất vụ bé trai 2 tuổi mất tích trước nhà, nghi bị bắt cóc 

Khoảng 15 giờ ngày 17/10, trang cá nhân của chị Hồ Thị Bích Nhi, mẹ bé trai Lâm Gia Hưng mất tích khi chơi trước nhà chia sẻ thông tin:

“Chiều nay người dân nhìn thấy 2 thanh niên lội qua sông dưới cầu Minh Long để thông chốt. 1 người mặc áo màu, một người mặc áo đen cao 1m60, trên người có bế 1 bé trai hơn 2 tuổi mặc áo đen, nghi ngờ bắt cóc. Gia đình đang nghi là bé Tanu người nhà đang tìm nên ai có gặp thì liên hệ cho gia đình em gấp”. 

Thông tin đăng tải trên trang cá nhân của mẹ bé trai 2 tuổi mất tích khi chơi trước nhà. (Ảnh chụp màn hình)

Thông tin đăng tải trên trang cá nhân của mẹ bé trai 2 tuổi mất tích khi chơi trước nhà. (Ảnh chụp màn hình) 

Anh Lâm Gia Đạt (bố của cháu bé) cho biết, ai thấy bé Hưng ở đâu xin báo theo số điện thoại 03. 88877 921, gia đình xin cảm ơn và hậu tạ 200 triệu đồng.

Bé Lâm Gia Hưng

Bé Lâm Gia Hưng

Sáng cùng ngày, Công an huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã phát đi thông báo tìm người mất tích là bé Lâm Gia Hưng (SN 2019, ấp Tân Định, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Theo trình báo của gia đình, khoảng 10 giờ ngày 15/10, bé Hưng cùng mẹ là chị Hồ Thị Bích Nhi (SN 1997) chơi trước nhà. Sau khi quay vào trong nhà rồi trở ra, chị Nhi đã không thấy con trai đâu nữa.

Nơi gia đình bé sinh sống là khu vực gần rừng cao su, không có camera bên đường nên việc tìm kiếm gặp khó khăn. Vụ việc đã được cơ quan CSĐT Công an huyện Dầu Tiếng báo cáo lên Cục C01 Bộ Công an, Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương để tiến hành truy tìm. Trước khi mất tích, bé mặc áo thun đen ngắn tay, cổ áo có nền trắng, quần xanh, không đội nón và không mang dép.

Nghi vợ ngoại tình với sếp, 8X mua xăng đốt ô tô "người tình": Hé lộ lời khai

Ngày 17/10, thông tin từ Công an quận 7, TP.HCM cho biết, đơn vị đang tạm giữ Khổng Minh Toàn (37 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản.

Theo cảnh sát, Toàn ghen tuông khi nghĩ vợ mình có quan hệ tình cảm với cấp trên. Ngày 13/10, nghi phạm mua xăng mang đến đường D4 (phường Phú Thuận, quận 7) đốt ôtô của người đàn ông nói trên.

Sau khi gây án, Toàn bỏ trốn khỏi hiện trường. Người dân hỗ trợ chữa cháy nhưng không thành, ngọn lửa lan sang một chiếc ôtô đậu kế bên.

Công an quận 7 điều lực lượng đến dập lửa, trích xuất hình ảnh từ camera an ninh, qua đó xác định Toàn là nghi phạm phóng hỏa. Khi được đưa về trụ sở công an, nghi phạm thừa nhận hành vi.

Theo cảnh sát, vụ cháy gây hư hỏng 2 chiếc ôtô, ước tỉnh thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Công an đưa Toàn ra thực nghiệm hiện trường. Ảnh: Công An Nhân Dân

Công an đưa Toàn ra thực nghiệm hiện trường. Ảnh: Công An Nhân Dân

Liên quan đến sự việc, Công An Nhân Dân dẫn lời Toàn tại cơ quan công an cho hay, nguyên nhân dẫn đến hành vi đốt xe là do ghen tuông. Theo đó, thời gian gần đây Toàn thấy vợ mình có biểu hiện lạ, luôn buồn bực. Khi tra hỏi, vợ Toàn cho biết buồn vì cấp trên của mình là ông T.A.Đ sắp sửa lấy vợ. Nghi ngờ vợ mình có tình cảm với ông Đ, Toàn nổi máu ghen.

Sáng 13/10, Toàn đến khu vực chung cư tìm quán uống cà phê để theo dõi “tình địch”. Tuy nhiên quán cà phê ở đây chưa mở cửa nên Toàn quyết định quay về công ty làm việc.

Đến gần trưa khi phát hiện xe ông Đ đậu dưới sảnh chung cư, Toàn lại nổi máu ghen và tìm cách trả thù.

Toàn đi mua 2 lít xăng về chế lên xe ông Đ rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa bùng phát, Toàn tháo chạy khỏi hiện trường.

Công an quận 7 đã đưa Toàn đến hiện trường phục dựng lại hiện trường để củng cố chứng cứ xử lý.

Nguồn: 

https://www.doisongphapluat.com/nghi-vo-ngoai-tinh-voi-sep-8x-mua-xang-dot-o-to-nguoi-tinh-he-lo-loi-khai-a516497.html

Vụ ô tô bị niêm phong cửa tại Bình Phước: Lãnh đạo huyện nói gì?

Liên quan đến vụ việc ô tô bị niêm phong cửa, "cấm xuống" tại Bình Phước, trả lời trên VTC News vào ngày 17/10, bà Thị Diệu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, đây chỉ là một trường hợp duy nhất và cá biệt.

"Huyện cũng như tỉnh không hề có chủ trương làm như vậy, chỉ có một trường hợp cá biệt. Tức là chốt linh động duy nhất cho một trường hợp cá biệt đi qua chốt của huyện", bà Hiền thông tin.

Cửa xe ô tô bị niêm phong khi di chuyển qua địa bàn tỉnh Bình Phước về Bình Dương. Ảnh: Dân Trí

Cửa xe ô tô bị niêm phong khi di chuyển qua địa bàn tỉnh Bình Phước về Bình Dương. Ảnh: Dân Trí

Theo lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng, trường hợp trên là 2 vợ chồng đi xe ô tô từ tỉnh Lâm Đồng qua địa bàn huyện để về Bình Dương gặp em trai đang hấp hối, sắp qua đời. Khi đến chốt kiểm soát dịch bệnh của huyện thì lực lượng trực chốt có vận động 2 vợ chồng quay đầu để qua Quốc lộ 14 (chốt của tỉnh Bình Phước) về Bình Dương theo đúng quy định.

Tuy nhiên, do tính chất cấp thiết, quay lại thì quá xa, nên 2 vợ chồng năn nỉ xin được qua chốt. Sau đó, chốt trưởng gọi điện thoại xin ý kiến bà Hiền về trường hợp này.

Đồng thời, 2 vợ chồng cũng trình bày đi từ Lâm Đồng xuống, qua chốt huyện Đạ Tẻ họ bị dán niêm phong cửa xe, nếu chốt tại huyện Bù Đăng linh động cho qua thì dán thêm một tem niêm phong khác, 2 vợ chồng cam kết sẽ di chuyển thằng xuống Bình Dương.

"Lúc đó không có một mẫu gì luôn. Bắt đầu chốt không biết dán kiểu nào thì mới thấy chỗ dán của Lâm Đồng thì cũng in một tờ giấy và dán lên. Không phải niêm phong mà dán tờ giấy lên chồng chỗ huyện Đạ tẻ đã dán", bà Hiền nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cũng cho biết, hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội mấy ngày qua cũng không rõ ai chụp và đăng tải lên. 2 vợ chồng đi trên ô tô cũng khẳng định không hề chụp.

"Huyện Bù Đăng đã linh động cho họ qua để về Bình Dương lo hậu sự cho em trai họ cảm ơn chứ đăng lên làm gì", bà Hiền nói.

Thông tin về sự việc trước đó, Dân Trí cho hay, mạng xã hội hiện đang lan chuyền hình ảnh một ô tô bị lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 dán niêm phong ở cửa xe, với nội dung: "Tài xế và người đi cùng trên xe không được xuống xe trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong quá trình di chuyển về Bình Dương".

Nhiều người cho rằng việc niêm phong cửa ô tô như trên không phù hợp, khi mà Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Sau khi hình ảnh cửa xe ô tô bị niêm phong được đăng tải trên mạng xã hội, UBND huyện Bù Đăng đã chỉ đạo lực lượng tại chốt xác minh.

Nguồn: 

https://www.doisongphapluat.com/vu-o-to-bi-niem-phong-cua-tai-binh-phuoc-lanh-dao-huyen-noi-gi-a516491.html

Hà Nội: Nước sông Bùi dâng cao, nhiều nhà dân ở Chương Mỹ bị ngập

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Hà Nội, khiến nước sông Bùi dâng cao, khoảng 30 hộ dân thuộc thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, Hà Nội, đã bị ngập vào đến sân, nhiều tuyến đường đã ngập sâu trong nước.

Từ sáng ngày 16/10, nước sông Bùi dâng cao đã tràn vào con đường chính dọc thôn Bùi Xá. Những nhà nằm sát bờ sông và vị trí thấp trong thôn nước đã bắt đầu tràn vào sân, sát mép nhà.

Một con ngõ vào nhà người dân đã bị nước ngập sâu.

Một con ngõ vào nhà người dân đã bị nước ngập sâu.

Theo ghi nhận, trên nhiều tuyến đường quanh thôn Bùi Xá đã ngập, điểm ngập sâu nhất khoảng 0,5 m.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, Hà Nội và Hòa Bình mưa to. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, tổng lượng mưa từ 8h đến 13h ngày 16/10 ở Hòa Bình phổ biến 250-330 mm, Hà Nội 200-400 mm. Đây chính là lý do làm nước sông Bùi lên cao, tràn vào nhà dân.

Một người dân ở đây cho biết từ đêm qua nước bắt đầu lên, nhiều đồ đạc, thóc lúa đã được kê lên chỗ cao. Do nước dâng lên chậm, nên mọi người cũng đã có sự chuẩn bị.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch huyện Chương Mỹ, cho biết: "Ngoài thôn Bùi Xá, hơn 20 nhà khác ở xã Tốt Động cũng bị ngập. "Chúng tôi đã chỉ đạo các xã, thị trấn, ứng trực 24/24h, phối hợp với đơn vị quân đội trên địa bàn chuẩn bị sẵn phương tiện sơ tán người dân khi nước lên cao hơn".

Thôn Bùi Xá hiện có hơn 100 hộ dân với khoảng 500 người sinh sống. Năm 2018, thôn này bị ngập nặng, sâu nhất hơn 1,5 m. Hàng nghìn hộ dân các xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tốt Động, thị trấn Xuân Mai, Thuỷ Xuân Tiên của huyện Chương Mỹ bị ngập hơn một tháng.

Sông Bùi dài 91 km, bắt nguồn từ xã Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình), chảy qua Chương Mỹ (Hà Nội), cùng với sông Tích hợp lưu vào sông Đáy tại xã Phúc Lâm, huyện Chương Mỹ. Diện tích lưu vực sông Bùi hơn 1.240 km2.

Nguồn: 

https://danviet.vn/ha-noi-nuoc-song-bui-dang-cao-nhieu-nha-dan-o-chuong-my-bi-ngap-20211016183729391.htm

Đề nghị tăng tần suất đường bay Hà Nội-TP HCM

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất khai thác các chuyến bay khứ hồi trên các đường bay áp dụng từ ngày 21-10 đến ngày 30-11-2021.

Hành khách Vietnam Airlines làm thủ tục ở quầy check-in sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hà Nội. Hiện chỉ có Vietnam Airlines được khai thác đường bay này với tần suất 1 chuyến/ngày

Hành khách Vietnam Airlines làm thủ tục ở quầy check-in sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hà Nội. Hiện chỉ có Vietnam Airlines được khai thác đường bay này với tần suất 1 chuyến/ngày

Về tần suất, 3 đường bay trục Hà Nội-Đà Nẵng; Hà Nội-TP HCM và Đà Nẵng-TP HCM tần suất khai thác là 6 chuyến khứ hồi/ngày cho mỗi đường bay (Vietnam Airlines 2 chuyến/ngày; Vietjet Air 2 chuyến/ngày; Bamboo Airways 1 chuyến/ngày; Pacific Airlines 1 chuyến/ngày).

Các đường bay khác, tần suất không quá 1 chuyến khứ hồi/ngày trên mỗi đường bay đối với mỗi hãng hàng không.

Đối với hãng hàng không Vietravel Airlines được xem xét khai thác với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày trên mỗi đường bay từ tháng 11-2021.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng (21-10-2021), Cục HKVN sẽ đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác phù hợp.

Về quy định với hành khách, chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) (giai đoạn hiện tại áp dụng các chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất): Hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Co-V2 với phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Chuyến bay xuất phát từ các địa bàn khác cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: Người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay hoặc người có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay, hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Theo Cục HKVN, kế hoạch trên đã cập nhật các hướng dẫn về phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Chỉ thực hiện gần một nửa chuyến bay theo kế hoạch

Theo đó, sau 5 ngày triển khai thực hiện thí điểm (từ ngày 10-10-2021 đến ngày 14-10-2021), 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã thực hiện 98 chuyến bay một chiều (trong tổng số 200 chuyến bay theo như kế hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt) trên 16 đường bay (trong 20 đường bay theo kế hoạch), đi/đến trên 16/22 cảng hàng không, sân bay và vận chuyển tổng số 5.924 hành khách .

Như vậy, tỷ lệ chuyến bay đã thực hiện còn thấp (49%) do nhiều chuyến bay số lượng khách đặt chỗ rất thấp, thậm chí không có khách. Nguyên nhân do hãng hàng không chỉ có thể mở triển khai bán vé trên hệ thống kèm các điều kiện vận chuyển hành khách sau khi có các văn bản chính thức từ Bộ và Cục nên trong 2 ngày đầu (ngày 10 và 11-10-2021) hành khách chưa kịp tiếp cận thông tin chuyến bay nên không chủ động lập kế hoạch di chuyển.

Bên cạnh đó, nhiều đường bay có nhu cầu thấp nên hãng hàng không chưa thể khai thác hoặc hạn chế khai thác như đường bay Thanh Hóa - Liên Khương; TP HCM - Cà Mau/Rạch Giá, Đà Nẵng - Cần Thơ/Buôn Ma Thuột, trong khi các đường bay đi/đến các địa phương khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... bị hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu hành khách giai đoạn hiện tại, chủ yếu được về địa phương sau giãn cách hoặc chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nhân cần đi lại giữa ba trung tâm để nối lại hoạt động kinh tế, đầu tư, kinh doanh. Tỷ lệ tiêm vắc-xin của một số địa phương còn thấp nên hành khách chưa thể đáp ứng yêu cầu của địa phương, nhất là nhóm gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm phòng vắc-xin nên không thể di chuyển dù có nhu cầu.

Ngoài ra, việc giãn cách ghế trên máy bay cũng ảnh hưởng lớn đến doanh thu khiến hãng hàng không phải cân nhắc khi thực hiện chuyến bay; danh sách đường bay còn hạn chế gây khó khăn cho hãng hàng không trong tổ chức khai thác mạng đường bay, phù hợp với kế hoạch quay đầu máy bay trong ngày cũng như việc đỗ máy bay tại các sân bay có cơ sở khai thác, bảo dưỡng.

Nguồn: 

https://nld.com.vn/thoi-su/de-nghi-tang-tan-suat-duong-bay-ha-noi-tp-hcm-20211017182128753.htm

Thủ tướng: Khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng, chống dịch trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) diễn ra sáng 17/10.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng tình hình dịch đã được kiểm soát, Việt Nam đang từng bước chuyển sang trạng thái mới. Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng chúng ta có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Triển khai giải pháp cả trước mắt và lâu dài để chăm sóc trẻ mồ côi do dịch bệnh

Thủ tướng yêu cầu, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng virus mới. Khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng chống dịch, có kịch bản, phương án, chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cách vận hành, tổ chức diễn tập chủ động…, đồng thời khẩn trương hoàn thành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chúng ta có cơ sở để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chúng ta có cơ sở để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Ảnh: VGP.

Cùng với đó, làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót người cần hỗ trợ; nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng lao động. Giữ vững ổn định chính trị xã hội, an toàn trật tự xã hội. Khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học cho các cháu. Triển khai một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài để chăm sóc các cháu mồ côi do dịch bệnh.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời để các địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng vaccine; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine; chủ động chuẩn bị vaccine cho năm 2022; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng lưu ý, điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế, do người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh dù giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong. Do đó, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.

Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên - Thủ tướng nêu nguyên tắc.

Hơn 60% người dân từ 18 tuổi được tiêm vaccine

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta.

Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định: Với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch, năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch. 

Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.

Đến ngày 17/10, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 92 triệu liều vaccine, tiêm được hơn 61 triệu mũi, trong đó hơn 60% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 24,7% đã tiêm đủ 2 liều.

Nguồn: 

https://giadinh.net.vn/thu-tuong-khan-truong-co-giai-phap-mo-cua-truong-hoc-172211017171642462.htm

Đà Nẵng: Mưa lớn, nhiều khu vực bị cô lập

Chiều 17/10, ông Thái Văn Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cho biết, nhiều khu vực trên địa bàn xã bị chia cắt do mưa lớn kéo dài.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, từ trưa cùng ngày, 2 tuyến đường chính từ trung tâm huyện Hòa Vang đi xã Hòa Bắc và đường từ quận Liên Chiểu đi xã Hòa Bắc đã bị ngập sâu, các phương tiện không thể lưu thông.

Nguyên nhân là do mưa to làm nước sông Cu Đê dâng cao, gây ngập đường giao thông ở thôn Nam Yên và cô lập thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc).

Ghi nhận tại xã Hòa Bắc, tuyến đường Ngô Xuân Thu (quận Liên Chiểu) đi xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) bị chia cắt nhiều đoạn. Bên cạnh đó, đường liên xã dẫn vào thôn An Định (xã Hòa Bắc) cũng bị ngập sâu, các phương tiện không thể di chuyển.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, việc di dời tài sản, sơ tán người dân đến nơi an toàn được lực lượng chức năng khẩn trương triển khai.

Nhiều vùng bị cô lập do nước sông Cu Đê vẫn đang dâng cao, hiện tại lực lượng dân quân tự vệ xã đang sơ tán các hộ neo đơn đến Trạm y tế xã Hòa Bắc để đảm bảo an toàn.

Nhiều tuyến đường vào thôn An Định, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng ngập sâu hơn 1m. (Ảnh: D.B)

Nhiều tuyến đường vào thôn An Định, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng ngập sâu hơn 1m. (Ảnh: D.B)

Theo thông tin từ UBND huyện Hòa Vang, đến trưa nay (17/10) đã có 3 xã thuộc huyện Hòa Vang là Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Liên bị ngập lụt nhẹ.

Một vài tuyến đường ven sông Túy Loan thuộc địa phận xã Hòa Nhơn; thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên) bị ngập cục bộ ở một số nơi do ảnh hưởng của các dự án xây dựng. Đặc biệt, mưa lớn đã khiến nước ở thượng nguồn sông Cu Đê (thuộc địa phận xã Hòa Bắc) dâng cao gây chia cắt, cô lập nhiều khu vực. 

Hiện chính quyền địa phương vẫn đang triển khai các phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn, đề phòng rủi ro do mưa lũ gây ra.

Nguồn: 

https://danviet.vn/da-nang-mua-lon-nhieu-khu-vuc-bi-co-lap-20211017180539146.htm

Chồng đánh vợ tàn bạo từ 23 giờ đến 4 giờ sáng, dùng gậy sắt đánh thâm tím cả người
Vụ việc người vợ tên T. H công khai hình ảnh bị chồng say xỉn bạo hành từ đêm tới rạng sáng khiến gương mặt của nạn nhân biến dạng đang gây xôn xao...

Bạo hành gia đình

Bảo Anh. (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h